Chuyển đổi số trong cải cách thủ tục hành chính

Chuyển đổi số đã trở thành công cụ đột phá thúc đẩy giải quyết thủ tục hành chính “phi địa giới”, tạo ra hệ sinh thái dịch vụ công thống nhất, thuận tiện và hiệu quả. Điều đó không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn là xu hướng tất yếu để nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ công.
0:00 / 0:00
0:00
Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Gia Lai. (Ảnh: SỸ TẠO)
Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Gia Lai. (Ảnh: SỸ TẠO)

Bài 2: Hướng tới dịch vụ công “phi địa giới” (tiếp theo và hết)

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông cho rằng, để số hóa trong cải cách thủ tục hành chính hướng tới nền hành chính “phi địa giới” cần đáp ứng được đồng loạt các điều kiện đó là sẵn sàng về dữ liệu; quy trình hành chính; phân loại thẩm quyền hành chính và tính toán kỹ lưỡng các yếu tố cấu thành trong môi trường giao dịch “phi địa giới”.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn là nhận thức và quyết tâm chính trị của người đứng đầu. Người đứng đầu có thật sự muốn làm hay không? Có sẵn sàng gạt bỏ lợi ích riêng của ngành để phục vụ lợi ích chung của toàn xã hội? Chỉ như vậy mới có thể tiến hành cắt giảm thủ tục hành chính, loại bỏ các bước thực hiện hành chính rườm rà, phức tạp và giảm bớt “yêu sách”, nhũng nhiễu của các cán bộ hành chính công.

Trong quá trình xây dựng các văn bản quy định pháp luật, cần có những tiêu chuẩn chung về các loại giấy phép để kiểm soát, tránh việc ban hành tràn lan các loại giấy phép. Khi Việt Nam gặp bất lợi về mặt thuế quan thì chúng ta cần phải bù đắp bất lợi bằng việc cải thiện môi trường kinh doanh.

Việc triển khai hệ thống thủ tục hành chính nhanh, thông suốt và giảm thời gian, chi phí hành chính sẽ góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước, cũng như doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam. Hiện nay, 95% quy trình liên quan đến thủ tục hành chính là do Trung ương quy định.

Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương để đưa ra một quy trình chuẩn xác nhất khi thực hiện thủ tục hành chính công và phù hợp với môi trường số hóa. Có các tiêu chí để đưa các dịch vụ công lên trực tuyến và trực tuyến toàn trình. Không nên làm đồng loạt và số hóa tất cả các loại thủ tục hành chính mà triển khai cuốn chiếu, tập trung vào khoảng 80 nhóm thủ tục hành chính cấp thiết, phát sinh nhiều hồ sơ để triển khai thực hiện trước.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng thành phố Hồ Chí Minh (SACA) cho biết, để cải cách hành chính đạt hiệu quả, cần tăng tính minh bạch, giảm nhũng nhiễu, tiêu cực; cần xây dựng nền tảng về quản lý hành chính công tích hợp với trí tuệ nhân tạo (AI), bảo đảm tất cả dịch vụ hành chính công đều được xử lý tự động bằng những công cụ AI hiện đại. Các điểm giao dịch (vận hành bằng AI, không cần nhân viên) có thể được đặt tại nhiều vị trí thuận tiện giúp người dân tiết kiệm thời gian di chuyển. Khi có điều kiện có thể tăng thêm điểm giao dịch về thôn xóm, khu phố.

Cơ quan chức năng cần chuyển trạng thái cung cấp dịch vụ công từ “xin-cho” sang “chủ động-phục vụ”; xóa bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết; nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến toàn trình hướng tới dịch vụ số cá nhân hóa, không phụ thuộc địa giới hành chính; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong giải quyết thủ tục hành chính, áp dụng chính sách thu phí không đồng để thu hút người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến; số hóa dữ liệu hộ tịch và đồng bộ với Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư để làm sạch, phục vụ cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Thực tế tại tỉnh Gia Lai, địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số đối với các lĩnh vực cần ưu tiên, có tác động lớn đến người dân, doanh nghiệp như: Y tế, giáo dục và đào tạo, du lịch, giao thông vận tải và hạ tầng logistics… Để không ảnh hưởng việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân khi sáp nhập các địa phương, nhiều sở, ngành của Gia Lai khuyến khích các tổ chức, cá nhân đăng ký giải quyết thủ tục hành chính qua hình thức dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ Bưu chính công ích và chuyển đổi tài khoản Cổng Dịch vụ công quốc gia sang tài khoản VNeID.

Đồng chí Đặng Quang Khanh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai cho biết, Sở, Văn phòng UBND tỉnh phối hợp VNPT Gia Lai chủ động điều chỉnh, nâng cấp hệ thống theo thẩm quyền, bảo đảm tính kế thừa về thông tin, dữ liệu, an toàn, an ninh để giải quyết thủ tục hành chính liên tục, thông suốt, hiệu quả, không bị gián đoạn; rà soát, phối hợp để thống nhất việc tích hợp, chuyển đổi hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh khi có chủ trương, quyết định cụ thể của cấp có thẩm quyền về sáp nhập tỉnh.

Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Ninh, toàn bộ quy trình giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện “5 bước tại chỗ”, “5 bước trên môi trường điện tử” thông qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh và được xây dựng quy trình bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ thời gian giải quyết; 100% số thủ tục hành chính ở cấp tỉnh đủ điều kiện đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 668 thủ tục được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

Đặc biệt, nhiều giải pháp đổi mới về chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính được triển khai như: Niêm yết thủ tục hành chính bằng mã QR; sử dụng biên lai điện tử; tin nhắn thông báo tình trạng hồ sơ; đăng ký cấp bổ sung chứng thư số và chữ ký số cho cán bộ; cung cấp miễn phí hơn 19.000 chữ ký số công cộng cho người dân; tổng đài hành chính công; quầy hỗ trợ cho người già, người yếu thế; đa dạng hóa công tác tuyên truyền thông qua các mạng xã hội, fanpage… công tác bồi dưỡng, tập huấn triển khai đồng bộ, thường xuyên liên tục đã tạo sự tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính.

Hiện, tỉnh Quảng Ninh đang nghiên cứu triển khai mô hình “Tự động hóa Trung tâm Phục vụ hành chính công thông qua tương tác kiosk”. Khi mô hình này chính thức đưa vào vận hành, người dân có thể sử dụng kiosk để đăng nhập tài khoản dịch vụ công qua VNeID hoặc số căn cước, việc nộp và trả kết quả thủ tục hành chính sẽ được chuyển qua tài khoản dịch vụ công của người dân.

Chị Nguyễn Thu Hương, ở phường Cẩm Bình, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh cho biết: Việc giải quyết thủ tục hành chính ở Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh nhanh và có nhiều đổi mới, nhất là niêm yết thủ tục bằng mã QR; sử dụng biên lai điện tử; tin nhắn thông báo tình trạng hồ sơ... giúp người dân, doanh nghiệp giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính.

Chuyển đổi số trong cải cách thủ tục hành chính là xu hướng tất yếu để nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ công. Tuy nhiên, chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là chuyển đổi từ hình thức truyền thống sang trực tuyến mà còn bao gồm việc cải thiện quy trình làm việc của các cơ quan, ban, ngành liên quan.

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với sự quyết tâm, đồng lòng của chính quyền và người dân, chuyển đổi số trong cải cách thủ tục hành chính đạt hiệu quả sẽ là một trong những động lực quan trọng cho sự phát triển bền vững.