Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), đến nay có khoảng 2.600 trong số hơn 22.500 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên cả nước ứng dụng phần mềm và công nghệ số. Đây là con số khá thấp so với vị thế và tiềm lực của ngành nông nghiệp nước ta.
Ưu tiên chuyển đổi số
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số trong hợp tác xã nông nghiệp giúp giảm chi phí vận hành lên tới 30%, giảm chi phí vật tư phân bón từ 15-20%; đồng thời, tăng năng suất từ 15-28%. Có thể nói, chuyển đổi số là chìa khóa trong phát triển bền vững ngành nông nghiệp.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xác định nông nghiệp công nghệ cao là trụ cột của kinh tế địa phương, cho nên đã có nhiều chính sách thúc đẩy các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
Năm 2024, tỉnh có 41 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; 35 hợp tác xã ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; 10 hợp tác xã tham gia xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế...
Điển hình là Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Bà Rịa-Vũng Tàu, xã Bình Ba, huyện Châu Đức, hiện đang liên kết với 32 hộ dân sản xuất và tiêu thụ thanh long với diện tích 30ha. Việc chuyển đổi số đã được thực hiện tại các khâu quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) và quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) đem lại hiệu quả rõ rệt…
Theo Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Bà Rịa-Vũng Tàu, hợp tác xã đầu tư hệ thống máy cô đặc chân không và máy hấp khử trùng với tổng kinh phí 605 triệu đồng. Việc đầu tư máy móc giúp hợp tác xã đạt doanh thu khoảng 4,1 tỷ đồng, lợi nhuận gần 270 triệu đồng/năm; tạo việc làm ổn định với thu nhập bình quân khoảng 8,5 triệu đồng/người/tháng.
Tỉnh Tiền Giang cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong nông nghiệp. Địa phương có 23 hợp tác xã tham gia hoạt động xuất khẩu, 34 hợp tác xã ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm.
Các mô hình tiêu biểu gồm trồng lúa gạo tham gia liên kết, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị hàng hóa ứng dụng công nghệ cao; trồng dưa lưới trong nhà màng và sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt; điều khiển quy trình canh tác nông nghiệp qua thiết bị thông minh (smartphone, máy tính bảng); dịch vụ các thiết bị bay không người lái phục vụ sản xuất nông nghiệp...
Tại Hợp tác xã nông nghiệp, thương mại, dịch vụ Phú Quới, xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang - một trong những đơn vị thực hiện thành công mô hình “Canh tác lúa thông minh phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh” với quy mô 1,5ha, cho lợi nhuận cao so với canh tác lúa truyền thống.
Hợp tác xã đã hỗ trợ xã viên sử dụng phân bón thông minh chậm tan, thuốc bảo vệ thực vật, ứng dụng kỹ thuật ngập khô xen kẽ theo quy trình canh tác lúa thông minh phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh. Kết quả, năng suất đạt từ 7-7,5 tấn/ha và giảm hơn 5,3 triệu đồng chi phí sản xuất trên 1ha so với sản xuất lúa truyền thống.
Thúc đẩy chuyển đổi số trong hợp tác xã
Trong số hơn 10% hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số thì phần lớn cũng chỉ tập trung vào ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc. Việc ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý hợp tác xã, kinh doanh sản phẩm chưa thật sự được chú trọng.
Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, để thúc đẩy chuyển đổi số trong hợp tác xã, Liên minh hợp tác xã tỉnh đã xây dựng các đề án nhằm mở rộng liên kết sản phẩm giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp trong tỉnh với đối tác ngoài tỉnh thông qua các hội chợ xúc tiến thương mại.
Phó Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Thị Loan cho biết, đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức về chuyển đổi số trong phát triển hợp tác xã cho cán bộ chủ chốt, thành viên. Đồng thời, tổ chức các chuyên đề, hội thảo về chuyển đổi số; tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu các mô hình hợp tác xã trong và ngoài tỉnh thực hiện chuyển đổi số thành công.
Liên minh còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để hợp tác xã thật sự phát huy vai trò cầu nối, dẫn dắt thành viên trong sản xuất, quảng bá, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm.
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đặt mục tiêu đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chiếm hơn 50% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp; có tối thiểu 10 vùng và năm doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. 100% diện tích đất quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao được triển khai các dự án sản xuất.
Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2030, doanh thu bình quân mỗi hợp tác xã đạt khoảng 3,2 tỷ đồng/năm, lợi nhuận hợp tác xã đạt 230 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân người lao động khoảng 80 triệu đồng/người/năm trong lĩnh vực nông nghiệp và 100 triệu đồng/người/năm trong hợp tác xã lĩnh vực phi nông nghiệp.
Với Tiền Giang, tỉnh đặt mục tiêu mỗi năm xây dựng ít nhất 50 mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất.
Đồng thời, nhân rộng các hợp tác xã kiểu mới trong lĩnh vực nông nghiệp để gắn kết với thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào hợp tác xã, liên kết với hợp tác xã theo chuỗi giá trị.
Đặc biệt, nâng cao năng lực quản lý, điều hành và ứng dụng công nghệ số trong các khâu sản xuất, phân phối sản phẩm, nhằm phát huy lợi thế của các hợp tác xã, tăng sức cạnh tranh cho nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế...
Theo Cục trưởng Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Lê Đức Thịnh, trước đây việc tổ chức, mời xã viên hợp tác xã đi học các lớp trang bị kiến thức chuyển đổi số rất khó thì đến nay họ đã chủ động tích cực tham gia các lớp học, thậm chí chủ động đề xuất với địa phương, với các cơ quan chuyên môn, tổ chức các lớp đào tạo về kỹ thuật số và chuyển đổi số nhằm phục vụ việc xây dựng các dữ liệu hoặc truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
Theo Liên minh hợp tác xã Việt Nam, để hỗ trợ Liên minh hợp tác xã các địa phương, thời gian tới đơn vị sẽ tìm hiểu những khó khăn, nhu cầu của Liên minh hợp tác xã địa phương, các hợp tác xã trong hoạt động chuyển đổi số để phản ánh đến các sở, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh để có những chính sách hỗ trợ kịp thời.
Liên minh hợp tác xã còn nâng cao tuyên truyền, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; kiểm soát chất lượng, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn thực phẩm... Triển khai thí điểm các mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ số nhằm rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình trong phạm vi địa phương và cả nước.
Bằng những nỗ lực nội tại của ngành nông nghiệp, việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tích cực thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về học tập suốt đời và triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” đang được xem là chìa khóa để hợp tác xã mở ra cánh cửa phát triển, đưa nông sản Việt Nam vươn tầm quốc tế.