Sau mấy khúc cua vòng vèo trong con hẻm nhỏ sâu hun hút trên đường Nguyễn Du, chúng tôi mới tới được nhà ông Năm (tên gọi thân mật của ông Nguyễn Khắc Êm).
Bên bàn trà cũ kỹ, ông Năm kể về những năm tháng "vác tù và hàng tổng" của mình. Sau giải phóng, khi chính quyền thành phố cần người có thể đảm đương các công việc trong tổ dân phố, ông đã tự nguyện tham gia.
Thời điểm ấy, tiêu chí được chọn cũng không có gì lớn lao. Ðịa phương biết ông đang công tác tại công ty dược, tuổi đời còn trẻ (32 tuổi) lại năng nổ, nhiệt tình cho nên giới thiệu. Nhiệm vụ của một tổ trưởng tổ dân phố thời điểm đó luôn phải làm việc hết công suất. Ban ngày đi làm việc ở cơ quan, tối về làm việc của khu phố với những sổ gạo, sổ dầu, thực phẩm,... cho người dân.
Như một cầu nối giữa chính quyền với người dân, mỗi lần có thông tin mới về chủ trương, chính sách, ông Năm lại rong ruổi đến từng nhà để tuyên truyền. Âm giọng chậm rãi, chắc khỏe, những thông tin ông thông báo đều được người dân tiếp thu và thực hiện đầy đủ.
Ðược dân tin, chuyện lớn, chuyện bé của bà con trong khu phố cũng đều có mặt ông. Từ chuyện hiếu hỷ, đau ốm, hòa giải hiềm khích hay chuyện riêng tư của mỗi gia đình, khi nhận thông tin, ông đều có mặt. "Bà xã thấy tôi bao đồng quá cũng có lúc tâm tư nhưng rồi thấy tôi được người dân tin yêu cho nên bà cũng ủng hộ", ông Năm chia sẻ.
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân phường Bến Nghé cho biết, là người hiểu rõ hoàn cảnh từng gia đình trong khu phố cho nên trong mỗi sự việc, vấn đề, ông Năm đều có cách xử lý khéo léo, hợp tình hợp lý.
Ông Năm dành nhiều tâm huyết để răn dạy, chỉ bảo, khuyên can thành công nhiều thiếu niên có nguy cơ hư hỏng để các em sớm tu chí học hành. Từ sự tận tâm, tâm huyết của ông Năm, khu phố 3 không còn hộ nghèo, nhân dân trong khu phố đoàn kết, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
"Chức vụ thì nhỏ vậy thôi chứ người dân cũng để ý dữ lắm", ông Êm cười hiền từ cho biết. Về câu chuyện làm gương, gia đình ông Năm lấy câu chuyện thoát nghèo của chính gia đình mình để chứng minh mọi nỗ lực đều sẽ được đền đáp. Từ một hộ nghèo trong khu phố, ông và các thành viên trong gia đình đã nỗ lực, bền bỉ để vươn lên thoát nghèo.
Thành phố Hồ Chí Minh đã từng có hơn 27.000 tổ dân phố, tổ nhân dân trước khi có chủ trương sáp nhập của Chính phủ. Trải qua hàng chục năm, hàng vạn người đã đảm nhận vai trò tổ trưởng tổ dân phố, những người được xem là "người vác tù và hàng tổng" với nhiều công việc không tên ở địa phương.
Bà Kha Hoàng Ngọc Trâm, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Bến Nghé đánh giá: "Những người gắn bó công việc gần nửa thế kỷ, được dân tin, dân quý như ông Nguyễn Khắc Êm là rất đặc biệt. Phải tâm huyết, trách nhiệm với công việc này các cô, các chú mới có thể gắn bó lâu như thế. Như một sợi dây vô hình, họ đã kết nối, gánh vác những công việc trong khu phố để góp phần xây dựng đời sống tại khu dân cư ngày một đoàn kết hơn. Công lao của họ đối với thành phố luôn được ghi nhận và nhắc đến trong quá trình xây dựng và phát triển.