Theo quy ước của Hội Truyền máu quốc tế, nhóm máu có tỷ lệ dưới 0,1% trong quần thể được coi là hiếm và dưới 0,01% được coi là rất hiếm. Việt Nam, những người có nhóm máu Rh(D) âm là nhóm máu hiếm.
Hiểu được điều đó, có những người khỏe mạnh mang nhóm máu hiếm vẫn luôn sẵn sàng sẻ chia giọt máu quý giá của mình, hiến tặng người bệnh mỗi khi nhận được huy động của Viện.
Khi biết mình có nhóm máu hiếm thuộc 0,1% dân số, hầu hết mọi người đều có cảm giác lo lắng vì cảm thấy mình có phần khác biệt so với đa số những người xung quanh.
Nguyễn Hoài Sơn (24 tuổi, Hà Nội) khi mới bắt đầu những ngày tháng là sinh viên ở trường Đại học, em đã cảm thấy việc hiến máu tình nguyện là hoạt động có rất nhiều ý nghĩa nên đã tham gia. Sau lần đầu tiên hiến máu và được xét nghiệm thì em được biết mình có nhóm máu hiếm AB Rh(D) âm.
![]() |
Nguyễn Hoài Sơn (24 tuổi, Hà Nội). |
Từ đó, Sơn thường đi hiến máu theo những cuộc gọi huy động từ Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương. Cũng từ đó, Sơn hiểu được tầm quan trọng của những người hiến máu như mình với người bệnh.
“Nhiều lần được Viện gọi đến để hiến máu cho người bệnh, tôi biết rằng người bệnh và người nhà đều rất lo lắng, rất cần đến máu của tôi. Sau mỗi lần như vậy tôi đều cố gắng sống lành mạnh, luyện tập nâng cao sức khỏe để sẵn sàng hiến máu khi có người cần”, Sơn chia sẻ.
Giống như Sơn, bạn Phạm Ánh Ngọc (25 tuổi, Hà Nội) cũng nhờ việc đi hiến máu mà biết mình có nhóm máu hiếm. Là một cô gái nhỏ nhắn, nhưng Ánh Ngọc đã có 16 lần hiến máu nhóm hiếm và luôn sẵn sàng đi hiến máu mỗi khi được gọi.
Ngọc cho biết, khi được bác sĩ thông báo mình có nhóm máu hiếm B Rh(D) âm, mình đã về nhà tìm hiểu các thông tin về nhóm máu hiếm trên mạng. Ban đầu cũng hơi lo một chút nhưng sau đó thì mình lại thấy bình thường, mình cũng có tìm hiểu và tham gia vào CLB nhóm máu hiếm để khi có người cần thì mình sẽ có thông tin để đi hiến máu.
Ánh Ngọc vẫn nhớ lần đầu tiên được gọi đến hiến máu cho người bệnh có nhóm máu hiếm, đó cũng là lần đầu Ngọc cảm nhận được ý nghĩa của công việc mình đang làm.
“Năm 2022, khi mình đang làm việc thì nhận được cuộc gọi của Viện nhờ mình đến hiến máu. Lúc đó mình thấy khá hoang mang vì không nghĩ là nhóm máu của mình lại hiếm đến thế. Mình cũng lo lắng cho người bệnh nên đã sắp xếp công việc để đi hiến máu ngay chứ không chờ đến hết giờ làm. Trên đường đi mình cũng cảm thấy khá hồi hộp, lúc đó nghĩ rằng chỉ sợ mình đến chậm thì người bệnh sẽ gặp nguy hiểm.
![]() |
Phạm Ánh Ngọc (25 tuổi, Hà Nội). |
Sau này mình quen với việc đi hiến máu hơn thì cũng bình tĩnh hơn khi được gọi, nhưng lần đó cũng là kỷ niệm khá đáng nhớ đối với mình”, Ánh Ngọc chia sẻ.
Chị Đinh Thị Thơm ở thôn Phi Liệt, xã Liên Nghĩa (Văn Giang) biết mình mang nhóm máu A Rh(D) âm, một trong những nhóm máu ít người có khi mang thai con đầu lòng. Ban đầu, chị rất hoang mang và lo lắng vì sợ bản thân mắc bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, khi tìm hiểu thông tin về nhóm máu của mình, chị được biết những người mang nhóm máu Rh(D) âm ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,1% dân số nên được xếp vào nhóm máu hiếm.
Năm 2018, chị tham gia Câu lạc bộ hiến máu nhóm hiếm của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương. Theo chị Thơm, việc hiến máu đối với những người mang nhóm máu hiếm cũng rất đặc biệt khi không thực hiện hiến máu theo định kỳ/năm mà chỉ được hiến máu khi người bệnh cần.
Chia sẻ về kỷ niệm trong một lần hiến máu cứu người, chị Thơm nhớ lại, vào một ngày năm 2022, khoảng 11 giờ đêm, chị nhận được cuộc điện thoại của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương thông tin có 1 bệnh nhân nam ở tỉnh Thanh Hóa nhập Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) do bị tai nạn giao thông và cần được truyền máu A Rh(D) âm gấp.
![]() |
Chị Đinh Thị Thơm. |
Không suy nghĩ nhiều, chị Thơm vội vàng lên đường. Nhờ được tiếp máu kịp thời, bệnh nhân ấy đã thoát khỏi ranh giới cửa tử. Sau này, khi đã bình phục sức khoẻ, chính bệnh nhân ấy đã tình nguyện tham gia Câu lạc bộ hiến máu nhóm hiếm của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương để tiếp tục hành trình trao đời sự sống.
Những người trẻ có nhóm máu hiếm như Sơn và Ngọc luôn ở trong tư thế sẵn sàng, bất cứ khi nào có cuộc gọi từ Viện, họ đều sắp xếp để có thể đến hiến máu sớm nhất, để cứu thêm nhiều người bệnh đang cần máu hiếm.