Cơ chế đặc thù tăng tốc dự án trọng điểm

Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng phục vụ việc xây dựng tuyến đường sắt đô thị (metro) số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đã đạt khối lượng 99,83%. TP Hồ Chí Minh đề ra mục tiêu khởi công tuyến metro số 2 vào tháng 12 năm nay, hoàn thành đưa vào khai thác vào năm 2030.
0:00 / 0:00
0:00
Tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) hiện đã hoàn tất 99,83% khối lượng giải phóng mặt bằng.
Tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) hiện đã hoàn tất 99,83% khối lượng giải phóng mặt bằng.

Mặt bằng gần như đã “sạch”

Ghi nhận trong những ngày giữa tháng 3, dọc tuyến đường Cách mạng Tháng Tám, chạy qua địa bàn Quận 3 và Quận 10 (TP Hồ Chí Minh), các đơn vị thi công khẩn trương thực hiện việc tái lập lại mặt bằng, vỉa hè, chỉnh trang hai bên tuyến đường… chuẩn bị cho công tác khởi công xây dựng tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương).

“Nhà tôi cùng các hộ dân chung quanh đã bàn giao mặt bằng cho nhà nước và lùi sâu vào khoảng 10 m tính từ cọc ranh. Chúng tôi hy vọng thành phố sớm làm tuyến metro số 2 để hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Trong tương lai không xa, thành phố lại có thêm một tuyến metro hiện đại nữa hoạt động, giúp cho việc đi lại của người dân thuận lợi và an toàn hơn”, ông Trần Anh Vỹ (ngụ phường 13, Quận 10) phấn khởi nói khi đứng chứng kiến các đơn vị thi công làm lại mặt bằng.

Tương tự, ở địa bàn Quận 3, mặt bằng cũng đã được bàn giao cơ bản, người dân bày tỏ sự phấn khởi khi nắm được thông tin tuyến metro số 2 sẽ được khởi công trong năm 2025.

Liên quan công tác bàn giao mặt bằng, ngày 14/3, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh (MAUR, chủ đầu tư) cho biết, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng tuyến metro số 2 đạt khối lượng 99,83%, với 584/585 trường hợp bàn giao (tổng diện tích thu hồi hơn 251.000 m2). Một trường hợp vướng mắc là trụ sở Công an Quận 3, đang chờ hoàn tất thủ tục bàn giao giữa Bộ Công an và Công an TP Hồ Chí Minh. Dự kiến công tác bàn giao mặt bằng sẽ xong trong tháng 3.

Trong khi đó, việc di dời hạ tầng kỹ thuật tại 12/12 vị trí nhà ga và các đoạn đào hở đang được triển khai đồng loạt, bao gồm hệ thống điện, viễn thông, cấp thoát nước, chiếu sáng và cây xanh. MAUR sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành vào quý III/2025.

Với những nỗ lực trên, Sở Giao thông công chính TP Hồ Chí Minh đặt ra kế hoạch giữa năm nay dự án sẽ được hoàn tất khảo sát, thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) và hồ sơ nghiên cứu khả thi để thẩm định. Thành phố sẽ duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 9, sau đó chọn nhà thầu và phấn đấu khởi công vào tháng 12/2025, hoàn thành khai thác thương mại vào năm 2030.

Khi vận hành, tuyến metro số 2 sẽ kết nối trực tiếp với metro số 1 tại ga Bến Thành, đồng thời liên thông với các tuyến metro khác trong tương lai. Điều này giúp người dân di chuyển thuận tiện theo trục đông - tây, giảm áp lực giao thông cho khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh.

Đột phá trong cơ chế

Trao đổi ý kiến với phóng viên, Trưởng ban MAUR Phan Công Bằng cho biết, rút kinh nghiệm từ tuyến số 1, tuyến metro số 2 đã được áp dụng cách làm mới, bảo đảm giải phóng mặt bằng “sạch”, hạ tầng kỹ thuật “sạch” trước khi thi công các dự án. Đây cũng là công trình đầu tiên của TP Hồ Chí Minh ứng dụng mô hình thông tin công trình từ khảo sát, thiết kế cho tới giám sát, triển khai thi công; áp dụng công nghệ tiên tiến trong quá trình triển khai thi công như khoan kích ngầm, hệ thống điện ngầm, hệ thống cấp nước ngầm...

“Đặc biệt, Quốc hội đã cho phép thành phố áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Do đó, việc xây dựng tuyến metro số 2 theo đúng tiến độ rất khả thi”, ông Phan Công Bằng nhấn mạnh.

Nhằm bảo đảm tiến độ, TP Hồ Chí Minh dự kiến thành lập Ban Chỉ đạo phát triển hệ thống đường sắt đô thị trong tháng này. Đồng thời, thành phố phối hợp với Bộ Xây dựng hoàn thiện quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật cho metro vào tháng 5 tới. Song song đó, công tác quy hoạch và cập nhật hướng tuyến metro cũng sẽ được hoàn tất trong năm 2025 để bảo đảm sự đồng bộ với định hướng phát triển chung của thành phố đến năm 2040, tầm nhìn 2060.

Đánh giá cao về cơ chế cũng như cách làm nêu trên, TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Kinh tế tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển đường sắt đô thị đã tạo ra cơ chế chưa từng có để hai đô thị lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh bảo đảm hoàn thành theo đúng quy hoạch mạng lưới vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, hiện đại, bền vững.

Cùng quan điểm, PGS, TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải (Trường đại học Việt Đức) nhấn mạnh, TP Hồ Chí Minh đang đứng trước cơ hội lịch sử để phát triển đường sắt đô thị và cải tạo khu vực đô thị chung quanh nhà ga. Nghị quyết 188 của Quốc hội đã mở cánh cửa và bây giờ là lúc thành phố cần tận dụng cơ hội lịch sử này.

Liên quan đến nguồn vốn thực hiện, Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh vừa có kết luận về phương án triển khai thực hiện dự án xây dựng tuyến metro số 2. Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy thành phố cơ bản thống nhất chủ trương chuyển toàn bộ nguồn vốn thực hiện metro số 2 từ vốn vay ODA sang sử dụng vốn ngân sách để tiếp tục thực hiện dự án. Việc thu xếp vốn vay ODA cho dự án thay đổi so với kế hoạch ban đầu do các nhà tài trợ điều chỉnh điều kiện và quy trình cấp vốn. Cụ thể, sau buổi làm việc với UBND Thành phố Hồ Chí Minh, các nhà tài trợ trên thống nhất không tiếp tục tài trợ toàn bộ dự án metro số 2.

Tại buổi làm việc mới đây với MAUR, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Được nêu rõ, dự án metro số 2 có ưu điểm là di dời hạ tầng kỹ thuật và đặc biệt là giải phóng mặt bằng gần như đã hoàn thiện. Tuy nhiên, để làm tuyến này và lấy cơ sở làm nhanh hơn các tuyến tiếp theo, các sở, ban, ngành thành phố cần phải “quyết liệt hơn, thần tốc hơn”.

Toàn tuyến metro số 2 giai đoạn 1 dài hơn 11 km, trong đó có 9,2 km đi ngầm qua địa bàn 6 quận (1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú), phần còn lại trên cao và đường dẫn vào depot Tham Lương (Quận 12). Khi hoàn thành, tuyến sẽ kết nối khu vực trung tâm thành phố với cửa ngõ phía tây bắc, góp phần giảm áp lực giao thông cho các trục đường chính như Cách mạng Tháng Tám, Trường Chinh, Cộng Hòa…

Trong mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch của TP Hồ Chí Minh, tuyến metro số 2 là tuyến xuyên tâm dài nhất với tổng chiều dài toàn tuyến 48 km. Dự án xây dựng tuyến metro số 2 được chia thành 3 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 (Bến Thành - Tham Lương) đang được triển khai. Dự án được UBND thành phố phê duyệt năm 2010 với tổng mức đầu tư ban đầu 26.000 tỷ đồng. Đến năm 2019, vốn dự án điều chỉnh tăng lên gần 47.900 tỷ đồng.

Tháng 2/2025, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 188 với các nhóm cơ chế rất đặc biệt để TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đầu tư, phát triển đột phá hệ thống metro. TP Hồ Chí Minh có kế hoạch sẽ đầu tư đồng loạt và hoàn thiện 7 tuyến, bao gồm cả metro số 2, với tổng chiều dài 355 km trong 10 năm, từ nay đến năm 2035.