Cơ hội cho doanh nghiệp Việt trên đường sắt cao tốc

Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là dự án trọng điểm quốc gia có tổng vốn đầu tư lên tới 67 tỷ USD. Theo định hướng, doanh nghiệp Việt Nam không chỉ được khuyến khích mà còn được tạo điều kiện tham gia sâu rộng vào toàn bộ chuỗi giá trị của dự án.
0:00 / 0:00
0:00
Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam là cơ hội để các doanh nghiệp Việt trưởng thành trong hệ sinh thái công nghiệp hạ tầng.
Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam là cơ hội để các doanh nghiệp Việt trưởng thành trong hệ sinh thái công nghiệp hạ tầng.

Ngày 19/12/2024, Quốc hội đã chính thức phê duyệt Nghị quyết số 172, xác lập chủ trương đầu tư cho tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ngày 23/4/2025, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 106 cụ thể hóa kế hoạch triển khai nghị quyết của Quốc hội. Mới đây, Chính phủ yêu cầu hoàn tất công tác lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng trước thời điểm dự kiến khởi công dự án (ngày 31/12/2026).

Doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể đảm đương

Công ty CP Đầu tư và Phát triển đường sắt cao tốc VinSpeed vừa đăng ký tham gia đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, với kỳ vọng có thể khởi công trước tháng 12 năm nay và khai thác toàn tuyến trước tháng 12/2030. Dự án đề xuất có tổng mức đầu tư hơn 1,5 triệu tỷ đồng (khoảng 61,35 tỷ USD), chưa bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Trong đó, doanh nghiệp cam kết thu xếp 20% vốn (khoảng 312.330 tỷ đồng, tương đương 12,27 tỷ USD); phần còn lại đề xuất vay từ Nhà nước với lãi suất 0%, thời hạn 35 năm kể từ ngày giải ngân.

Trước đó, vào tháng 10/2024, trong văn bản kiến nghị lên Chính phủ, Tập đoàn Đèo Cả đề xuất tổ chức thực hiện Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam theo hai hợp phần. Thứ nhất, các hạng mục cầu, đường, hầm, nên giao cho các doanh nghiệp trong nước thực hiện, tương tự như các dự án đường bộ cao tốc. Thứ hai, phần đầu máy, toa xe, hệ thống thông tin tín hiệu... nên giao cho các doanh nghiệp trong nước liên danh với các đối tác nước ngoài. Đồng thời, Đèo Cả kiến nghị ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước có năng lực quản trị và đã có thành tích cụ thể, đảm nhận vai trò dẫn dắt, kết nối, đào tạo cho các doanh nghiệp khác.

Trên thực tế, để tham gia vào các công trình lớn như cao tốc Bắc - Nam, các nhà thầu lớn như Vinaconex, Cienco,… cũng tích cực học hỏi công nghệ quốc tế để chủ động tiếp nhận các gói thầu kỹ thuật cao. Ở mảng kết cấu, Tập đoàn Hòa Phát nghiên cứu sản xuất ray tàu, trong khi THACO mong muốn chế tạo toa tàu. Đáng chú ý là sự vào cuộc của VNPT và Viettel - hai tập đoàn công nghệ trong nước trong việc nghiên cứu hệ thống điều hành, tín hiệu và điện lực.

Tại tọa đàm “Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cơ hội để kinh tế tư nhân bứt phá trong kỷ nguyên mới” tổ chức mới đây, ông Hồ Đức An, Giám đốc Kỹ thuật Công ty cổ phần FECON khẳng định doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể đảm đương 70-80% khối lượng xây dựng. Tuy nhiên, mô hình siêu dự án như tuyến đường sắt Bắc - Nam đòi hỏi công suất tổ chức vượt trội, khả năng phối hợp chuỗi cung ứng liên vùng và tiệm cận công nghệ thi công hiện đại nhất.

Để sẵn sàng cho cuộc chơi lớn, doanh nghiệp đã triển khai bốn nhóm hành động chiến lược. Thứ nhất, tham gia vào quá trình phát triển các chuỗi cung ứng, các nhà cung cấp phục vụ trong nước và quốc tế. Thứ hai, chuẩn bị sẵn sàng các nhà máy sửa chữa thiết bị và các nhà máy cấu kiện bê-tông đúc sẵn. Thứ ba, cử cán bộ, kỹ sư đi học hỏi trực tiếp ở nước ngoài, tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu và các khóa về quản lý dự án quy mô lớn để học hỏi kinh nghiệm từ các nước bạn trên thế giới. Thứ tư, thúc đẩy hợp tác quốc tế, trao đổi tri thức để hiểu rõ về tính chất và yêu cầu kỹ thuật của đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đồng thời chuẩn bị cho việc chuyển giao công nghệ thi công, đặc biệt là công nghệ thi công tiên tiến, để có thể thực hiện dự án một cách nhanh nhất. “Tham gia một dự án như đường sắt cao tốc Bắc - Nam không chỉ là chuyện trúng thầu hay hoàn thành gói việc. Nó là cơ hội để các doanh nghiệp Việt trưởng thành trong hệ sinh thái công nghiệp hạ tầng”.

Cần có cơ chế tạo động lực

Dù khẳng định đây không chỉ là đối với ngành đường sắt mà còn mở ra cơ hội lớn cho lĩnh vực hạ tầng, song ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho biết, hiện chỉ khoảng 20 doanh nghiệp trong nước đủ điều kiện tiếp cận các gói thầu lớn này. Nguyên nhân là do phần lớn doanh nghiệp Việt có quy mô nhỏ, năng lực tài chính và công nghệ hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật cao của dự án.

Vì vậy, trước mắt, các chính sách cần cơ chế tạo động lực cho doanh nghiệp Việt Nam như cơ chế chỉ định thầu có điều kiện, lựa chọn đơn vị dựa trên tiêu chí rõ ràng. Về lâu dài, cần có giải pháp hình thành hệ sinh thái nhà thầu thông qua liên kết giữa các doanh nghiệp lớn - nhỏ, để có thể đáp ứng toàn bộ chuỗi cung ứng trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng quy mô lớn như đường sắt cao tốc.

Còn ông Chu Văn Tuân, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Xây dựng) cho biết, trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi, Ban đã trực tiếp làm việc với các nhà thầu trong nước, phối hợp với Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam để đánh giá năng lực, kinh nghiệm và đề xuất cơ chế hỗ trợ phù hợp. Tinh thần chỉ đạo xuyên suốt là thiết kế cơ cấu gói thầu hợp lý, giúp doanh nghiệp trong nước có thể tham gia một cách thực chất, từ giai đoạn xây lắp đến cung cấp dịch vụ kỹ thuật.

Tuy vậy, đây là dự án có yêu cầu đặc biệt cao về tính đồng bộ và liên thông kỹ thuật, không chỉ ở giai đoạn thi công mà cả vận hành, bảo trì, điều hành hệ thống. Vì vậy, việc phân chia gói thầu vừa phải bảo đảm cơ hội cho nhà thầu trong nước, vừa phải tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế, logic tổng thể của dự án và các quy định pháp luật về đấu thầu.

Trong các hồ sơ yêu cầu và mời thầu đang được soạn thảo, các phương án đang được nghiên cứu đặc biệt lưu ý những lĩnh vực mà doanh nghiệp Việt có thế mạnh như: Hạ tầng nền móng, xây dựng cầu hầm, công trình phụ trợ. “Nghị quyết 68 và chỉ đạo của Chính phủ đã xác lập rất rõ tinh thần ưu tiên nội lực. Chúng tôi có trách nhiệm cụ thể hóa bằng cách thiết kế chính sách, cấu trúc gói thầu và định hướng kỹ thuật phù hợp”.

Ghi nhận những nỗ lực của Bộ Xây dựng và các cơ quan, ban, ngành đã có nhiều cơ chế tạo điều kiện để thúc đẩy ngành công nghiệp đường sắt, tập trung vào các doanh nghiệp xây dựng nói riêng, ông Hồ Đức An cho rằng, cần có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí chỉ định thầu và sớm quyết định lựa chọn công nghệ cho dự án để các doanh nghiệp chuẩn bị nguồn lực, thiết bị và nhân sự phù hợp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp trong nước khi tham gia vào công nghiệp đường sắt cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ về tiếp cận đất đai, ưu đãi thuế và tín dụng, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý để triển khai dự án. Nhà nước tài trợ các đề tài nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực đường sắt, cũng như hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực. Việc giảm thuế thu nhập cho đội ngũ kỹ sư, công nhân trực tiếp tham gia xây dựng đường sắt tốc độ cao cũng được cho là một chính sách khuyến khích đáng xem xét.

Trước yêu cầu đặt ra, Chính phủ đã chỉ đạo hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, tạo điều kiện để doanh nghiệp có năng lực thật sự được tham gia, phát triển trong một lĩnh vực công nghệ - kỹ thuật cao, có tầm ảnh hưởng lớn và mang tính dẫn dắt như đường sắt tốc độ cao. Bộ Xây dựng đang phối hợp cùng Bộ Tài chính xây dựng đề án phân vai, lập lộ trình nội địa hóa, bảo đảm vai trò rõ ràng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước trong ngành đường sắt tốc độ cao.

Trong phiên họp sáng 17/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, với 429/434 đại biểu có mặt tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó, để hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong, Nghị quyết quy định Nhà nước mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân vào các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Người có thẩm quyền, chủ đầu tư được lựa chọn áp dụng một trong các hình thức đặt hàng; đấu thầu hạn chế; chỉ định thầu; hoặc các hình thức phù hợp khác theo quy định của pháp luật để thực hiện các dự án, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trọng điểm, quan trọng quốc gia, trong đó có đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị… Đây là cơ sở vững chắc giúp cộng đồng doanh nghiệp trong nước có thể tham gia sâu hơn vào các dự án trọng điểm của quốc gia để từ đó vươn ra tầm thế giới.

Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam có chiều dài khoảng 1,541 km, bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh), đi qua 20 tỉnh, thành phố. Tốc độ thiết kế của dự án là 350 km/giờ, toàn tuyến có 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa với cự ly trung bình khoảng 67 km giữa các ga hành khách.