Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố khuôn khổ thuế quan mới, được gọi là “Ngày Giải phóng”. Theo đó, hầu hết quốc gia sẽ bị áp thuế tối thiểu 10% từ ngày 5/4, có thể tăng đến 30-40% sau đó, tùy theo diễn biến quan hệ song phương. Đáng chú ý, mức thuế dành cho hàng hóa từ Việt Nam có thể lên tới 46%, theo thông tin từ Nhà trắng.
Tâm lý thận trọng
Động thái này gây ra làn sóng lo ngại trong giới đầu tư quốc tế, nhất là các doanh nghiệp có chuỗi sản xuất - cung ứng đặt tại Việt Nam. Họ đứng trước bài toán về chi phí, rủi ro chính sách và khả năng bị gián đoạn thị trường. Một số doanh nghiệp FDI tại khu công nghiệp phía nam đã lên kế hoạch điều chỉnh đơn hàng để tránh những thiệt hại phát sinh. Trong khi một bộ phận doanh nghiệp trong nước tỏ ra bối rối do phụ thuộc sâu vào chuỗi cung ứng nước ngoài.
Bước ngoặt xuất hiện ngày 9/4 khi ông Trump bất ngờ tuyên bố hoãn áp dụng thuế quan trong vòng 90 ngày đối với hơn 75 quốc gia không trả đũa Mỹ, trong đó có Việt Nam, Liên minh châu Âu, Nam Phi và nhiều nước khác.
Ông John Rockhold, Chủ tịch Pacific Rim Investment and Management, thành viên Ban lãnh đạo AmCham tại Hà Nội, đánh giá cao động thái hoãn thuế. “Việt Nam có cơ hội để khẳng định mình là đối tác chiến lược, không chỉ trong khu vực mà còn với chính nước Mỹ”, ông nói. Theo ông, AmCham cùng VCCI đã có thư gửi Tổng thống Mỹ kêu gọi tạm hoãn thuế và kết quả này là cơ hội mà Việt Nam không nên lãng phí.
Cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, đặc biệt là nhóm sản xuất xuất khẩu, cũng đang theo dõi sát sao mọi diễn biến. “Chưa thể đo đếm đầy đủ tác động của sắc thuế, nhất là khi chính sách này còn chưa ngã ngũ. Điều cần thiết hiện nay là chuẩn bị sẵn kịch bản ứng phó, không chỉ theo từng ngành mà còn cấp độ quốc gia”, ông Thibaut Giroux, Chủ tịch Công ty CCIFV, đại diện EuroCham, bình luận.
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu trở nên khó đoán định, tâm lý chờ đợi đang bao trùm giới đầu tư. Theo ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam, các nhà đầu tư FDI hiện chưa vội đưa ra quyết định mới. “Họ cần thêm thời gian để hiểu rõ mức thuế cụ thể và thời gian áp dụng, đặc biệt là với các doanh nghiệp vốn quen đầu tư theo chu kỳ dài hạn”, ông Hùng nhận định.
Cũng theo ông Hùng, xu hướng “án binh bất động” này là hệ quả tất yếu khi các biện pháp thuế quan không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp có xuất khẩu vào Mỹ, mà còn làm tăng chi phí thương mại, ảnh hưởng đến dòng vốn mới vào Việt Nam trong trung hạn. Những doanh nghiệp đang cân nhắc đầu tư mở rộng tại Việt Nam buộc phải tính toán lại về chi phí logistics, bảo hiểm và rủi ro chính sách. Điều này gián tiếp khiến Việt Nam có thể mất cơ hội cạnh tranh so với các nước trong khu vực như Indonesia hay Malaysia.
Biến nguy thành cơ
Tuy vậy, một cuộc khủng hoảng thường là cơ hội để định hình lại chiến lược. Thay vì tìm cách “né đòn”, đây có thể là lúc Việt Nam có thể chủ động tái cấu trúc cách tiếp cận dòng vốn FDI - từ mục tiêu số lượng sang chất lượng, từ thâm dụng lao động sang hàm lượng công nghệ.
Ông Nguyễn Bá Hùng cho rằng, chính sách thuế không phải là yếu tố quyết định duy nhất khiến nhà đầu tư dịch chuyển. “Họ sẽ vẫn chọn Việt Nam nếu môi trường đầu tư được cải thiện, hạ tầng tiếp tục phát triển và các cam kết quốc tế, như EVFTA, CPTPP... được triển khai hiệu quả”, ông nói.
Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA thế hệ mới) sẽ là bệ đỡ vững chắc giúp Việt Nam giảm được tác động từ căng thẳng thương mại. Những cam kết sâu rộng về thuế, mở cửa thị trường và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong các FTA sẽ là yếu tố quyết định để giữ chân các nhà đầu tư lâu dài.
Giới chuyên gia trong nước cũng đồng tình rằng, Việt Nam nên tận dụng giai đoạn bất ổn để chọn lọc lại đối tác FDI. Theo GS, TS Tô Trung Thành, Đại học Kinh tế quốc dân: “Đây là thời điểm để dứt khoát từ bỏ tư duy hút FDI bằng lao động giá rẻ và ưu đãi thuế. Thay vào đó, cần hướng đến các doanh nghiệp có công nghệ lõi, chuỗi giá trị cao và chiến lược lâu dài”. Ông Thành nhấn mạnh, trong khi nhiều quốc gia đang cạnh tranh gay gắt để giữ chân dòng vốn, Việt Nam có lợi thế là vị trí địa lý, thị trường gần 100 triệu dân và sự ổn định chính trị, điều không phải quốc gia nào cũng có.
Ông John Rockhold khẳng định: “Tôi không thấy dấu hiệu nào cho thấy các công ty Mỹ sẽ rút khỏi Việt Nam”. Theo ông, thị trường Việt Nam vẫn có sức hấp dẫn lớn, đặc biệt trong bối cảnh tầng lớp trung lưu đang mở rộng, nhu cầu tiêu dùng tăng, tạo cơ hội cho hàng loạt ngành hàng từ nông sản, dược phẩm, máy móc đến năng lượng và thiết bị y tế.
Một rủi ro tiềm tàng được ông Rockhold nhấn mạnh là vấn đề xuất xứ hàng hóa. “Việt Nam cần chứng minh rõ cam kết không trở thành điểm trung chuyển cho hàng hóa của nước thứ ba. Nếu để xảy ra tình trạng “núp bóng” xuất xứ, không chỉ mất uy tín mà còn gây hậu quả lâu dài cho toàn bộ ngành xuất khẩu”, ông nói.
Một điểm đáng chú ý khác là xu hướng tự động hóa và sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang định hình lại toàn bộ chuỗi sản xuất toàn cầu. “Trong 10 năm nữa, những ngành từng dựa vào nhân công giá rẻ như dệt may, da giày sẽ thay đổi. Lúc đó, không còn là cuộc đua về nhân công, mà là nơi nào cung ứng năng lượng ổn định và chi phí thấp hơn”, ông Rockhold phân tích.
Việt Nam, nếu biết đầu tư đúng vào hạ tầng năng lượng, công nghệ AI và logistics, sẽ không chỉ là điểm đến của dòng vốn sản xuất hiện tại mà còn giữ vai trò trong chuỗi cung ứng tương lai. Đây là điều mà các cơ quan hoạch định chính sách cần lưu tâm để xây dựng chiến lược thu hút FDI không ngắn hạn.
“90 ngày tạm hoãn thuế là món quà của ngoại giao, nhưng chỉ thật sự có ý nghĩa nếu ta tận dụng nó như một cú huých cải cách. Đừng nghĩ rằng Mỹ sẽ lùi bước mãi. Chúng ta phải chủ động, phải đi trước một nhịp nếu không muốn bị động trong ván cờ lớn của kinh tế toàn cầu”, ông Rockhold nhấn mạnh.
Một khía cạnh khác cũng cần được nhìn nhận thẳng thắn là vai trò của doanh nghiệp trong nước. Trong suốt ba thập kỷ thu hút FDI, khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn chưa thật sự vươn lên làm chủ công nghệ hoặc liên kết hiệu quả với khối đầu tư nước ngoài. Đây là điểm yếu cần được khắc phục nếu Việt Nam muốn tái cấu trúc dòng vốn FDI không chỉ theo hướng bền vững mà còn mang lại giá trị lan tỏa cho toàn nền kinh tế.
Theo các chuyên gia, để tận dụng hiệu quả làn sóng dịch chuyển đầu tư, Việt Nam cần chuẩn bị một chiến lược rõ ràng, nhất quán và có tầm nhìn dài hạn. Việc chỉ dừng lại ở các chính sách ưu đãi thuế hay giá thuê đất thấp là chưa đủ. Thay vào đó, cần tạo dựng một hệ sinh thái đầu tư minh bạch, đồng bộ từ thể chế pháp lý, logistics đến nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đặc biệt, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang phân mảnh, Việt Nam có cơ hội để trở thành trung tâm sản xuất và trung chuyển mới tại khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, để làm được điều đó, Việt Nam không thể tiếp tục là điểm đến của những dòng vốn FDI ngắn hạn, thiên về tận dụng ưu đãi.
Cùng với đó, vai trò của chính quyền địa phương trong cải cách thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ doanh nghiệp cần được nâng cao hơn nữa. Thực tiễn cho thấy, nhiều tỉnh, thành phố có thể thu hút được dự án FDI chất lượng nhờ cách làm chủ động, minh bạch và quyết liệt của lãnh đạo địa phương. Sự năng động ở cấp cơ sở sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh không nhỏ trong mắt nhà đầu tư quốc tế.
Khi những thách thức từ môi trường quốc tế trở nên phức tạp hơn, điều quan trọng không chỉ là thích nghi mà còn phải chủ động dẫn dắt. Việt Nam đang đứng trước một phép thử lớn, nhưng cũng là cơ hội vàng để tự định hình lại mình trong bản đồ FDI toàn cầu.