Côn Đảo - vì yêu mà gắn bó

50 năm sau ngày giải phóng miền nam, từ “địa ngục trần gian”, Côn Đảo đã trở thành “ngôi nhà” của những cựu tù, những cán bộ quân nhân vì yêu mà ở lại và cũng trở thành quê hương của những người sau này đến và gắn bó lâu dài với đảo.
0:00 / 0:00
0:00
Côn Đảo hôm nay trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn.
Côn Đảo hôm nay trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn.

YÊU VÀ Ở LẠI

Sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, hơn 150 cựu tù chính trị tình nguyện ở lại Côn Đảo để góp sức xây dựng huyện đảo. Qua thời gian, do điều kiện công việc, cuộc sống, bệnh tật, nhiều cựu tù đã mất, hiện chỉ còn ông Nguyễn Xuân Viên hay còn gọi là Hai Viên (sinh năm 1944, khu dân cư số 7) còn sinh sống tại đảo.

81 tuổi, trải qua nhiều năm tù ngục, ông Hai Viên sức khỏe đã yếu, lúc nhớ, lúc quên nhưng những ký ức về Côn Đảo vẫn còn nguyên vẹn. Khi có người đến thăm, như được quay ngược về quá khứ, ông Hai Viên kể: Trước khi bị bắt, ông là du kích địa phương tại huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Năm 1968, trong những thời khắc ác liệt nhất của cuộc chiến, ông bị địch bắt, giam giữ ở nhiều nơi như: Lao xá Hội An, khám Chí Hòa, Tân Hiệp. Năm 1970, ông bị đày ra Côn Đảo. Chuyến đi lần đó, ông xác định là sẽ không có ngày trở về, nhưng may mắn giải phóng miền nam, ông vẫn còn sống sót.

Theo ông Viên, Côn Đảo được giải phóng muộn hơn trong đất liền. Sáng 30/4/1975, Sài Gòn được giải phóng nhưng mãi sang ngày 1/5, anh em tù Côn Đảo mới được thả. Đến ngày 5/5, mới có tàu từ đất liền ra đón tù nhân. Ai bị giam lâu, sức khỏe yếu thì được vào bờ trước, rồi cứ lần lượt hơn 4.000 người tù chính trị được rời khỏi “địa ngục trần gian”. Vào đất liền, được nghỉ dưỡng sức khỏe ổn định, cựu tù chính trị Nguyễn Xuân Viên về làm công an xã tại quê hương Quảng Nam. “Làm được ba năm, nhớ đảo, tôi lại xin chuyển ra Côn Đảo làm công tác thông tin-văn hóa, rồi được giao làm Phó Trưởng ban Quản lý di tích huyện Côn Đảo”, ông Viên kể. Sau này, cựu tù Hai Viên tiếp tục được giao nhiệm vụ trong lĩnh vực giao thông công chính, nỗ lực góp phần phát triển hạ tầng của huyện đảo.

Ba người con của ông sau khi tốt nghiệp đại học, trung cấp đều tình nguyện quay lại Côn Đảo. “Đó là sự kế thừa, tiếp nối của thế hệ hôm nay với thế hệ đi trước. Tôi luôn dạy con phải hiểu để yêu hòn đảo hơn, góp sức xây dựng đảo cho xứng với ý nguyện của hàng nghìn cựu tù đã nằm lại vĩnh viễn nơi này”, ông Viên nói.

Khi lần tìm nhân chứng là những người ở lại xây dựng Côn Đảo, tôi được bà Phạm Thị Tám, Phó Giám đốc Bảo tàng- Thư viện tỉnh giới thiệu ông Đỗ Văn Hải (sinh năm 1964). Trò chuyện tại nơi làm việc là Trạm Khí tượng-Hải văn Côn Đảo, ông Hải tự hào: “Ba tôi là Đỗ Văn Nông, xưa đi lính tại Côn Đảo. Năm 1975, giải phóng miền nam, Côn Đảo kêu gọi người lính, cựu tù ở lại tiếp tục xây dựng đảo. Ba tôi nói, đảo đã là nhà, nay ba chọn đảo là quê hương để gắn bó lâu dài. Sau đó, ông sửa nhà, bắt đầu cuộc sống mới ở đảo cùng vợ và bảy người con. Sau ngày giải phóng, ông được giao nhiệm vụ Đội trưởng đội sản xuất Nông trường quốc doanh huyện Côn Đảo. Sau này ba tôi mất, trong bảy anh em tôi, sáu người đang ở lại xây dựng đảo”.

ĐẾN VÀ GẮN BÓ

Trong căn nhà cổ trên đường Lê Duẩn, bà Nguyễn Thị Anh Thư vừa chuẩn bị bữa cơm chiều, vừa kể về những năm tháng gia đình bà đến đây sinh sống. Năm 1984, từ Cần Thơ vợ chồng bà Thư đến Côn Đảo theo diện “tình nguyện đi xây dựng Côn Đảo”. Côn Đảo lúc đó hoang sơ, chỗ nào cũng là tháp canh, nhà tù, trại lính. Cả đảo chỉ chưa đầy 1.000 dân, không có một cơ sở kinh tế nào. Trường học thì sơ sài, học sinh đến trường rất ít. Mọi sinh hoạt trên đảo rất khó khăn. Giao thông vận tải giữa Côn Đảo và đất liền phụ thuộc hoàn toàn vào các chuyến tàu biển, các chuyến tàu lại phụ thuộc vào thời tiết. Để cải thiện bữa ăn, nhiều gia đình trên đảo đã trồng thêm rau, nuôi thêm heo, gà, đánh bắt thêm cá. “Có tàu ra thì cả đảo đều vui. Nhà máy điện lại có dầu để chạy máy sau cả tháng trời đảo chìm trong bóng tối. Chợ búa, quán xá lại có đủ thứ hàng để bán. Khạp gạo, hũ đường của từng nhà lại được vun đầy. Vợ, chồng, trẻ con gặp lại người thân. Từng tờ báo, từng cây bút, từng giỏ hoa cũng trông chờ vào mỗi chuyến tàu…”, bà Thư nhớ lại, “Chúng tôi được bố trí nhà ở và công việc ngay sau khi đặt chân đến đảo, nhưng tôi nghĩ Côn Đảo buồn và khó khăn vậy chắc không ở được lâu. Vậy mà đến nay 41 năm, gia đình tôi vẫn chưa rời đảo. Con trai tôi, cháu nội tôi cũng đã chọn đảo làm nơi gắn bó”.

Ngày cuối cùng trong chuyến công tác Côn Đảo lần này, tôi ghé thăm bà Huỳnh Thị Kim Loan, con gái của cựu tù chính trị Côn Đảo Huỳnh Văn Biện, nguyên Phó Trưởng ban Bảo tàng huyện Côn Đảo. Trong ngôi nhà cấp bốn có sân vườn rộng rãi phía bên phải trại tù Phú Tường, bà Loan rưng rưng kể về cha và đồng đội, về những ngày đầu tiên ở đảo sau ngày giải phóng miền nam: Lúc má mang thai tôi thì ba đi bộ đội, sau đó, bị địch bắt giam tại khám Chí Hòa, bị đày ra Côn Đảo. Tưởng ba đã mất. Sau ngày giải phóng hai tháng, ba lại về quê. Ngày ấy, gia đình tôi sống trong vùng giải phóng ở xã Đại Thành, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Sau khi thu xếp công việc, đồ đạc ở quê nhà Cần Thơ, ba dẫn má con ra Côn Đảo, cùng 152 người tù khác vực dậy sự sống từ chính nấm mồ khổng lồ đã chôn vùi xương máu và tuổi xuân của không biết bao nhiêu anh em đồng chí. Lúc đó, tôi 12 tuổi… Ba tôi được bổ nhiệm làm Phó Ban Quản lý khu di tích nhà tù Côn Đảo, trực tiếp hướng dẫn cho mọi người thuyết minh về lịch sử ở nhà tù. Tôi thường tha thẩn theo ba đi khắp nơi trên đảo, nghe ông kể về những ngày tháng đen tối nhất của cuộc đời ở nơi địa ngục trần gian. Lớn lên, tôi cũng theo nghiệp ba chăm sóc, bảo quản, chống xuống cấp di tích, chăm sóc vệ sinh, cắt tỉa cây cảnh tại 19 điểm di tích, trong đó có nghĩa trang Hàng Dương.

Côn Đảo còn trở thành nơi vì yêu mà đến, vì yêu mà ở lại của nhiều người trẻ. Câu chuyện khởi nghiệp của anh Hoàng Phương (sinh năm 1991, sống tại Kiên Giang) là một thí dụ. Tốt nghiệp ngành IT ở Cần Thơ, anh làm việc tại một công ty hóa mỹ phẩm lớn với mức thu nhập mà bao người mơ ước. Tuy nhiên, sau 5 năm, anh Hoàng Phương từ bỏ công việc, quyết định ra đảo khởi nghiệp sau một chuyến du lịch Côn Đảo. Công ty của anh được thành lập năm 2018, mang tên Đảo Ngọc Travel với khát vọng quảng bá hình ảnh du lịch của vùng đất Côn Đảo.