Công tác quan trọng hàng đầu khi tinh gọn bộ máy

Đồng Nai đang trong quá trình bước đầu sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Các địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện công tác này với tinh thần chủ động, quyết liệt, bài bản, khoa học. Khâu đánh giá, lựa chọn, bố trí cán bộ được tiến hành công tâm, khách quan, dân chủ với phương châm đặt chất lượng đội ngũ lên hàng đầu.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai kiểm tra tiến độ một dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố Biên Hòa.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai kiểm tra tiến độ một dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố Biên Hòa.

Đồng thuận cao sau khi sắp xếp

Sau khi sắp xếp bộ máy lần này, đối với cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, Đồng Nai đã giảm sáu cơ quan chuyên môn, còn 13 sở (đạt tỷ lệ giảm 31,5%); giảm 100 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc khối nhà nước (đạt 10,4%); giảm 68 phòng và tương đương thuộc sở (đạt 40%). Đối với cơ quan chuyên môn cấp huyện, đã giảm 15 phòng so với trước khi sắp xếp (đạt 11,02%), hiện còn 121 phòng chuyên môn.

Bộ máy hệ thống chính trị thuộc Tỉnh ủy và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh sau đợt sắp xếp đầu tiên nhanh chóng đi vào hoạt động chính thức một cách hiệu quả, công việc không bị gián đoạn. Theo lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai, thực tế ghi nhận công việc trôi chảy, chất lượng cao, cho thấy khâu bố trí cán bộ các đơn vị sở, ban, ngành cấp tỉnh thời gian qua tương đối hiệu quả. Nhìn chung cán bộ, công chức chấp hành và tuyệt đối ủng hộ chủ trương này, chưa có đơn, thư phản ánh khâu bố trí cán bộ chưa phù hợp hay có vấn đề.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn, bao gồm cả cấp tỉnh và cấp xã, đang nhận được sự quan tâm sâu sắc của các tầng lớp nhân dân. Theo đề án vừa được Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai thông qua tại kỳ họp chuyên đề ngày 29/4, tỉnh Đồng Nai sẽ còn 55 đơn vị cấp xã, giảm 104 đơn vị, tỷ lệ giảm đạt 65,4%.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, người dân thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc cho biết: Tinh gọn thì chất lượng cán bộ phải được lựa chọn, nâng cao, đủ phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ và tinh thần trách nhiệm cao với nhân dân, làm việc vì dân. Có như vậy, địa phương mới phát triển đột phá.

Chủ trương kết thúc hoạt động chính quyền cấp huyện, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của nhân dân ở cơ sở, với kỳ vọng việc tinh giản biên chế, tạo nên bộ máy quản lý, điều hành có năng lực, tạo môi trường cấp tỉnh, cấp xã gần dân hơn, từ đó người dân được thụ hưởng nhiều hơn.

Kiên quyết loại bỏ cán bộ yếu kém, sợ trách nhiệm

Đồng chí Võ Tấn Đức, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết: Vấn đề thời sự đặt ra hiện nay là tiếp tục chuẩn bị tốt cho lộ trình kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện, sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã; đồng thời, rà soát đội ngũ cán bộ cấp xã, huyện để bố trí sắp tới đưa cấp xã mới vào hoạt động.

Nhằm sắp xếp, tổ chức bộ máy hành chính theo hướng “tinh-gọn-mạnh-hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả”, người đứng đầu chính quyền tỉnh Đồng Nai cho rằng: “Giảm ít nhất 20% biên chế và kiên quyết loại bỏ cán bộ yếu kém, sợ trách nhiệm. Đây là giải pháp then chốt để tạo nên một bộ máy hành chính năng động, hành động quyết liệt, phục vụ phát triển”.

Đồng chí Đào Văn Phước, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai khẳng định: Giải pháp đánh giá theo tiêu chí nhận diện để lựa chọn cán bộ đủ tâm, đủ tầm bao gồm: tiêu chuẩn đạo đức, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, kết quả sản phẩm, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với công tác bố trí cán bộ. Ban Tổ chức Tỉnh ủy sẽ tham mưu bố trí những cán bộ nổi trội, có tâm huyết với công việc và giải quyết thấu đáo với những trường hợp nghỉ việc sớm theo chế độ.

Tỉnh Đồng Nai quan tâm trọng dụng người tài, tạo môi trường thuận lợi cho cán bộ tâm huyết tiếp tục phát huy năng lực, sở trường công tác. Đồng thời địa phương làm tốt công tác tư tưởng để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sau khi hợp nhất phát huy tốt giá trị cốt lõi của từng cơ quan, đơn vị, hăng hái thi đua đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực thi công vụ.

Từ thực tiễn địa phương, Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Lê Kim Bằng chia sẻ: Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức toàn hệ thống chính trị huyện luôn lạc quan, tin tưởng vào cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy mà Trung ương đang triển khai thực hiện. Vấn đề đặt ra hiện nay là chủ động tính toán sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, theo hướng bảo đảm không gian phát triển sau này tốt hơn, gần dân hơn, sát dân hơn, mang lại hiệu quả phát triển mạnh hơn. Huyện phối hợp với tỉnh rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ để sàng lọc, từ đó, có cơ sở tính toán, bố trí cán bộ vào những vị trí phù hợp sau sáp nhập cấp xã và kết thúc hoạt động cấp huyện; đồng thời lắng nghe nguyện vọng của cán bộ, công chức thuộc diện 178, vừa động viên tư tưởng, vừa giải quyết tốt chế độ, nếu họ nghỉ việc.

Đồng chí Vũ Hồng Văn, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh: Tiêu chí lựa chọn cán bộ là dám nghĩ, dám làm, có phương pháp, cách làm mới và phải có sản phẩm hiệu quả. Quá trình thực hiện “cuộc cách mạng”, cán bộ phải sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Người đứng đầu các đảng bộ trực thuộc tỉnh cần xác định tính đúng đắn của chủ trương, để lãnh đạo truyền cảm hứng thực hiện tốt công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy lần này.