Cú lừa cà chua nhót

Mô hình "siêu lợi nhuận"

Trên cơ sở công văn 4093 ngày 8-8-2005 do một phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ký “đồng ý cho UBND xã Diễn Thành (Diễn Châu) liên kết với khách sạn Hồng Nhật Xuân, tỉnh Hải Nam (Trung Quốc - Trung Quốc) để trồng thử nghiệm 7ha cà chua...”; ngày 12-8-2005 tại trụ sở Hợp tác xã (HTX) Tiến Thành, văn bản “hợp đồng hợp tác kinh doanh” giữa HTX với đại diện bên B là ông Hoàng Sùng Chính, giám đốc khách sạn Hồng Nhật Xuân (đảo Hải Nam, Trung Quốc) đã được ký kết.

Trong hợp đồng có ghi “khi bên A thực hiện hoàn toàn theo bên B hướng dẫn về quy trình kỹ thuật, cây giống, chăm sóc, điều trị sâu bệnh nhưng năng suất giảm dưới 5.000kg/1.000m2 thì bên B sẽ bồi thường cho bên A số sản lượng giảm với giá 1.620 VND/kg”; “sản phẩm làm ra phải bán cho bên B 100% sản lượng”; “giá trị của sản lượng mỗi lần nhận hàng bên B phải thanh toán cho bên A 100% của từng đợt”.

Theo tính toán từ hợp đồng thì trồng giống cà chua nhót (quả cà chua giống hệt quả nhót nhưng có vị ngọt) của ông Hoàng Sùng Chính, mỗi ha người trồng có thu nhập 81 triệu đồng.

Hơn tám ha đất màu của HTX Tiến Thành nhanh chóng được đưa vào để triển khai dự án “cà chua nhót”... Sau một tháng xuống giống, cây cà chua nhót phát triển rất tốt, theo như đánh giá của ông Hoàng Sùng Chính là “rất mỹ mãn, ngoài cả sự mong đợi”.

Cà chua nhót chín đỏ đồng, khi chuyến hàng đầu tiên được giao cho ông Chính thì trên các phương tiện thông tin từ huyện đến tỉnh và cả trung ương liên tiếp đưa tin về mô hình kinh tế cho hiệu quả trên 80 triệu đồng/ha.

Lập tức một dự án trồng 35ha cà chua nhót trong vụ đông 2006 của ban quản lý HTX Tiến Thành được đưa vào quy hoạch. Còn bà con nông dân của các xóm 6, 7, 10, 11 thuộc HTX Tiến Thành thì khấp khởi mừng thầm vì được “trời cho” trồng giống cà chua nhót không hạt ngọt lừ!...

Cú lừa ngoạn mục

Thế nhưng gần cuối vụ, tuy vẫn đang trĩu quả nhưng một số diện tích cây cà chua bị chết và những dấu hiệu rất đáng ngờ từ phía B xuất hiện. Hơn 168 triệu đồng tiền bán 10 tấn cà chua bị bên B lần lữa khất nợ. Điều không ai ngờ là đêm 19-3-2006, khi chiếc xe tải cuối cùng của bên B rút êm về Trung Quốc thì Hoàng Sùng Chính cũng bặt tăm, để mặc cho cà chua nhót chín rụng đầy đồng.

HTX Tiến Thành đã lập tức “quản tại gia” hai nhân viên kỹ thuật và phiên dịch của bên B để đòi lại số tiền còn nợ. Nhưng rồi hai nhân viên của bên B cũng ung dung tạm biệt đất Hoan Châu vì họ vô can do trong hợp đồng không hề nhắc đến tên họ.

Theo bà Lê Thị Hương, chủ nhiệm HTX Tiến Thành, ngày 23-3-2006 bên A đã yêu cầu bên B trả lời về việc vi phạm hợp đồng. Từ đảo Hải Nam, ông Hoàng Sùng Chính đã fax sang bản trả lời: “Phía Hồng Nhật Xuân sẽ không thu mua cà chua của HTX Tiến Thành nữa vì lý do cà chua không bảo đảm chất lượng và thị trường cà chua ở Trung Quốc đang ế ẩm không tiêu thụ được...”.

Vậy thì nguyên nhân nào để bên B xù hợp đồng? Theo ông Nguyễn Văn Ngự, xóm trưởng xóm 7, xã Diễn Thành, đến cuối tháng 3-2006 sản lượng cà chua bán cho bên B mới được hơn 204 tấn nhưng có đến gần nửa diện tích cà chua nhót bị chết do thời tiết liên tục âm u và chịu nhiều đợt sương muối. Bên B nhận định sản lượng cà chua trên diện tích 8,2 ha là 420 tấn (mức bình quân 5.000kg/1.000m2 theo hợp đồng) không thể đạt được. Có nghĩa là bên B phải bù cho bên A một phần sản lượng thiếu hụt không phải là ít, vì vậy họ mới đánh “bài chuồn”.

Chịu thiệt thòi là những người trồng cà chua. Nhưng HTX Tiến Thành cũng “nặng lòng” vì phải trả bằng uy tín. Trong hợp đồng có quy định “sản phẩm làm ra phải bán cho bên B 100% sản lượng” chứ không quy định bên B phải mua 100% sản lượng cà chua cho bên A. Vì vậy nếu ông giám đốc Hoàng Sùng Chính có nói không mua sản phẩm của HTX Tiến Thành nữa thì bà chủ nhiệm HTX Tiến Thành cũng đuối lý.

Còn việc bên A bán cà chua chịu cho bên B đến hàng chục tấn thì quả là quá tin người, từ cầm cán sang cầm lưỡi vì hợp đồng quy định phải trả tiền ngay chứ đâu cho mua chịu. Bà Hương thừa nhận lòng tin của nông dân với ban quản lý HTX và chính quyền địa phương đã vơi đi rất nhiều. Vì vậy việc chỉ đạo nông dân chuyển đổi đất, làm giống mới đang rất khó khăn.