Đại diện Viện kiểm sát cho biết, quá trình điều tra, truy tố và xét hỏi công khai tại phiên tòa, các bị cáo đều thừa nhận diễn biến hành vi phạm tội, toàn bộ 27 bị cáo đều đề nghị được xem xét giảm nhẹ hình phạt cũng như bối cảnh khi các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội.
Đất hiếm là 1 loại khoáng sản chiến lược có vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp hiện đại. Vì vậy, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định, quy hoạch và kế hoạch nhằm phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản quặng đất hiếm một cách bền vững và hiệu quả. Mặc dù quy định của pháp luật cũng như chỉ đạo của Chính phủ chặt chẽ như vậy, nhưng các bị cáo trong vụ án này vẫn không chấp hành mà còn cố ý để thực hiện những sai phạm.
Hội đồng xét xử đánh giá, thời điểm ký giấy phép cho Công ty Thái Dương, bị cáo Nguyễn Linh Ngọc không bị tác động hay nhận bất kỳ lợi ích gì từ doanh nghiệp. Bị cáo tin tưởng vào việc công ty sẽ thực hiện đúng quy định và các cam kết, nhưng sau đó công ty đã làm trái.
Ngoài thành tích trong công tác, sau khi nghỉ hưu bị cáo Ngọc còn tích cực tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia về chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, có nhiều đóng góp cho xã hội.
Do đó, Viện kiểm sát đề nghị mức án từ 30-36 tháng tù và cho hưởng án treo về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự với cựu Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc.

Chuẩn bị xét xử vụ khai thác trái phép đất hiếm gây thất thoát hơn 736 tỷ đồng
Cùng bị cáo buộc về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" song theo đại diện Viện kiểm sát, ông Nguyễn Văn Thuấn - cựu Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường với trò đứng đầu tổ thẩm định hồ sơ, lại nhận số tiền 500 triệu đồng từ Chủ tịch Công ty Thái Dương nên chịu trách nhiệm lớn nhất. Hội đồng xét xử đề nghị mức án 5-6 năm tù.
Với Đoàn Văn Huấn - Chủ tịch Công ty Thái Dương, Viện kiểm sát xác định bị cáo này có vai trò chủ mưu, chỉ đạo các bị cáo cấp dưới làm sai quy định dẫn đến ba tội danh: Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và Gây ô nhiễm môi trường. Huấn là bị cáo chịu trách nhiệm lớn nhất trong việc khai thác trái phép đất hiếm, rồi bán và thu lời bất chính hơn 730 tỷ đồng. Do vậy, Hội đồng xét xử đề nghị mức án 12-15 năm tù.
Với các bị cáo còn lại, Viện kiểm sát đánh giá có vai trò thấp hơn, thứ yếu, hoặc chỉ làm theo sự chỉ đạo nên có mức đề nghị thấp hơn. Nhiều bị cáo được hưởng án treo, hoặc mức án bằng thời gian tạm giam.
Sau phần luận tội, đề nghị mức án của Viện kiểm sát, phiên tòa tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư.