Đa dạng hóa sản phẩm OCOP

Thực hiện mục tiêu Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của Chính phủ, tỉnh Quảng Ngãi đã khai thác tiềm năng, thế mạnh nông sản đặc trưng vùng để phát triển hàng hóa đạt chuẩn OCOP. Các sản phẩm ngày càng phong phú, nâng chất lượng và số lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
Huyện Ba Tơ giới thiệu nông sản qua các hội chợ, triển lãm để tiếp cận người tiêu dùng.
Huyện Ba Tơ giới thiệu nông sản qua các hội chợ, triển lãm để tiếp cận người tiêu dùng.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, THAY ĐỔI THÓI QUEN TIÊU DÙNG

Tỉnh Quảng Ngãi hiện có 260 sản phẩm OCOP, trong đó có 16 sản phẩm 4 sao và 242 sản phẩm 3 sao; 150 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh là chủ thể sản phẩm OCOP. Các doanh nghiệp, hợp tác xã đã đưa 173 sản phẩm phân phối qua sàn thương mại điện tử; hình thành 20 điểm giới thiệu, bán sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Sau nhiều bước đột phá trong đầu tư chất lượng, nhãn mác, cải tiến mẫu mã, truy xuất nguồn gốc, sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ngãi được thị trường đón nhận và sản lượng tiêu thụ ngày càng tăng.

Hưởng lợi từ chương trình OCOP cho nên các doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia chương trình ngày càng nhiều hơn. Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Quảng Ngãi đã hỗ trợ, giới thiệu 173 sản phẩm OCOP, 79 sản phẩm công nghiệp nông thôn, đặc sản vùng miền của tỉnh, giúp tăng sản lượng tiêu thụ hàng hóa chuẩn OCOP từ 10 đến 15% mỗi năm. Nhiều sản phẩm cung ứng thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu, gồm: tinh dầu quế, hàng thủ công mỹ nghệ từ quế, nấm linh chi, các sản phẩm từ tỏi Lý Sơn… Nông sản đạt chuẩn OCOP nâng cao chất lượng và số lượng đã góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân tỉnh Quảng Ngãi. Chị Phan Thị Thanh Tâm, huyện Tư Nghĩa cho biết: “Trước đây tôi mua hàng từ nhiều nguồn để dùng cho gia đình, làm quà tặng nhưng hiện nay sản phẩm OCOP bán nhiều nơi, nhiều cửa hàng cho nên mình dễ lựa chọn hơn. Mua hàng chuẩn OCOP giá cũng không tăng nhưng lại yên tâm về tiêu chuẩn, chất lượng hơn trước”.

Đẩy mạnh Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm”, những năm gần đây, tỉnh Quảng Ngãi đưa ra nhiều giải pháp phù hợp thực tế, trong đó tập trung nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm thực hiện chương trình OCOP về cơ sở; chủ thể tham gia OCOP được đào tạo, nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, kinh doanh. Đồng thời đưa cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước về vốn, tín dụng, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đến chủ thể; có chính sách khuyến khích sử dụng sản phẩm OCOP, nông sản bản địa; phát triển du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn gắn với tiêu thụ hàng hóa OCOP,… Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh nấm Đức Nhuận Lê Giang Phong cho biết, hợp tác xã có nhiều cơ hội tìm kiếm, mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu. Đây là nền tảng quan trọng giúp hợp tác xã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất, nâng quy mô công suất và liên kết chuỗi giá trị gắn với nhu cầu người tiêu dùng.

PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM OCOP THÀNH HÀNG HÓA CHỦ LỰC

Sau gần 6 năm triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều chuyển biến mới, đồng bộ trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Sản phẩm OCOP của tỉnh không chỉ dừng lại ở chất lượng mà còn gắn liền với đời sống, bản sắc, văn hóa con người miền núi, hải đảo. Chủ cơ sở sản xuất tỏi Lý Sơn Nguyễn Văn Nhật cho biết: “OCOP đi liền với đặc sản địa phương, như ở đảo Lý Sơn thì có hành, tỏi và công ty tôi đa dạng sản phẩm OCOP từ nông sản đặc trưng này. Từ xu hướng mới trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi hướng đến đầu tư theo chiều sâu chất lượng, đa dạng sản phẩm thành hàng hóa chủ lực của đảo Lý Sơn”.

Với chiến lược đưa sản phẩm OCOP trở thành hàng hóa chủ lực trên thị trường, thay đổi thói quen tiêu dùng và nâng cao chất lượng sống của người dân, thời gian tới tỉnh Quảng Ngãi đẩy mạnh xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ chủ thể hình thành hệ thống, chuỗi cung ứng, mua bán hàng OCOP; tăng cường quảng bá, giới thiệu hàng hóa, nông sản bản địa. Bên cạnh đó, đa dạng kênh phân phối từ bán lẻ đến cung ứng siêu thị, gian hàng trực tuyến, sàn thương mại điện tử uy tín để tiếp cận người tiêu dùng. Ngành chức năng tỉnh khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đa dạng hóa hàng OCOP, chế biến sâu; hỗ trợ phát triển các sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn OCOP; đánh giá chuỗi giá trị của các sản phẩm để có biện pháp hỗ trợ. Tỉnh ưu tiên phát triển sản phẩm truyền thống, có lợi thế của từng địa phương; nghiên cứu sản phẩm mới có tiềm năng, gắn nông sản với làng nghề, du lịch nông thôn và sinh thái.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Tài nguyên môi trường Hồ Trọng Phương cho biết: Tỉnh Quảng Ngãi khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân thành lập mới các tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP; hỗ trợ các cơ sở sản xuất cùng xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, kết nối đa dạng hệ thống tiêu thụ sản phẩm, tạo chuỗi liên kết bền vững. Nhiều biện pháp và nỗ lực của các bên nhằm đưa sản phẩm OCOP trở thành hàng hóa chủ lực trên thị trường và hướng đến xuất khẩu.