Bài 1: Đầu tư nghiên cứu khoa học

Đà Nẵng đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong giáo dục đại học

Tại thành phố Đà Nẵng, các cơ sở giáo dục đại học đang từng bước khẳng định vai trò tiên phong khi chủ động tiếp cận nguồn quỹ, thúc đẩy ứng dụng nghiên cứu trong cộng đồng, giáo dục và phát triển kinh tế vùng.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều hoạt động sôi nổi của học sinh, sinh viên Đà Nẵng tại Hội nghị nghiên cứu khoa học và Triển lãm Công nghệ (BKDN Techshow) Trường đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng năm 2025.
Nhiều hoạt động sôi nổi của học sinh, sinh viên Đà Nẵng tại Hội nghị nghiên cứu khoa học và Triển lãm Công nghệ (BKDN Techshow) Trường đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng năm 2025.

Việc gắn nghiên cứu khoa học vào triển khai thực hiện các yêu cầu, mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã và đang tạo tiền đề vững chắc cho Đà Nẵng.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của giáo dục đại học là tăng cường kết nối, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học, góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố trong khu vực.

Tại thành phố Đà Nẵng hiện có 12 trường đại học; các viện, khoa đào tạo trực thuộc Đại học Đà Nẵng; các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo, liên kết đào tạo của các trường đại học ngoài thành phố. Trong số này, Đại học Đà Nẵng có đội ngũ trí thức đông đảo nhất với hơn 2.566 cán bộ, viên chức (trong đó có 142 giáo sư và phó giáo sư, 792 tiến sĩ, 1.074 thạc sĩ). Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên chiếm hơn 48,24% (đạt mức cao so với bình quân chung cả nước khoảng 33%). Đại học Duy Tân có hơn 1.000 cán bộ, người lao động; trong đó có hơn 50 giáo sư và phó giáo sư, 170 tiến sĩ và 470 thạc sĩ. Hầu hết cán bộ giảng dạy của các trường đều được học tập, nghiên cứu tại những cơ sở giáo dục đại học uy tín trên thế giới, có tư duy, kỹ năng và năng lực làm việc trong môi trường quốc tế. Đây là nguồn lực quan trọng giải quyết các vấn đề khoa học và thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia và khu vực.

Nghiên cứu khoa học là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế của Đại học Đà Nẵng. Nguồn ngân sách nhà trường chi cho hoạt động này trung bình là 70-80 tỷ đồng/năm. Sự đầu tư bài bản, chiến lược và có lộ trình rõ ràng đã trở thành đòn bẩy, thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo của các trường thành viên; góp phần tạo môi trường học thuật năng động, sáng tạo, đổi mới tư duy trong giảng dạy.

Từ tiềm lực đội ngũ và cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, hiện đại, hoạt động khoa học công nghệ của Đại học Đà Nẵng được chú trọng triển khai, gắn với chuyển giao, ứng dụng và đổi mới sáng tạo, phục vụ cộng đồng; thực hiện nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp bộ, tỉnh, thành phố và tương đương. Số công trình khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín (WoS, Scopus) tăng nhanh, đều qua từng năm. Doanh thu chuyển giao nghiên cứu khoa học bình quân hằng năm đạt khoảng 50 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Đại học Đà Nẵng chú trọng triển khai hợp tác với các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, áp dụng kết quả vào thực tế. Theo đánh giá của PGS, TS Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, hoạt động hợp tác khoa học công nghệ được mở rộng đáng kể theo hướng thiết thực đáp ứng nhu cầu của địa phương, doanh nghiệp. Số lượng đề tài phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội ngày càng tăng. Nhiều thỏa thuận hợp tác được ký kết, triển khai với các địa phương và tập đoàn, như: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Kon Tum; Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn; Tổng Công ty Điện lực Miền Trung… Liên minh với các đại học hàng đầu Việt Nam (hai trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; Đại học Bách khoa Hà Nội; Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông); ký kết với các đại học hàng đầu của khu vực và thế giới (các Đại học Portland-Hoa Kỳ, Wakayama- Nhật Bản; Kyung Hee, Chung Ang-Hàn Quốc…). Đại học Đà Nẵng và các đơn vị thành viên cũng xây dựng và triển khai nhiều dự án hợp tác quốc tế, góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu cho cán bộ giảng viên vì sự phát triển bền vững và hội nhập như các Dự án tăng cường năng lực số Digital Move, HEIsCITI, Harmony, Soho,...

Tại Đại học Duy Tân, từ năm 2021-2024 đã thực hiện 45 đề tài cấp nhà nước, 5 đề tài cấp tỉnh, 2 đề tài hợp tác quốc tế, 11 đề tài tài trợ khác, 155 đề tài của cán bộ giáo viên, 558 đề tài của sinh viên. Có 6 công trình nghiên cứu của giảng viên được ứng dụng vào thực tiễn, cụ thể là: Hệ thống quản lý đào tạo; Hệ thống mô phỏng cơ thể người 3D; Hệ thống hỗ trợ huấn luyện hồi sức tim phổi; Nghiên cứu niên đại của các kiến trúc cổ tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo-Ba Thê: góp phần nâng cao giá trị lịch sử và công tác bảo tồn di tích; Điều tra đa dạng sinh học, xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn gen và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát triển tài nguyên cây dược liệu trên địa bàn Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và công trình Hệ sinh thái Y khoa Online.

PGS, TS Đoàn Ngọc Phi Anh, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng cho biết, nghiên cứu khoa học là một trong hai trụ cột trong chiến lược phát triển dài hạn, được triển khai theo hai hướng: Đề tài nghiên cứu hàn lâm, cơ bản và đề tài nghiên cứu theo định hướng ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Trong giai đoạn 2020-2025, tổng số đề tài của nhà trường khoảng 135, với nguồn kinh phí thu về xấp xỉ 17 tỷ đồng. “Ba năm gần đây, nhà trường đẩy mạnh các đề tài định hướng ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Từ năm 2022 đến nay, chúng tôi chủ động xây dựng báo cáo thường niên về tình hình kinh tế Đà Nẵng và đề xuất các hàm ý chính sách cụ thể theo định hướng, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Báo cáo thường niên có thể coi là sản phẩm với địa chỉ ứng dụng do nhà trường chủ động và quyết tâm xây dựng nhằm đáp ứng các yêu cầu về xây dựng chính sách, phát triển kinh tế của thành phố”, ông Phi Anh nhấn mạnh.

Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng, PGS, TS Nguyễn Lê Hùng cho biết: Là cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng, nhà trường luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cũng như hỗ trợ tối đa cho hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên nhằm phát hiện, bồi dưỡng và phát triển các ý tưởng sáng tạo, công trình nghiên cứu khoa học có khả năng vận dụng vào thực tiễn. Trường đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học như hỗ trợ kinh phí cho các dự án, đặc biệt là dự án có tính ứng dụng cao, phục vụ đào tạo, STEM và chuyển đổi số. Khen thưởng, động viên các giảng viên, sinh viên có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, các công bố quốc tế uy tín. Khuyến khích sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc đầu tư và ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn... “Hằng năm kinh phí từ các nguồn cấp cho nghiên cứu khoa học khoảng 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, như thế vẫn còn hạn chế, ảnh hưởng đến quy mô và chất lượng các dự án. Bên cạnh đó, hoạt động hợp tác với doanh nghiệp trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ chưa thật sự hiệu quả. Việc đưa các sản phẩm nghiên cứu ra thị trường gặp nhiều thách thức do thiếu kinh nghiệm và sự hỗ trợ từ các đơn vị chuyên môn”, PGS, TS Nguyễn Lê Hùng chia sẻ.

(Còn nữa)