Đà Nẵng: Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức làm công tác hộ tịch

NDO - Kể từ khi Luật Hộ tịch có hiệu lực vào ngày 1/1/2016, công tác hộ tịch tại Việt Nam nói chung và tại thành phố Đà Nẵng nói riêng đã có những bước chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, thực tế triển khai công tác này cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là trong việc bố trí, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch.
Hoạt động tại bộ phận một cửa Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng. (Ảnh minh họa: Báo Đà Nẵng)
Hoạt động tại bộ phận một cửa Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng. (Ảnh minh họa: Báo Đà Nẵng)

Theo quy định của Luật Hộ tịch năm 2014, công chức làm công tác hộ tịch phải đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể, bao gồm trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và các yêu cầu về kỹ năng nghề nghiệp.

Cụ thể, công chức tư pháp-hộ tịch tại cấp xã cần có trình độ trung cấp luật trở lên và đã được bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch. Đối với công chức làm công tác hộ tịch tại Phòng Tư pháp, yêu cầu tối thiểu là trình độ cử nhân luật và chứng chỉ nghiệp vụ hộ tịch.

Từ khi Luật Hộ tịch có hiệu lực đến nay, các quy định về tiêu chuẩn công chức làm công tác hộ tịch đã được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Nghị định số 33/2023/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định rõ về tiêu chuẩn trình độ chuyên môn đối với công chức cấp xã, đặc biệt là những khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và các xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Tại thành phố Đà Nẵng, công tác bố trí công chức làm công tác hộ tịch được UBND thành phố đặc biệt quan tâm. Quyết định số 03/2024/QĐ-UBND của UBND thành phố Đà Nẵng đã quy định rõ tiêu chuẩn công chức làm công tác hộ tịch, bao gồm yêu cầu về độ tuổi, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.

Bà Hoàng Hoài Phương, Chánh Văn phòng Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng thông tin, hiện nay, tại mỗi xã, phường trên địa bàn thành phố đều có ít nhất 2 công chức tư pháp-hộ tịch, hầu hết đều có trình độ Đại học Luật và đã được bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch.

Tuy nhiên, một số địa phương, đặc biệt là các phường ở quận Sơn Trà và Hải Châu, vẫn đang gặp khó khăn trong việc bố trí đủ số lượng công chức tư pháp-hộ tịch do tình hình sáp nhập phường và sự chuyển công tác của cán bộ.

Một trong những yếu tố quan trọng giúp nâng cao chất lượng công tác hộ tịch là công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức. Tại Đà Nẵng, công tác này được thực hiện thường xuyên và hiệu quả.

Theo bà Phương, Sở Tư pháp thành phố đã tổ chức hàng loạt các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác đăng ký hộ tịch.

Bên cạnh đó, các Phòng Tư pháp quận, huyện cũng thường xuyên tổ chức các cuộc họp giao ban để trao đổi, thảo luận về nghiệp vụ và cập nhật các quy định mới.

Tuy nhiên, công tác bồi dưỡng vẫn gặp một số khó khăn, đặc biệt trong việc đào tạo cán bộ có trình độ ngoại ngữ và tin học phù hợp, cũng như đáp ứng yêu cầu của công tác hộ tịch tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Sự thay đổi về công tác tổ chức, cũng như sự phát sinh liên tục các vấn đề mới trong công tác đăng ký hộ tịch, đòi hỏi công chức làm công tác này không chỉ có chuyên môn vững vàng mà còn phải nắm bắt nhanh chóng các tình huống phức tạp, nhạy cảm.

Để khắc phục những khó khăn hiện nay, cần có một số giải pháp trọng tâm. Theo Chánh Văn phòng Sở Tư pháp thành phố, cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch, đặc biệt là đào tạo về kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và ngoại ngữ.

Đây là yếu tố cần thiết giúp nâng cao năng lực của đội ngũ công chức trong việc thực hiện các thủ tục đăng ký hộ tịch điện tử, đáp ứng yêu cầu của công dân trong bối cảnh chuyển đổi số.

Thứ hai, cần bổ sung và hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết để giải quyết các tình huống phát sinh trong thực tiễn công tác hộ tịch. Các sự kiện hộ tịch ngày càng đa dạng và phức tạp, đòi hỏi các quy định phải được cụ thể hóa, rõ ràng hơn nhằm tạo thuận lợi cho công chức trong quá trình thực thi công vụ.

Cuối cùng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai công tác hộ tịch, đặc biệt là giữa các phòng, ban liên quan tại các quận, huyện và UBND các phường, xã. Việc này sẽ giúp thống nhất, đồng bộ trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện và nâng cao hiệu quả công tác hộ tịch tại địa phương.