Ðà Nẵng tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm

 Tối 9-3, tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, quận Ngũ Hành Sơn,  Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Ðà Nẵng tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm.

Ðây là lễ hội được tổ chức hằng năm, thu hút sự tham gia của hàng nghìn người dân, phật tử ở Ðà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Lễ hội năm nay có nhiều chương trình được tổ chức như: lễ tế xuân cầu quốc thái dân an, đàn lễ truyền quán đảnh Quán Thế Âm; lễ gia trì tôn tượng bảo tháp và kinh tạng Kim Cang Thừa; thi tranh, ảnh du lịch về danh thắng Ngũ Hành Sơn; thi viết thư pháp, thi vẽ chân dung 18 vị Thiền sư La hán Việt Nam; thi kéo co; đua thuyền truyền thống, hội hoa đăng; trưng bày triển lãm 32 hình ảnh về các cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Ðà Nẵng...  Lễ hội Quán Thế Âm diễn ra trong ba ngày 9, 10 và 11-3.

Hội thi hát quan họ tỉnh Bắc Giang lần thứ hai

Ngày 10-3, tại huyện Việt Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang khai mạc Hội thi hát quan họ toàn tỉnh lần thứ hai. Dự hội thi có 10 đội dân ca quan họ với gần 200 nghệ sĩ, diễn viên đến từ các huyện, thành phố, các làng quan họ trong tỉnh. Cùng với thi hát quan họ, địa phương còn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ: Hát đối đáp, hát giao lưu giữa các "liền anh, liền chị", các giọng ca không chuyên... nhằm quảng bá, đẩy mạnh phong trào ca hát trong nhân dân, đưa dân ca quan họ trở về với sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng quê. Ðược biết, Bắc Giang hiện có năm làng quan họ cổ được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là: Hữu Nghi, Nội Ninh, Giá Sơn, Mai Vũ và Sen Hồ (đều thuộc huyện Việt Yên).

Doanh nghiệp trả tiền dịch vụ môi trường rừng để kinh doanh du lịch

Ngày 9-3, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình) cho biết, Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh đã hợp đồng cung ứng dịch vụ môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái tại khu vực Ðộng Thiên Ðường, thuộc Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình). Theo đó, phạm vi cung ứng dịch vụ môi trường là 55 ha bao gồm rừng và đất rừng đặc dụng, hệ thống Karst toàn bộ Ðộng Thiên Ðường và Hang Mẹ Bồng Con, thuộc phân khoảnh 4.538, trong phân khu phục hồi sinh thái của Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Thời hạn cung ứng dịch vụ môi trường rừng là 50 năm kể từ ngày 1-7-2011. Hình thức chi trả dịch vụ là chi trả trực tiếp. Giá chi trả dịch vụ trong năm năm đầu (2011-2016) là 1% của doanh thu, từ năm thứ sáu trở đi mức chi trả 1,5%.

Từ số tiền chi trả của đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng sẽ đầu tư 60% cho công tác tuần tra bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng, công tác bảo tồn đa dạng sinh học và 40% còn lại chi trả cho công tác quản lý, kiểm tra giám sát.

Hưởng ứng Tuần lễ Glô-côm thế giới

Hưởng ứng Tuần Glô-côm thế giới (từ ngày 11 đến 17-3) Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống mù lòa và Bệnh viện Mắt T.Ư tổ chức mít-tinh cùng các hoạt động: khám, tư vấn, cấp thuốc miễn phí cho tất cả người bệnh Glô-côm đã và đang được điều trị, theo dõi bệnh Glô-côm; khám sàng lọc và điều trị miễn phí bệnh Glô-côm cho người nghèo, đối tượng chính sách, thương binh, bệnh binh, người khuyết tật.

Glô-côm (thường gọi là bệnh thiên đầu thống) được dùng để gọi một nhóm bệnh có những đặc điểm chung: nhãn áp tăng quá mức chịu đựng,  lõm, teo đĩa thị thần kinh và tổn hại thị trường đặc hiệu... thường gây đau nhức và mất thị lực vĩnh viễn không thể hồi phục. Nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng nên rất khó phòng ngừa bệnh. Tuy nhiên, có thể phòng tránh được mù lòa do Glô-côm bằng cách phát hiện sớm, điều trị kịp thời bằng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật và được theo dõi thường xuyên, tái khám định kỳ. Glô-côm đứng thứ hai (sau bệnh đục thể thủy tinh) trong các nguyên nhân gây mù lòa có thể phòng tránh được.

Có thể bạn quan tâm

back to top