Đăk K'Đêm-ngôi làng độc đáo giữa đại ngàn Tây Nguyên

Làng Đăk K'Đêm (xã Đăk Ngọk), cách trung tâm huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum khoảng 10km. Đây là một trong những cộng đồng đa dạng bản sắc văn hóa nhất của huyện nói riêng và của tỉnh Kon Tum nói chung.
0:00 / 0:00
0:00
Bà con làng Đăk K'Đêm gìn giữ đường làng xanh-sạch-đẹp.
Bà con làng Đăk K'Đêm gìn giữ đường làng xanh-sạch-đẹp.

Hiện làng có 124 hộ với 738 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khá đông. Không chỉ là “điểm hẹn” văn hóa giữa các dân tộc anh em, làng Đăk K'Đêm còn là biểu tượng sinh động cho tình đoàn kết, gắn bó và nỗ lực vươn lên xây dựng cuộc sống mới của cộng đồng cư dân nơi đây.

Đăk K'Đêm hôm nay

Nhờ hẹn trước, ông Nông Văn Ngay, người dân tộc Nùng, sống lâu năm ở đây đã dành thời gian tiếp đón và làm người hướng dẫn cho chúng tôi khám phá ngôi làng đặc biệt này.

Đón chúng tôi từ hiên nhà văn hóa của làng, ông Ngay cười hiền hậu cho hay: “Ở đây không có nhà rông như các làng đồng bào dân tộc thiểu số khác trên địa bàn. Bởi một số dân tộc sinh sống tại đây vốn không có nhà rông trong truyền thống. Thay vào đó, nhà văn hóa được xem là không gian sinh hoạt chung, tổ chức hội họp, lễ hội, sự kiện cho cả làng”.

Không gian sinh hoạt cộng đồng tại làng Đăk K'Đêm tuy đơn giản nhưng vô cùng ý nghĩa. Đây là nơi mọi người tụ họp để bàn bạc chuyện làng, tổ chức các lễ hội truyền thống hay các sự kiện quan trọng như mừng lúa mới, Tết Nguyên đán, kỷ niệm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước...

Căn nhà văn hóa khang trang, sạch đẹp luôn rộn ràng tiếng cười nói, là minh chứng rõ ràng cho tinh thần đoàn kết không phân biệt dân tộc, vùng miền. Chúng tôi theo ông Ngay ghé thăm gia đình anh A Dom, người dân tộc Xơ Đăng sống lâu năm tại làng.

Vừa thấy chúng tôi, anh A Dom niềm nở: “Tôi đang bón phân cho vườn cà-phê đây. Tháng 5 là thời điểm cây bắt đầu nuôi quả non, cần nhiều dưỡng chất để phát triển. Phân đạm kết hợp với các chất trung, vi lượng sẽ giúp cây phát triển cành lá, đậu trái tốt hơn”.

Năm 2024, gia đình anh A Dom thu được khoảng 30 tấn cà-phê. Với giá thị trường 23.000 đồng/kg, anh thu về gần 700 triệu đồng. Nguồn thu này giúp gia đình anh tiếp tục tái đầu tư cho vụ mùa tới, mở rộng diện tích, nâng cao kỹ thuật.

Tương tự, bà Y Biên, một hộ dân khác trong làng cũng chia sẻ niềm vui: “Tôi có hơn 200 gốc cà-phê, năm rồi thu được gần 4 tấn. Trừ chi phí còn lại khoảng 90 triệu đồng. Số tiền ấy tôi mua nông cụ canh tác, phần còn lại đầu tư tiếp cho vườn. Mình có đất, có công, chỉ cần chịu khó là không lo nghèo”.

Ngoài cà-phê, một số hộ dân tại làng còn trồng xen canh thêm cây ăn quả hay chăn nuôi heo, gà để tăng thu nhập. Chính việc đa dạng hóa mô hình sản xuất giúp người dân giảm rủi ro khi giá cà-phê biến động và từng bước ổn định đời sống. Địa phương khuyến khích bà con tham gia các tổ hợp tác sản xuất, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.

Giữ lửa văn hóa, gắn kết cộng đồng

Tại Đăk K'Đêm, điều khiến chúng tôi ấn tượng nhất chính là sự đoàn kết bền chặt giữa các dân tộc. Những hộ biết nghề luôn sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật canh tác, giống tốt, cách bón phân hợp lý cho bà con khác.

Đặc biệt vào vụ thu hoạch, các hộ lập thành nhóm “vần công” hỗ trợ nhau thu hái, chế biến sản phẩm, vừa tiết kiệm chi phí thuê mướn, vừa gắn kết tình làng nghĩa xóm.

Đặc biệt, trong làng đã hình thành thói quen tích lũy, tiết kiệm và đầu tư có kế hoạch. Không chỉ phát triển kinh tế, người dân Đăk K'Đêm còn gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống. Các văn hóa truyền thống giá trị như cồng chiêng, múa xoang, rượu ghè, hát then, đàn tính, trang phục… vẫn hiện hữu trong mỗi dịp lễ hội, cưới hỏi.

Điều đặc biệt là mỗi dân tộc trong làng đều chia sẻ nét văn hóa của mình với dân tộc khác. Vào ngày đặc biệt của từng dân tộc, cả làng cùng nhau tụ hội, vui chơi, ca hát, tạo nên một không gian giao lưu phong phú, sống động.

“Ở đây, người Tày biết đánh cồng chiêng, người Nùng học múa xoang, người Kinh học ủ rượu cần... Nhờ vậy, văn hóa các dân tộc không mai một mà còn lan tỏa, thấm vào đời sống hằng ngày. Mỗi dịp lễ hội là mỗi lần bà con học thêm điều mới, hiểu thêm nhau và gắn bó hơn”, ông Ngay chia sẻ.

Đặc biệt, lớp trẻ trong làng cũng đang tích cực tiếp nối truyền thống của ông bà. Nhiều em nhỏ được gia đình cho học múa, học chiêng từ khi còn rất nhỏ. Một số thanh niên còn tình nguyện tham gia đội văn nghệ của xã, mang tiếng chiêng, tiếng đàn đi biểu diễn tại các sự kiện, hội thi cấp huyện, tỉnh. Đây chính là những hạt giống gìn giữ văn hóa cho tương lai.