Dành ngân sách thúc đẩy bảo hiểm y tế toàn dân

Muốn đạt được mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, sẽ phải huy động ngân sách để nâng mức hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm cho những đối tượng khó khăn. Điều này góp phần tạo nguồn lực bảo đảm quyền lợi thực chất cho người bệnh.

Bảo đảm chất lượng dịch vụ y tế mang đến sự hài lòng là điều người dân luôn mong đợi. (Ảnh THẾ ĐẠI)
Bảo đảm chất lượng dịch vụ y tế mang đến sự hài lòng là điều người dân luôn mong đợi. (Ảnh THẾ ĐẠI)

Theo số liệu của cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện nay bảo hiểm y tế đã đạt được 94,29% và đến cuối năm 2025 phấn đấu khoảng 95% người dân có bảo hiểm y tế. Như vậy, có khoảng trên 95,5 triệu người dân đã có thẻ bảo hiểm y tế. Cơ quan Bảo hiểm xã hội cũng đã ký hợp đồng tổ chức hệ thống khám, chữa bệnh công lập và ngoài công lập với khoảng 13 nghìn cơ sở khám, chữa bệnh (bao gồm cả trạm y tế xã). Năm 2024, cũng đã có 183,6 triệu lượt người đi khám, chữa bệnh. Chi phí bình quân/lần khám là 357 nghìn đồng và điều trị nội trú là 5,5 triệu đồng /lượt.

Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam (Bộ Tài chính) nêu quan điểm: Miễn viện phí toàn dân là mục tiêu rất tốt đẹp mang tính lịch sử trong kỷ nguyên mới. Việc Đảng, Nhà nước chăm lo tới sức khỏe, vốn quý của con người nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân điều này rất quan trọng, rất phù hợp. “Đây là một chính sách lớn và chúng ta cần có lộ trình, cần bước đi vững chắc. Hiện tại, chúng ta đang đi đúng lộ trình. Đó chính là thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân. Tiến tới miễn viện phí và mọi người dân đều có thẻ bảo hiểm y tế để được tiếp cận, tham gia và thụ hưởng dịch vụ khám, chữa bệnh”, ông Hòa khẳng định.

“Có thể thấy, hằng năm, lượt khám, chữa bệnh đều tăng lên. Như vậy, một người bình quân có thẻ bảo hiểm y tế có tần suất đi khám trên hai lần. Do đó, cần thiết mở rộng phạm vi tham gia bảo hiểm xã hội để người dân được tiếp cận và hưởng chế độ bảo hiểm y tế, từ đó, tiệm cận được chính sách miễn viện phí”, ông Dương Tuấn Đức, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết.

Theo ông Tuấn, để tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, hiện nay rào cản lớn nhất là nguồn lực để đáp ứng được Quỹ Bảo hiểm y tế và chất lượng khám, chữa bệnh. “Hiện nay, các chi phí y tế ngày càng tăng cao, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng khiến người bệnh phải chi trả nhiều hơn. Trong khi đó, nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày càng tăng đi đôi với đòi hỏi chất lượng khám, chữa bệnh phải được nâng cao hơn nữa. Đơn cử, người dân muốn được mổ nội soi chứ không phải mổ phanh như trước. Hay như bệnh đột quỵ, nếu cấp cứu kịp thời trong giờ vàng, có thể hút cục máu đông khiến người bệnh có lại sức khỏe bình thường”, ông Tuấn dẫn chứng.

Hiện nay, Quỹ Bảo hiểm y tế đang thực hiện chi trả 100% cho một số nhóm đối tượng, còn nhiều đối tượng được đồng chi trả 20% và 5%. Những người yếu thế, hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người có công với cách mạng, với đất nước đã được ngân sách nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.

Ông Nguyễn Đức Hòa đề xuất: “Để đạt được mục tiêu miễn viện phí phải tiến hành đồng thời với việc đẩy nhanh tiến độ 100% người dân có thẻ bảo hiểm y tế. Muốn vậy, nguồn ngân sách phải được dành ra để nâng mức hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế. Người dân, nhất là người khó khăn, người dân tộc thiểu số là những đối tượng cần được ưu tiên hỗ trợ. Bộ Y tế cần ban hành Gói chăm sóc y tế cơ bản. Đây là dịch vụ thiết yếu để chăm sóc sức khỏe cho người dân theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế”.

Khi Quỹ Bảo hiểm y tế được đầu tư nâng cấp (từ nguồn ngân sách, mua thẻ, xã hội hóa), cũng cần phải chú trọng đến việc cân đối quỹ. Đặc biệt phải kiểm soát, quản lý chặt chẽ, hiệu quả, đặc biệt thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng quỹ, nhất là chỉ định sử dụng dịch vụ y tế (không lạm dụng xét nghiệm quá mức cần thiết).

Có thể bạn quan tâm

back to top