- Gần đây, khi cơ quan quản lý nhà nước đồng loạt vào cuộc, mở nhiều đợt cao điểm đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng loạt vụ việc vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm bị phát hiện, triệt phá. Theo luật sư, đâu là nguyên nhân của những hành vi vi phạm này?
- Tôi cho rằng, có ba nguyên nhân chính. Thứ nhất, lợi nhuận quá lớn: thông thường, do sản lượng được tiêu thụ lớn nên chỉ cần gian lận ở một khâu, với chi phí nhỏ, cũng có thể dẫn tới thu lời gấp nhiều lần. Thứ hai, công tác kiểm tra, giám sát chưa đều, thiếu nhân lực, thiếu thiết bị, nhất là ở các chợ dân sinh, làng nghề và trên các sàn thương mại điện tử. Thứ ba, còn hạn chế trong nhận thức của một bộ phận người tiêu dùng khi họ vẫn ưa chuộng sử dụng hàng giá rẻ, không rõ nguồn gốc, do đó, vô tình tiếp tay, tạo cơ hội cho thực phẩm bẩn tồn tại.
- Nguyên nhân thứ hai mà ông vừa đưa ra có liên quan trực tiếp tới hệ thống pháp luật hiện hành. Bình luận của ông trước ý kiến: Hệ thống này chưa đủ rộng, đủ mạnh để xử lý triệt để những vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm?
- Hệ thống quy phạm pháp luật của Việt Nam liên quan đến an toàn thực phẩm hiện nay, xét về văn bản, đã khá đầy đủ và chặt chẽ, với Luật An toàn thực phẩm, Bộ luật Hình sự, cùng các nghị định hướng dẫn quan trọng. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn tồn tại không ít kẽ hở, khiến việc áp dụng, chấp hành chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Đơn cử, theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm bị coi là tội phạm, không phụ thuộc vào việc người phạm tội có “biết rõ” hay không, miễn chứng minh được chất cấm hiện diện. Tuy nhiên, riêng đối với hành vi bán, cung cấp thực phẩm có sử dụng chất cấm, pháp luật đòi hỏi phải chứng minh điều, người bán “biết rõ” sản phẩm chứa chất cấm mà vẫn bán, mới có thể xử lý hình sự. Trên thực tế, điều kiện “biết rõ” này thường rất khó làm rõ bởi chuỗi phân phối thực phẩm qua nhiều tầng nấc trung gian, khiến việc xác định chủ ý, nhận thức của người bán trở nên phức tạp. Vì vậy, nhiều vụ việc cuối cùng chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính, làm giảm hiệu quả răn đe, gây bức xúc trong dư luận xã hội… Mặt khác, mức phạt hành chính tối đa hiện nay cũng không tương xứng: 200 triệu đồng đối với cá nhân, 400 triệu đồng đối với tổ chức, nhưng lợi nhuận bất chính từ thực phẩm bẩn có khi gấp nhiều chục lần con số đó.
- Có vẻ như các mức xử phạt này còn nhẹ nếu so luật pháp quốc tế, thưa ông?
- Đúng vậy! Nhiều quốc gia có quy định rất nghiêm khắc về an toàn thực phẩm. Chẳng hạn, trong vụ bê bối sữa nhiễm melamine tại Trung Quốc năm 2008, khi hơn 300.000 trẻ bị ảnh hưởng và 6 trẻ tử vong, các đối tượng pha trộn hóa chất độc hại đã bị tuyên án nghiêm khắc, gồm cả án tử hình và tù chung thân. Đây là thông điệp không khoan nhượng với hành vi đầu độc cộng đồng.
Tại Nhật Bản, Luật An toàn thực phẩm cũng quy định hình phạt rất nặng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh đưa vào sản phẩm các phụ gia không được cấp phép, kèm chế tài: đóng cửa, tước giấy phép hoạt động lâu dài nếu tái phạm. Tương tự, ở Đức, các hành vi gây chết người do cố ý hoặc buông lỏng kiểm soát thực phẩm độc hại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tương tự tội danh giết người, với mức án lên tới 15 năm tù theo Bộ luật Hình sự Đức (StGB).
Đây là quy định pháp lý quốc tế mà Việt Nam có thể tham khảo, để sửa đổi các quy định trong nước theo hướng nâng khung hình phạt, tăng mức bồi thường dân sự đối với người tiêu dùng bị thiệt hại. Chỉ như vậy, pháp luật mới đủ sức răn đe và bảo vệ bữa ăn an toàn cho từng gia đình và cả cộng đồng.

Việc buôn bán thực phẩm trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử hiện nay rất phổ biến, nhưng cơ chế giám sát, truy xuất nguồn gốc chưa theo kịp, trở thành mảnh đất màu mỡ cho các loại phụ gia, hóa chất trôi nổi xâm nhập bữa ăn người dân".
Luật sư NGUYỄN AN BÌNH
- Hiện tượng lạm dụng chất bảo quản, phụ gia cũng được dư luận hết sức quan tâm, vì nó âm ỉ, lâu dài chứ không bộc lộ tác hại ngay lập tức. Dưới góc độ pháp lý, đâu là giải pháp căn cơ để ngăn chặn tình trạng này, thưa ông?
- Tôi cho rằng cần đồng bộ bốn nhóm giải pháp:
Sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng quy định rõ các hành vi cố ý sử dụng phụ gia, chất bảo quản ngoài danh mục hoặc vượt ngưỡng an toàn là tội phạm, loại bỏ yêu cầu bắt buộc phải chứng minh yếu tố “biết rõ”, nghiên cứu tăng mức án tù tối đa, bổ sung tăng nặng chế tài phạt với pháp nhân.
Hoàn thiện khung xử phạt hành chính, nâng mức phạt lên tương xứng giá trị hàng hóa, có thể tính theo tỷ lệ phần trăm lợi nhuận bất chính hoặc nhiều lần giá trị hàng vi phạm, buộc bồi thường đầy đủ, đình chỉ hoạt động có thời hạn, công khai danh tính cơ sở vi phạm để răn đe xã hội.
Phát triển mạng lưới kiểm nghiệm, hậu kiểm hiện đại, từng bước xây dựng cơ sở kiểm nghiệm đạt chuẩn quốc tế ở các vùng trọng điểm, yêu cầu xét nghiệm định kỳ với nhóm thực phẩm rủi ro cao, thiết lập hệ thống dữ liệu liên thông để kịp thời phát hiện, truy xuất nguồn gốc khi xảy ra vi phạm.
Phát huy vai trò cộng đồng. Người dân chính là tuyến phòng thủ quan trọng nhất, cần khuyến khích phản ánh các biểu hiện vi phạm an toàn thực phẩm qua đường dây nóng, ứng dụng di động, có chính sách thưởng nóng để khuyến khích tố giác hành vi gian lận.
Tôi tin rằng, chỉ khi làm đồng bộ, quyết liệt cả bốn giải pháp này, chúng ta mới có đủ sức chặn đứng dòng chảy của các loại chất bảo quản, phụ gia không an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Nếu không hành động quyết liệt, thiệt hại sẽ còn rất lâu dài.
- Tín hiệu đáng mừng là mới đây, các cơ quan chức năng xem xét điều chỉnh một số quy định theo hướng tăng cường xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Về khía cạnh này, ông có thể chia sẻ thêm ý kiến nhận xét?
- Đây là một tín hiệu rất đáng khích lệ! Việc đẩy mạnh sửa đổi khung hình phạt, nâng mức phạt hành chính cũng như tăng tính nghiêm khắc của án phạt tù, đã thể hiện quyết tâm rõ rệt của cả hệ thống chính trị. Cụ thể, Bộ luật Hình sự hiện cho phép xử phạt pháp nhân thương mại tối đa tới 5 tỷ đồng, với hình phạt tù cao nhất đối với cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm là 15 năm (Điều 317).
Tuy nhiên, với hành vi trộn hóa chất độc hại gây chết người hàng loạt, tôi cho rằng, có thể nghiên cứu áp dụng cấu thành của tội giết người gián tiếp theo Điều 123 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt cao hơn. Thực tế, số vụ khởi tố liên quan an toàn thực phẩm đã tăng rõ rệt: từ dưới 40 vụ những năm trước lên 62 vụ trong năm 2024, cho thấy nỗ lực thực thi pháp luật đang đi đúng hướng.
Song để trả lời câu hỏi “đã đủ sức răn đe chưa?”, theo tôi vẫn còn hạn chế. Bởi điều kiện “biết rõ” trong quy định của Điều 317 Bộ luật Hình sự vẫn là rào cản lớn khiến nhiều vụ việc “lọt lưới” hình sự. Ngoài ra, cơ chế hậu kiểm chưa thật sự đồng bộ, sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng còn thiếu chặt chẽ, đặc biệt ở tuyến cơ sở.
Thực tế, pháp luật dù có nghiêm minh mà người tiêu dùng vẫn chuộng hàng giá rẻ, không rõ nguồn gốc thì thực phẩm giả vẫn còn tồn tại. Luật pháp chỉ thật sự có giá trị khi người dân cùng chung tay thực hiện.
Và tôi muốn nhấn mạnh, sức khỏe của người dân chính là vốn quý nhất. Một miếng thực phẩm "bẩn" hôm nay có thể để lại di chứng cả đời, hoặc dẫn đến những bệnh hiểm nghèo sau này. Cả hệ thống chính trị đã và đang hành động rất quyết liệt, song cần một xã hội đồng lòng. Khi cộng đồng vào cuộc, không hành vi gian dối nào có thể “qua mặt” được.
- Chân thành cảm ơn ông!