Dùng công nghệ số giám sát thị trường
Sau hơn một tháng triển khai cao điểm phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo tinh thần tại Công điện số 65/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 3.891 vụ việc, phát hiện và xử lý 3.114 vụ vi phạm với tổng số tiền phạt là hơn 63 tỷ đồng. Đáng chú ý, 26 vụ việc có dấu hiệu hình sự đã được chuyển cho cơ quan điều tra, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước.
Theo nhận định của ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, những con số thống kê về các vụ việc vi phạm nêu trên cũng như thực tế tại thị trường cho thấy, tình trạng lưu hành hàng hóa kém chất lượng, thực phẩm ngâm tẩm hóa chất hiện nay diễn biến hết sức phức tạp.
Hoạt động mua bán, vận chuyển hàng cấm, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại, hàng giả và thực phẩm kém chất lượng diễn ra rất tinh vi và chủ yếu được tiêu thụ qua các kênh bán lẻ, mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. Trước thực trạng này, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, cho biết, thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cả nước đẩy mạnh giám sát thị trường thông qua công nghệ số, kết nối dữ liệu liên thông và hoàn thiện cơ chế pháp lý phù hợp đặc thù thương mại hiện đại, đặc biệt là thương mại điện tử.
Điển hình như vụ sản xuất, buôn bán thực phẩm giả, gây hậu quả nghiêm trọng của Công ty Z Holding và công ty liên quan. Dữ liệu liên quan đến những quảng cáo thái quá trên các nền tảng mạng xã hội về chất lượng “Sản phẩm dinh dưỡng HIUP 27” của nhiều người có tầm ảnh hưởng (KOL), diễn viên, MC nổi tiếng, đã giúp cơ quan chức năng củng cố hồ sơ, có đủ căn cứ khởi tố bị can, khởi tố vụ án này.
Trước đó, công tác giám sát thị trường bằng công nghệ số cũng đã góp phần làm rõ những sai phạm của Công ty cổ phần Tập đoàn Chị em rọt từ thông tin trên một số website, Facebook, TikTok... về việc các cá nhân Quang Linh Vlogs, hoa hậu Thùy Tiên, Hằng Du Mục quảng cáo, buôn bán sản phẩm thực phẩm bổ sung Supergreens Gummies với tên gọi là kẹo rau củ Kera.
Đặt trọng tâm vào tuyên truyền ý thức tuân thủ pháp luật
Dưới góc độ của tổ chức bảo vệ người tiêu dùng, ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nhận định, hiện nay, nhiều chủ cơ sở, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhất là có giao dịch trên sàn thương mại điện tử, rất thiếu ý thức. Họ sẵn sàng bỏ qua tất cả các quy định nhằm thu lợi bất chính cho riêng mình, trong đó có cả hành vi đưa vào tiêu thụ lượng lớn hàng hóa không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mặt khác, do người tiêu dùng thiếu kiến thức và không theo kịp tình hình, diễn biến xảy ra, đã vô tình tạo điều kiện cho những doanh nghiệp, cá nhân làm ăn không chân chính thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Song kết quả cuối cùng, chính người tiêu dùng lại phải hứng chịu thiệt hại cả về vật chất lẫn tinh thần, sức khỏe.
Những nội dung sửa đổi tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2026 tới đây đã yêu cầu người nổi tiếng xác minh độ tin cậy, hiểu rõ sản phẩm trước khi quảng cáo, tránh tình trạng “nói thay” cho hàng kém chất lượng. Đánh giá cao điều này, ông Vũ Văn Trung nhìn nhận, hoạt động quảng cáo, bán hàng của người có ảnh hưởng trên môi trường số cần được đặt trong khung khổ pháp lý rõ ràng, bởi hoạt động này có tác động lớn đến hành vi tiêu dùng và dư luận xã hội.
Việc siết chặt quy định quảng cáo với người nổi tiếng được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều tác động tích cực. Trước hết, sẽ giúp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trước những thông tin sai lệch và nguy cơ mua phải sản phẩm kém chất lượng chỉ vì tin tưởng vào uy tín của người nổi tiếng.
Còn theo đánh giá của Luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát, các quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo sẽ là công cụ để loại bỏ quảng cáo “bẩn” trên các nền tảng mạng xã hội, các hoạt động quảng cáo bát nháo, chụp giật, bất chấp hậu quả vốn tồn tại trong thời gian qua. Nó là cánh cửa mở ra và bảo vệ những người làm ăn hợp pháp, bảo vệ người tiêu dùng.
“Trường hợp cơ quan chức năng xác định có dấu hiệu của tội phạm, người thực hiện hành vi quảng cáo sai sự thật, có thể bị khởi tố theo Điều 197 về “tội quảng cáo gian dối” hoặc Điều 198 về “tội lừa dối khách hàng” hình phạt cụ thể, sẽ căn cứ vào hành vi vi phạm được xác định”, Luật sư Lê Trung Phát nêu rõ.
Mặt khác, theo ông Vũ Văn Trung, cần đặt trọng tâm vào công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng. Người tiêu dùng cần được trang bị kiến thức về cách nhận diện thực phẩm an toàn, phân biệt hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng bị ngâm tẩm hóa chất. Các cơ quan truyền thông cần vào cuộc mạnh mẽ, thường xuyên cung cấp thông tin chính xác, cảnh báo kịp thời để người dân có thể tự bảo vệ sức khỏe của mình. Đặc biệt, việc phát huy vai trò của các tổ chức xã hội trong giám sát và phản ánh các trường hợp vi phạm sẽ góp phần tạo ra áp lực xã hội, buộc các cơ sở kinh doanh phải tuân thủ quy định pháp quy.
