Từ ngày 10 đến 19-5-1941, tại lán Khuổi Nậm, thôn Pác Bó, Hội nghị T.Ư 8 được triệu tập, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đã quyết định nhiều vấn đề trọng đại, như thành lập tổ chức Việt Minh. Để thu hút các tầng lớp nhân dân ủng hộ lực lượng Việt Minh non trẻ, Bác Hồ đã diễn giải Chương trình Việt Minh bằng thể thơ lục bát, dễ nhớ, dễ thuộc và dễ truyền tụng trong nhân dân. Trong diễn ca “Mười chính sách của Việt Minh” hướng tới mục tiêu “Một là ích nước, hai là lợi dân”, Bác khuyên: “Khuyên ai xin nhớ chữ đồng/Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, tại Cao Bằng, nhân dân nhiều xã và tổng đã tích cực tham gia hội cứu quốc. Cao Bằng trở thành căn cứ địa cách mạng, địa bàn điển hình về xây dựng và phát triển lực lượng chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa vũ trang toàn dân. Từ Cao Bằng ngày ấy, đến thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân Tháng Tám năm 1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, là biểu hiện cụ thể và sinh động của tinh thần đại đoàn kết toàn dân. Có sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần đại đoàn kết toàn dân đã kết tinh thành sức mạnh vô song, góp phần hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và tiến hành thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Lán Khuổi Nậm, hang Cốc Bó, núi Các Mác bên dòng suối Lê-nin hiền hòa, là những địa danh lịch sử, đã đi vào thơ ca, gắn với từng giai đoạn gian khó, hào hùng trong công cuộc đổi mới trên quê hương cách mạng. Di tích Pác Bó được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Thắp nén hương tưởng nhớ Người tại Đền thờ Bác Hồ được xây dựng trên ngọn núi cao, bao quanh là âm thanh rì rào của núi rừng miền biên viễn, chúng tôi cảm thấy dường như vẫn vọng quanh đây lời thơ của Bác năm nào: "Non xa xa, nước xa xa/Nào phải thênh thang mới gọi là/Đây suối Lê-nin, kia núi Mác/Hai tay xây dựng một sơn hà".
Di tích Pác Bó đã đón hàng triệu lượt khách tới thăm nơi ở và làm việc của Người cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng ta trong những năm tiền khởi nghĩa. Con đường lát đá tai mèo dẫn lên hang Cốc Bó, vào lán Khuổi Nậm, đã trở nên nhẵn bóng bởi triệu bước chân, triệu tấm lòng đến với nơi này. Trong số đó có người khách đến từ nước Mỹ - con trai của cố Tổng thống Mỹ Ken-nơ-đy, thăm hang Cốc Bó năm 1997. Trở về nước, ông mang theo cả tấm lòng cảm phục ý chí, nghị lực, lòng yêu nước, thương dân của Hồ Chí Minh. Trong bài đăng trên tờ Bưu điện Oa-sinh-tơn, ông viết: “Tôi nghĩ mãi vẫn không hiểu tại sao, trong một cái hang nhỏ hẹp và ẩm thấp như vậy mà ông Hồ Chí Minh có thể ở đó, và hơn thế đã vạch ra một kế hoạch lâu dài giành lại đất nước”.
Trên nền ngôi nhà họ Dương năm xưa, nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mượn làm địa điểm tuyên truyền ủng hộ Việt Minh, ông Dương Chí Quân, con trai cả của cụ Dương Đại Hoa - cán bộ lão thành cách mạng, kể về niềm tự hào của gia đình, về việc Bác đã dạy ông Hoa học chữ, và đi làm cách mạng. Bày tỏ niềm vui khi đời sống của gia đình, thôn xóm khấm khá hơn nhiều, ông cũng gửi gắm những trăn trở của người dân nơi đây, mong cho quê ngày thêm đổi mới. Pác Bó hiểm trở và nghèo nàn năm xưa, giờ đây đã khác. Điện, đường dẫn đến từng nhà, sáng bừng thôn xóm. Các công trình thủy lợi nội đồng giúp người làm nông đỡ phần vất vả. Bí thư chi bộ, bà Nông Thị Dung bày tỏ, là thôn đông dân, thuần nông, ít đất sản xuất, nhờ sự hỗ trợ từ Trung ương tới địa phương, các Chương trình 134, 135…, trong thôn đã xuất hiện nhiều cách làm kinh tế hiệu quả, như mô hình trồng mận của ông Hoàng Đức Tính; trồng đào cảnh của ông Dương Văn Sự, hay chuyển đổi làm dịch vụ như bà Dương Thị Kim Tuyến… Bà con nhận thức rõ giá trị lịch sử của mảnh đất mình sinh sống nên đồng lòng xây dựng đời sống văn hóa thôn, bản. Pác Bó tự hào là thôn "sạch" tệ nạn. Tuy còn khó khăn, nhưng bà con đã chăm lo hơn tới việc học, số học sinh thi đỗ đại học, cao đẳng tăng hàng năm. Bản thân bà Dung cũng vượt qua hoàn cảnh khó khăn để giúp cấp ủy, cùng người dân nơi đây xây dựng nông thôn mới. Chi bộ thôn với 27 đảng viên luôn phát huy vai trò lãnh đạo nhân dân ổn định và nâng cao đời sống.

Học sinh Trường PTDTNT huyện Bảo Lâm trong giờ tin học.
Nhìn từ sự phát triển của xã Trường Hà, huyện Hà Quảng và rộng ra cả tỉnh Cao Bằng thấy rõ, lời của Bác năm xưa vẫn còn nguyên giá trị trong huy động toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới hôm nay. “Người có sức, đem sức quyên, Ta có tiền của, quyên tiền của ta. Trên vì nước, dưới vì nhà…”, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, cấp ủy, chính quyền và nhân xã Trường Hà đã hoàn thành cơ bản 19 tiêu chí, trở thành một trong hai xã nông thôn mới đầu tiên của Cao Bằng. Bí thư Đảng ủy xã, một sĩ quan biên phòng tăng cường, đồng chí Lê Văn Triển cho biết, tuy là xã biên giới đặc biệt khó khăn, nhưng tin tưởng vào truyền thống đoàn kết, Trường Hà được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới. Những buổi truyền thông, triển khai các cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới; vệ sinh môi trường, đường làng ngõ xóm; ba không, ba sạch… đã có hơn ba nghìn lượt người tham gia. Người dân hiểu được ích nước, lợi nhà nên đã tích cực hiến đất, góp ngày công xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Cái khó nhất ở đây là thay đổi tập quán canh tác của bà con, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Để làm được việc đó, cán bộ chủ chốt của xã tiên phong làm các mô hình kinh tế hộ. Bí thư đầu tư vào chăn nuôi, chủ tịch phát triển mô hình cây ăn quả. Vừa làm vừa vận động bà con. Đến nay, tại Trường Hà đã có 200 hộ trồng cây ăn quả, tổng diện tích 15 ha; gần 180 hộ phát triển chăn nuôi gà, vịt… cho lợi nhuận cao, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người năm 2015 lên hơn 18 triệu đồng/năm, tăng gần gấp rưỡi so năm trước; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,4%.
Bài học về đoàn kết và tương thân tương ái của Bác trở thành động lực tinh thần để cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong tỉnh hiện thực hóa các mục tiêu. Tại Cao Bằng, hằng năm có khoảng 98% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là dịp kết nối bền chặt hơn tinh thần đoàn kết giữa nhân dân các dân tộc trong tỉnh, gắn kết cán bộ, đảng viên với nhân dân; tạo sự đồng thuận xã hội. Bốn năm qua, nhân dân toàn tỉnh người có công góp công, ai có sức góp sức, đóng góp hơn 5 tỷ đồng và 500 nghìn ngày công lao động, hiến hơn 400 nghìn m2 đất, và hàng nghìn tấn nguyên vật liệu xây dựng nông thôn mới. Quỹ "Vì người nghèo" toàn tỉnh đã xây dựng và sửa chữa gần 9.000 nhà "Đại đoàn kết"; hàng nghìn lượt bệnh nhân nghèo được khám, chữa bệnh miễn phí; hỗ trợ vốn cho gần 6.000 hộ nghèo phát triển sản xuất,... Các phong trào toàn dân tham gia Thắp sáng niềm tin, Chung tay góp sức vì cội nguồn cách mạng, Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, Hướng về biển đảo... đã nhân rộng những nghĩa cử cao đẹp.
Dịp này, từ núi cao biên giới tới thành phố phấp phới cờ hoa. Nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng hòa chung không khí sôi nổi hướng tới ngày hội lớn, sáng suốt bầu chọn những người tiêu biểu, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân tham gia QH khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Dân tin vào Đảng, Đảng dựa vào dân. Phát huy ý nghĩa bốn chữ "đồng" trong diễn ca của Bác Hồ cách đây 75 năm, Đảng bộ và nhân dân Cao Bằng tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, sáng tạo, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, quyết tâm đưa Cao Bằng trở thành tỉnh năng động, phát triển. Để truyền thống cách mạng như mạch nguồn chảy mãi trong đời sống hôm nay - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoàng Anh, chia sẻ niềm tin như vậy.