Chiều 3/7, tại Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam, Tạp chí điện tử TheLEADER tổ chức “Diễn đàn đầu tư bất động sản trong kỷ nguyên mới: tư duy mới, vận hội mới” với sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội Bất động sản, chuyên gia kinh tế và bất động sản uy tín, nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng hơn 50 cơ quan báo chí, truyền hình.
Diễn đàn mang tới góc nhìn đa chiều về cơ hội thực sự của các thị trường tiềm năng cũng như thách thức mà các doanh nghiệp bất động sản và nhà đầu tư đã và đang phải giải quyết.
Ngày 3/7, chúng ta đã bước sang ngày thứ 3 khi cả nước thực hiện công cuộc cải cách tổ chức lại không gian phát triển, tiến hành sáp nhập tỉnh thành. Việc tổ chức lại không gian phát triển mới tầm quốc gia này cùng với những cải cách đột phá nêu trên, đang tạo ra những thời cơ mới chưa từng có cho đất nước và đặc biệt là cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp.

Thời cơ mới chưa từng có từ công cuộc sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy
Theo đó, bài toán quy hoạch và chiến lược phát triển của 34 tỉnh, thành thay vì 63 địa phương như trước trong không gian phát triển mới của cả nước sẽ tạo cơ hội lớn cũng như các thách thức đan xen cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp; trong đó lĩnh vực bất động sản được đánh giá là có vai trò vô cùng quan trọng trong bối cảnh này.
Khẳng định trong phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Cao Cương, Tổng Biên tập TheLEADER nhấn mạnh: Đất nước đang bước vào giai đoạn chuyển đổi quan trọng, bước vào kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, với các thay đổi lớn lao về thể chế, quy hoạch, mô hình kinh tế và chiến lược công nghệ.
Đó là các cải cách về chính sách và tổ chức bộ máy hành chính nhà nước các cấp mang tính đột phá chưa từng có tiền lệ mà chúng ta đang được chứng kiến đang mang lại những luồng gió mới đầy sinh lực.
Đó là khu vực kinh tế tư nhân lần đầu tiên trong lịch sử được định danh rõ ràng với vai trò là “động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế, được kỳ vọng tạo “niềm cảm hứng mới” cho khu vực này có bước phát triển mới mạnh mẽ hơn.

Đó là những quyết sách kịp thời để giải quyết các vướng mắc lớn về lưu thông dòng tiền của nền kinh tế; ưu tiên đàm phán cấp cao với các nước, các nền kinh tế lớn để tháo gỡ khó khăn cho dòng chảy thương mại, xuất nhập khẩu, trong đó có Hoa Kỳ - một thị trường rất quan trọng mà cộng đồng doanh nghiệp trong nước đang rất quan tâm, theo dõi sát sao những ngày qua.
Trong kỷ nguyên mới, lĩnh vực bất động sản đã nhận được sự quan tâm lớn của Chính phủ với việc ưu tiên nguồn vốn và thúc đẩy triển khai giải ngân nhanh cho việc đầu tư các dự án hạ tầng lớn trong cả nước, nhằm tạo thuận lợi kết nối; mới đây nhất là tập trung tháo gỡ cho hàng ngàn dự án (cụ thể là 1.533 dự án) có vướng mắc trong quá trình triển khai.
Góc nhìn đa chiều về bất động sản trong kỷ nguyên mới
Tại diễn đàn, phân tích về sự tái định hình thị trường bất động sản Việt Nam trong kỷ nguyên mới, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, dư địa cho bất động sản bùng nổ là chắc chắn trong tương lai nhưng cũng đối mặt với rủi ro.

"Hy vọng với sự chủ động và với công cuộc tái thiết, sắp xếp lại giang sơn mạnh mẽ như hiện nay, Việt Nam sẽ không bỏ lỡ cơ hội để đột phá."- Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên nói.
Trong khuôn khổ diễn đàn, với tọa đàm “Vận hội mới trong đầu tư bất động sản”, các chuyên gia, đại biểu, doanh nghiệp đã cùng nhau thảo luận về không gian phát triển mới cho bất động sản từ sáp nhập tỉnh thành; các mô hình bất động sản mới, phát triển các siêu đô thị, đại đô thị; quản trị rủi ro đầu tư trong bối cảnh đầy thách thức pháp lý và thị trường; chiến lược định vị và dẫn dắt thị trường, chân dung nhà đầu tư bất động sản mới…
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, phải xác định rõ ràng là chúng ta đang thay đổi toàn bộ tư duy, có nhiều đổi mới về vai trò của nhà nước, tư nhân và công nghệ cùng đổi mới sáng tạo thì đây cũng chính là cơ hội cho bất động sản nước ta. Sự thay đổi mạnh mẽ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị tạo ra niềm tin mới cho việc không ngừng hoàn thiện về thể chế, chính sách nhất là các vấn đề pháp luật liên quan tới lĩnh vực bất động sản…
Các chuyên gia, đại biểu đều nhất trí rằng, thị trường bất động sản Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi tư duy hoàn toàn khác biệt – dài hạn hơn, bền vững hơn và gắn chặt với tầm nhìn chiến lược quốc gia.

Cụ thể, vận hội lịch sử đang mở ra với thị trường bất động sản khi ở thời điểm đã và đang hội tụ nhiều động lực phát triển như hiện nay: từ chủ trương sáp nhập tỉnh thành, vận hành chính quyền hai cấp, đến quyết tâm tăng trưởng kinh tế hai con số trong thập niên tới. Cùng với đó là các siêu dự án hạ tầng, chính sách tháo gỡ thể chế, phát triển trung tâm tài chính, khu thương mại tự do, đặc khu…
Tiếp đến là sự tái định vị vai trò của thị trường bất động sản trong nền kinh tế. Bất động sản không chỉ “thụ hưởng” tăng trưởng mà còn phải đóng vai trò chủ động – trở thành kênh huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế, góp phần phát triển hạ tầng, công nghiệp và đô thị hóa. Tuy nhiên, sự phát triển cần đi cùng kiểm soát. Do đó, cần giám sát chặt chẽ để tránh phát triển quá nóng, dư cung, lệch pha sản phẩm – những điều từng gây bất ổn cho nền kinh tế trong quá khứ.
Song song, đổi mới tư duy đầu tư theo “vùng động lực” và “siêu kết nối”. Không gian phát triển trong giai đoạn tới không còn bị ràng buộc bởi ranh giới hành chính mà phải dựa trên sự liên kết vùng, các hành lang kinh tế và hệ thống hạ tầng siêu kết nối. Hạ tầng giao thông – từ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, metro đến cảng biển, sân bay – phải đi trước để tạo nền tảng cho bất động sản phát triển đồng bộ và lan tỏa giá trị thực.
Đồng thời phát triển sản phẩm bất động sản theo hướng bền vững, số hóa và thích ứng mà ở đó người tiêu dùng đang thay đổi: ngày càng đề cao chất lượng sống, yếu tố xanh-số, sức khoẻ, tinh thần và trải nghiệm. Một số loại hình từng là điểm nóng đầu tư có thể sẽ dần lỗi thời và song song với đó, tầng lớp trung lưu mở rộng nhanh chóng cũng đặt ra yêu cầu mới về sản phẩm phù hợp với thị hiếu sống hiện đại, tích hợp công nghệ và dịch vụ giá trị gia tăng.