Cải cách đột phá thể chế để kinh tế tư nhân phát triển

Tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân trong GDP gần như không thay đổi trong hơn một thập kỷ qua. Làm thế nào để kinh tế tư nhân là lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng một Việt Nam năng động và hội nhập quốc tế? TS Nguyễn Sĩ Dũng chia sẻ dưới góc nhìn của một chuyên gia.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất tại Nhà máy ô-tô Trường Hải. Ảnh: NAM ANH
Sản xuất tại Nhà máy ô-tô Trường Hải. Ảnh: NAM ANH

Phóng viên (PV): Theo ông, nguyên nhân của những rào cản về thể chế khiến kinh tế tư nhân chưa thể bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh là gì?

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Có nhiều nguyên nhân khiến kinh tế tư nhân ở nước ta chưa thể bứt phá như kỳ vọng, nhưng tựu trung lại, điểm nghẽn lớn nhất chính là thể chế. Mà thể chế ở đây không chỉ là luật pháp trên giấy, mà còn là cách luật được thực thi, môi trường điều hành và văn hóa chính trị - kinh tế bao quanh nó. Thứ nhất, thể chế của chúng ta vẫn thiên về “quản lý” hơn là “phục vụ và kiến tạo”. Điều này khiến doanh nghiệp tư nhân thường xuyên gặp khó trong tiếp cận đất đai, tín dụng, thị trường, thậm chí là cơ hội đầu tư công bằng.

Tình trạng xin - cho, phê duyệt mang tính chủ quan khiến cho nhiều doanh nghiệp rơi vào thế yếu, thiếu sự bảo đảm về mặt pháp lý để yên tâm làm ăn lâu dài.

Thứ hai, tư duy phát triển kinh tế tư nhân vẫn chưa thật sự nhất quán và mạnh mẽ. Dù Đảng ta đã có những chủ trương rất tiến bộ như khẳng định kinh tế tư nhân là “động lực quan trọng của nền kinh tế”, nhưng khi chuyển hóa thành chính sách cụ thể và hành động thực tế, vẫn còn khoảng cách lớn. Ở một số nơi, doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa được đối xử công bằng như doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp FDI.

Thứ ba, không gian thể chế để kinh tế tư nhân lớn lên một cách bền vững vẫn còn chật hẹp. Chúng ta thiếu các chính sách hỗ trợ quy mô hóa doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản trị, đổi mới công nghệ hay phát triển thương hiệu. Nhiều doanh nghiệp phải loay hoay trong “vùng trũng” giá trị gia tăng, chưa thể vươn lên làm chủ chuỗi cung ứng.

Cuối cùng, cần nói đến niềm tin. Thể chế không chỉ là quy định pháp luật mà còn là sự khẳng định niềm tin từ Nhà nước đối với doanh nghiệp. Khi doanh nhân còn cảm thấy không chắc chắn về môi trường đầu tư, về sự ổn định của chính sách hay nguy cơ bị “hình sự hóa quan hệ kinh tế”, thì rất khó để họ dám đầu tư lớn, đổi mới sáng tạo hay hội nhập sâu vào thị trường quốc tế.

Muốn tháo gỡ những điểm nghẽn này, chúng ta cần một cuộc cải cách thể chế toàn diện, trong đó kinh tế tư nhân không chỉ được thừa nhận bằng lời nói mà còn được bảo vệ và tiếp sức bằng hành động cụ thể.

PV: Một trong những bất cập bộc lộ thời gian qua là nhiều hộ kinh tế cá thể vẫn theo nếp kinh doanh cũ, thiếu động lực phát triển thành doanh nghiệp, thậm chí “không muốn lớn”, thưa ông?

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Hiện tượng “không muốn lớn” của nhiều hộ kinh doanh cá thể không phải là điều ngẫu nhiên. Nó phản ánh một thực tế thể chế - kinh tế rất đáng suy ngẫm.

Chi phí chính thức và phi chính thức khi chuyển lên thành doanh nghiệp còn quá cao. Khi là hộ cá thể, họ có thể hoạt động đơn giản, thủ tục ít, kiểm tra ít, tiếp xúc với bộ máy công quyền cũng ít. Nhưng khi “lớn lên” thành doanh nghiệp, họ phải gánh thêm nhiều nghĩa vụ về thuế, bảo hiểm, sổ sách kế toán, và không ít rủi ro thanh tra, kiểm tra, thậm chí là bị gây khó dễ.

Bên cạnh đó, thể chế chưa thật sự khuyến khích người dân khởi sự và phát triển doanh nghiệp bài bản. Môi trường kinh doanh còn thiếu ổn định, chính sách chưa nhất quán và quan trọng hơn là thiếu những “bệ đỡ” thiết thực như tiếp cận tín dụng, mặt bằng, tư vấn pháp lý hay đào tạo quản trị. Trong bối cảnh như vậy, “an phận” làm hộ kinh doanh lại trở thành lựa chọn khôn ngoan.

Tâm lý sợ rủi ro và thiếu niềm tin vào hệ thống cũng là rào cản lớn. Nhiều người dân không sợ kinh doanh, nhưng họ sợ bị làm khó khi “chính danh”. Một khi vẫn còn tâm lý “đứng trong ánh sáng dễ bị soi”, thì động lực vươn lên sẽ bị triệt tiêu.

PV: Để tháo gỡ những điểm nghẽn và thúc đẩy kinh tế tư nhân, không thể thiếu cải cách đột phá về thể chế, chính sách và môi trường kinh doanh?

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Muốn kinh tế tư nhân trở thành động lực chủ lực của nền kinh tế, thì không thể không bắt đầu từ cải cách thể chế. Bởi chính thể chế là cái “khuôn” mà trong đó mọi hoạt động kinh tế được định hình. Nếu cái khuôn này méo mó, thì kinh tế tư nhân không thể phát triển lành mạnh và bền vững được.

Tôi cho rằng, có ba nhóm giải pháp đột phá cần ưu tiên:

Trước hết, phải bảo đảm một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và ổn định. Điều này bao gồm cả cải cách thủ tục hành chính, chống lạm quyền, loại bỏ tình trạng “xin - cho”, và đặc biệt là bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp bằng pháp luật thực chất, chứ không chỉ bằng những khẩu hiệu.

Cùng với đó, cần thiết kế chính sách thúc đẩy quy mô hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân. Đây là khâu đột phá để tạo ra “sếu đầu đàn” - những doanh nghiệp có năng lực toàn cầu, làm chủ công nghệ và chuỗi giá trị. Chính sách cần tập trung vào hỗ trợ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tiếp cận tín dụng dài hạn, cũng như mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

Doanh nghiệp không thể lớn nếu bị bỏ mặc trong một môi trường thiếu hỗ trợ và đầy rủi ro. Do đó, phải xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững, từ giáo dục khởi nghiệp, dịch vụ pháp lý, logistics đến kết nối doanh nghiệp với viện nghiên cứu, trường đại học.

Nhà nước cần chuyển từ “chủ thể can thiệp” sang “nhà thiết kế thể chế và kiến tạo phát triển”. Khi Nhà nước đóng đúng vai, làm tốt vai, thì kinh tế tư nhân sẽ có không gian để lớn lên, đóng góp nhiều hơn và cùng đất nước vươn tới thịnh vượng.

PV: Kinh tế tư nhân cần phấn đấu trở thành lực lượng chủ lực, đi đầu trong ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo, đóng góp khoảng 70% GDP vào năm 2030... Ông đánh giá thế nào về kỳ vọng này?

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Tôi cho rằng, đây là một kỳ vọng hoàn toàn đúng đắn và cần thiết, bởi không có một nền kinh tế năng động, hiện đại, độc lập và tự cường nào mà lại thiếu vắng vai trò chủ lực của khu vực kinh tế tư nhân.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa được kỳ vọng ấy, chúng ta không thể chỉ trông chờ vào sự “phấn đấu” đơn lẻ của doanh nghiệp tư nhân. Điều kiện tiên quyết là phải có một môi trường thể chế thật sự kiến tạo, minh bạch, ổn định và thuận lợi cho sự phát triển của khu vực này.

Để kinh tế tư nhân đóng góp 70% GDP vào năm 2030, theo tôi, cần chú trọng ba vấn đề căn bản. Đó là xóa bỏ các rào cản thể chế kìm hãm sự lớn mạnh của doanh nghiệp tư nhân như bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực, chính sách “hai mặt” giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, hay tình trạng can thiệp hành chính tùy tiện. Tạo động lực mạnh mẽ cho đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ, thông qua việc hỗ trợ nghiên cứu, khuyến khích chuyển đổi số, xây dựng các quỹ đầu tư mạo hiểm, và đặc biệt là bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ một cách nghiêm túc. Đồng thời, bảo đảm sự an toàn pháp lý và tài sản cho doanh nghiệp, để doanh nhân dám nghĩ lớn, làm lớn và đầu tư dài hạn. Khi họ không còn lo ngại về những rủi ro “phi thị trường”, thì năng lực cạnh tranh toàn cầu mới có thể nảy nở.

Để hiện thực hóa kỳ vọng đòi hỏi một cuộc chuyển đổi thể chế mạnh mẽ và đồng bộ, trong đó Nhà nước thật sự là “bà đỡ” cho kinh tế tư nhân phát triển, đổi mới và hội nhập. Khi kinh tế tư nhân cất cánh, Việt Nam hoàn toàn có thể hiện diện trên bản đồ thế giới như một quốc gia phát triển dựa trên năng lực nội sinh và khát vọng vươn lên của chính người dân mình.