Đẩy mạnh đầu tư cho du lịch

Dịp lễ 30/4 và 1/5, lượng du khách đến Thành phố Hồ Chí Minh tăng mạnh. Bên cạnh chuỗi sản phẩm du lịch hiện có, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã chủ động thiết kế các tour mang dấu ấn riêng, đem đến trải nghiệm độc đáo cho khách hàng. Mục tiêu ngành du lịch thành phố đặt ra cho năm 2025 là đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế và 45 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu ước đạt 260.000 tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Thành phố Hồ Chí Minh tập trung đầu tư phát triển các thế mạnh về du lịch.
Thành phố Hồ Chí Minh tập trung đầu tư phát triển các thế mạnh về du lịch.

Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong dịp lễ 30/4 năm nay, thành phố đón khoảng 1,4 triệu lượt du khách. Thành phố hiện có hơn 3.200 cơ sở lưu trú phục vụ du lịch; trong đó, có hơn 130 khách sạn từ 1-5 sao với khoảng 55.000 buồng, phòng. Đợt lễ này, hệ thống khách sạn tại khu vực trung tâm hoạt động gần 100% công suất, đặc biệt là khu vực tập trung các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, diễu binh, diễu hành, bắn pháo hoa, lễ hội ánh sáng...

Bên cạnh những tour về nguồn như thăm chiến khu Rừng Sác (huyện Cần Giờ), thăm địa đạo Củ Chi; chùm tour Sài Gòn xưa và nay, Ký ức Sài Gòn-Chợ Lớn, Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn…, nhiều sản phẩm mới cũng được triển khai. Các tour trải nghiệm tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và các địa điểm, di tích lịch sử tại Thành phố Hồ Chí Minh thu hút sự quan tâm của nhiều du khách trong dịp này.

Trước đó, ngành du lịch đã tạo được dấu ấn với doanh thu hơn 100 tỷ đồng từ hoạt động bán tour, dịch vụ và sản phẩm du lịch tại “Ngày hội du lịch Thành phố Hồ Chí Minh năm 2025”. Với hơn 900 sản phẩm, dịch vụ du lịch, ngày hội tập trung hơn 100 gian hàng đến từ 41 tỉnh, thành phố và 32 doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, hãng hàng không. Không chỉ mua tour du lịch giá rẻ từ đơn vị uy tín, người dân và du khách còn được trải nghiệm, tìm hiểu nhiều sản phẩm du lịch mới. Cùng với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, tại thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, việc thiết kế tour gắn liền với đặc điểm lịch sử, văn hóa địa phương cũng tạo nên nhiều sản phẩm độc đáo.

Thủ Đức-thành phố bên dòng sông xanh, Quận 12- còn bao điều mới lạ, Tân Phú-đi là nhớ, Quận 6-chuyện nhỏ trong lòng Chợ Lớn… là các sản phẩm du lịch thể hiện sự sáng tạo, gần gũi, tận dụng thế mạnh riêng để thu hút du khách. Mô hình du lịch cộng đồng tại ấp đảo Thiềng Liềng tiếp tục phát huy thế mạnh khi tập trung cải thiện vấn đề di chuyển cho khách tham quan.

Đáng chú ý, nhiều quận, huyện còn “bắt tay” để tạo ra những tour trải nghiệm đặc biệt. Hai sản phẩm du lịch mới tập hợp các điểm đến hấp dẫn của Quận 12, quận Gò Vấp, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi là “Hành trình kết nối du lịch xanh - Khám phá miệt vườn trong lòng thành phố” và “Hành trình kết nối lịch sử, văn hóa - Hành trình về với cội nguồn” mới ra mắt cuối năm 2024 đã nhận về nhiều phản hồi tích cực.

Việc tận dụng tốt thế mạnh tại mỗi điểm đến cùng chiến lược phát triển đồng bộ đang giúp ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phục hồi sau thời gian dài ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Quý I/2025, tổng thu ngành du lịch của thành phố đạt gần 60.000 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tạp chí du lịch danh tiếng CN Traveler vừa công bố Thành phố Hồ Chí Minh thuộc top 25 điểm đến du khách nên ghé thăm trong năm 2025 của cả bảy lục địa.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa, trong chiến lược phát triển du lịch thành phố đến năm 2030, việc nâng chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Trong đó, chú trọng sản phẩm du lịch đặc trưng, điểm đến và thương hiệu du lịch thành phố; làm mới, bổ sung sản phẩm du lịch gắn liền với các chương trình kích cầu, gia tăng chọn lựa cho du khách.

“Nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch và thúc đẩy kinh tế đêm, chúng tôi đang nghiên cứu kế hoạch mở cửa thí điểm một số bảo tàng vào ban đêm. Đề án này sẽ kết hợp các chương trình biểu diễn văn hóa, trong đó có trình diễn áo dài và các hoạt động nghệ thuật truyền thống, với mong muốn cung cấp thêm những trải nghiệm độc đáo cho du khách. Sở cùng các ban, ngành liên quan đang tích cực thúc đẩy kinh tế đêm, đặc biệt là việc khai thác tuyến sản phẩm đêm ven sông, khai thác du lịch đường thủy”, bà Hoa cho biết thêm.

Tận dụng công nghệ, tập trung khai thác thế mạnh của chuyển đổi số để tăng hiệu suất, chất lượng cho ngành du lịch cũng là định hướng phát triển của Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2030. Điều này tạo nên nhiều thay đổi từ công tác quản lý, điều hành đến quảng bá, truyền thông và nâng cao trải nghiệm cho du khách.

Hoàn thiện thủ tục hành chính điện tử, xây dựng ứng dụng du lịch thông minh, phát triển bản đồ tương tác 3D/360, tăng cường kênh kết nối trên các nền tảng mạng xã hội… là những nỗ lực chuyển đổi số của ngành du lịch, tạo thêm nhiều tiện ích cho khách hàng. Ngành du lịch thành phố sẽ tiếp tục đầu tư phát triển “hệ sinh thái số toàn diện” thông qua việc xây dựng kho dữ liệu du lịch tích hợp, triển khai trung tâm điều hành du lịch thông minh, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và thương mại điện tử, thúc đẩy quảng bá số trên mạng xã hội và các nền tảng quốc tế.

Không chỉ tập trung vào tour du lịch trong thành phố, sản phẩm mang tính kết nối với các địa phương cũng cần đầu tư chỉn chu, ấn tượng hơn. Hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức liên kết, hợp tác phát triển du lịch với sáu vùng, 46 tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm tận dụng thế mạnh của từng điểm đến, tạo nên chuỗi sản phẩm du lịch độc đáo. Giai đoạn tới, thành phố sẽ đầu tư nhiều hơn cho các tour tuyến, tạo màu sắc riêng như du lịch văn hóa-lịch sử, du lịch y tế, du lịch đường thủy, du lịch ẩm thực…