Lãng phí được hiểu là việc sử dụng không hiệu quả, làm hao phí tiền bạc, tài nguyên, của cải,... một cách vô ích. Đây là “căn bệnh” rất nguy hại, bởi lẽ: thứ nhất, nó làm thất thoát các nguồn lực, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển của mọi tổ chức, đơn vị, quốc gia. Thứ hai, căn bệnh này rất dễ nảy sinh và tồn tại lâu dài với những biểu hiện đa dạng, phức tạp, khó xử lý. Thứ ba, nó có sức tàn phá mạnh mẽ, cản trở mọi tiến trình phát triển nhưng nhiều khi lại bị coi nhẹ, bỏ qua. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng cảnh báo: lãng phí rất tai hại cho dân, cho Chính phủ, bởi nó gây những tổn thất to lớn về công sức và tài sản của nhân dân; có khi còn tai hại hơn cả nạn tham ô. Do đó, lãng phí chính là một thứ giặc nội xâm, là kẻ thù nguy hiểm của nhân dân và Chính phủ, cần phải gấp rút, quyết tâm đánh đuổi như đánh giặc.
Thực hiện nghiêm túc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong toàn bộ quá trình lãnh đạo công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng vấn đề này. Những năm qua, đã có nhiều Nghị quyết, Chỉ thị,... liên quan đến vấn đề phòng chống lãng phí được ban hành và chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Tiêu biểu như: Chỉ thị số 10/CT-TW năm 1993 về tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc sử dụng ngân sách, tài sản công; Luật Ngân sách nhà nước năm 1996 (sửa đổi năm 1998) quy định rõ việc sử dụng ngân sách nhà nước một cách tiết kiệm, hiệu quả, chống lãng phí trong chi tiêu tài sản công; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2005 (sửa đổi năm 2013) nhằm tạo chế tài pháp lý giám sát, ngăn ngừa, xử lý vấn đề lãng phí tài sản, tài nguyên quốc gia một cách hiệu quả; Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 4/1/2024 về tăng cường tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước;...
Trên cơ sở những định hướng của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành khẩn trương xây dựng Chương trình tổng thể thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong từng giai đoạn (2016-2020; 2021-2025) và từng năm với những chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để ngăn ngừa, xử lý vấn nạn lãng phí.
Đặc biệt, ngày 13/10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết về “Chống lãng phí” để chỉ đạo tăng cường hiệu quả công tác ngăn ngừa, xử lý vấn nạn lãng phí. Thực hiện chỉ đạo quyết liệt của đồng chí Tổng Bí thư, ngày 1/12/2024 Thủ tướng Chính phủ ra Công điện số 125/CĐ-TTg về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Ngày 17/12/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí, trong đó Thủ tướng đảm nhiệm vai trò Trưởng ban để trực tiếp điều hành, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống lãng phí.
Ngày 17/3/2025, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về đẩy mạnh phòng, chống lãng phí, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó chỉ đạo, giao cho Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí để bổ sung, hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống lãng phí. Ngày 28/4/2025, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục ban hành Hướng dẫn số 63-HD/BCĐTW về một số nội dung trọng tâm trong công tác phòng chống lãng phí.
Song song đó, Đảng và Nhà nước tích cực chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí nhất là trong quản lý ngân sách, quản lý tài sản công, sử dụng vốn đầu tư công, sử dụng hiệu quả các nguồn lực,... Nhờ đó, đến nay, công tác phòng chống lãng phí ở nước ta đã thu được những kết quả quan trọng, góp phần tiết kiệm chi ngân sách, tập trung được nhiều nguồn lực hơn cho thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước, chăm lo đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng chống lãng phí ở nước ta vẫn còn những hạn chế nhất định do nhiều nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan. Tổng Bí thư Tô Lâm thẳng thắn chỉ rõ: Vấn nạn lãng phí vẫn đang tồn tại và có những diễn biến phức tạp, với nhiều biểu hiện đa dạng, làm thất thoát các nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế, gây những hệ lụy nghiêm trọng, cản trở công cuộc phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Tình trạng lãng phí trong sử dụng các nguồn lực đầu tư, đầu tư không hiệu quả, lãng phí trong sử dụng tài sản công, tài nguyên, nhân lực,... diễn ra ở nhiều lĩnh vực, địa bàn gây bức xúc trong dư luận. Song điều đáng nói là việc chỉ ra những hạn chế này, cũng như công khai những vụ án lớn liên quan đến tệ nạn lãng phí là minh chứng cho thấy nỗ lực, quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong phát hiện những sai phạm, hạn chế trong công tác phòng chống lãng phí để kịp thời có biện pháp xử lý, đưa ra xét xử công khai, minh bạch, không có vùng cấm, ngoại lệ. Qua đó giúp người dân hiểu đúng về những nỗ lực, cố gắng không ngừng của Đảng và Nhà nước, cũng như những khó khăn, thách thức trong việc ngăn chặn, xử lý triệt để vấn nạn này.
Thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động ra sức khai thác những hạn chế nêu trên để vu khống, xuyên tạc, bôi nhọ Đảng và Nhà nước. Như việc rêu rao rằng lãng phí cũng như tham nhũng là “căn bệnh cố hữu” của nhà nước Việt Nam, bởi đó là “nhà nước độc quyền”; Đảng và Nhà nước Việt Nam hô hào chống lãng phí chỉ là khẩu hiệu, hình thức, chiêu bài để mị dân, lừa phỉnh lấy lòng dân; công cuộc chống lãng phí của Việt Nam chỉ như “cóc bỏ đĩa”, không bao giờ có hiệu quả, thậm chí còn giúp cán bộ quan chức lợi dụng cơ hội để gia tăng tham nhũng, trục lợi; người dân chẳng được lợi ích gì từ phong trào chống lãng phí hình thức đó, thậm chí còn tiêu tốn, lãng phí thêm tiền của của nhân dân.
Thế nhưng, trước việc cơ quan chức năng xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng ở Việt Nam, các đối tượng lập tức bịa đặt sai sự thật rằng cơ quan chức năng chỉ phanh phui, khuyếch đại những vụ việc lãng phí vụn vặt, nhỏ lẻ để quảng cáo, ghi thành tích, còn những vụ việc lớn, nghiêm trọng, liên quan đến quan chức thì phớt lờ hoặc xử lý cho qua, cho có,... Mục đích của những luận điệu xuyên tạc, vu khống trắng trợn trên là nhằm bôi nhọ, hạ thấp uy tín, phủ nhận năng lực lãnh đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Mục tiêu lớn hơn, thâm độc hơn là nhằm làm mất lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước, từ đó các đối tượng rắp tâm thực hiện mưu đồ chính trị phản động, lôi kéo dân chống phá Nhà nước, lật đổ Đảng, xóa sổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Thực tế những kết quả mà Việt Nam đã đạt được trong công cuộc đấu tranh phòng chống lãng phí là bằng chứng thuyết phục để bác bỏ những luận điệu bịa đặt, xuyên tạc nêu trên. Theo báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ, mỗi năm ngân sách nhà nước đều thu về nhiều nghìn tỷ đồng từ tiết kiệm chi tiêu công, cắt giảm đầu tư công; thu hồi nhiều công trình, dự án bỏ hoang, lãng phí ở một số tỉnh, thành phố; giảm thất thoát, sử dụng lãng phí các nguồn tài nguyên quốc gia;...
Như năm 2020, tiết kiệm trong quản lý, điều hành, sử dụng ngân sách nhà nước được khoảng 55.000 tỷ đồng. Năm 2022 tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước được gần 54.000 tỷ đồng. Đáng chú ý trong năm 2024, tổng kinh phí, vốn nhà nước tiết kiệm được là 64.014 tỷ đồng. Công tác quản lý, mua sắm tài sản công, chi tiêu công... được siết chặt, bảo đảm tiết kiệm, chống lãng phí.
Đây cũng là năm xử lý, giải quyết được nhiều dự án chậm giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện tinh giản tổ chức bộ máy tại 63 tỉnh, thành phố để giảm bớt chi tiêu công; triển khai thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (có lồng ghép nội dung thanh tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí), phát hiện vi phạm về kinh tế 157.585 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 85.403 tỷ đồng (trong đó thu hồi về ngân sách Nhà nước 20.467 tỷ đồng, thu hồi về tổ chức, đơn vị 64.935 tỷ đồng)...
Những kết quả này đã góp phần tập trung, gia tăng các nguồn lực cho đất nước hoàn thành và vượt 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, góp phần gia tăng tiềm lực, tạo nền tảng vững chắc hơn cho sự vươn mình, bứt phá phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Những kết quả trên đây khẳng định tinh thần nghiêm túc, khẩn trương, quyết liệt và quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước trong việc ngăn ngừa, xử lý, đẩy lùi vấn nạn lãng phí. Những nguồn ngân sách, tài sản, tài nguyên quốc gia... thu được từ công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chính là nguồn lực quan trọng để bổ sung đầu tư, triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Đồng thời giúp gia tăng nguồn lực cho thực hiện an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Trong bối cảnh tiếp tục xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức, diễn biến phức tạp khó lường, hơn lúc nào hết toàn thể nhân dân cần nâng cao cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc thù địch, phản động. Đồng thời quyết tâm, chung sức, đồng lòng, phát huy mọi nguồn lực, thực hiện thắng lợi các mục tiêu lớn của dân tộc: Đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường.
Trước mắt và cấp thiết nhất là phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm đóng góp ý kiến xây dựng dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí để sớm hoàn thiện và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 khóa XV tổ chức vào tháng 10/2025. Việc hoàn thiện cơ sở pháp lý sẽ giúp nâng cao hiệu quả ngăn ngừa, xử lý, đẩy lùi triệt để vấn nạn lãng phí nhằm tập trung, khơi thông các nguồn lực phục vụ cho công cuộc xây dựng phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.