Với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, mục tiêu đến ngày 31/10/2025 cơ bản xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. Đây không chỉ là một chính sách mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà còn là minh chứng cho sự đoàn kết của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong việc chăm lo đời sống cho những người yếu thế, nhất là người có công, hộ nghèo, cận nghèo.
Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Nghị quyết khẳng định một trong những nhiệm vụ trọng tâm đó là phải xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.
Đến Hội nghị Trung ương 10, khóa XIII, Đảng ta tiếp tục ban hành Kết luận số 97-KL/TW ngày 5/10/2024 nêu rõ: Tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo, đẩy mạnh phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”. Nhằm kịp thời triển khai các chủ trương, định hướng của Đảng, ngày 9/11/2024 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 42/CT-TTg về việc đẩy nhanh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước. Trước đó, trong tối 5/10/2024 tại Hà Nội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước về chủ đề “Mái ấm cho đồng bào tôi”.

Chăm lo cho các hộ nghèo ổn định cuộc sống vật chất, tinh thần
Với quyết tâm chính trị mạnh mẽ, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát đã và đang được triển khai tích cực tại các địa phương, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, những địa bàn gặp nhiều khó khăn. Tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ ba của Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát diễn ra vào ngày 10/3/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính quán triệt phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hỗ trợ, nhân dân làm chủ”, khẳng định đây là mệnh lệnh của trái tim, của lương tri và trách nhiệm với cộng đồng; thể hiện sự đền ơn đáp nghĩa với những người đã hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân. Do đó, dứt khoát phải làm bằng được việc này. Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc “5 rõ”: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả. Phương châm này không chỉ thể hiện sự quyết liệt trong triển khai mà còn bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả trong thực hiện.
Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát (Chương trình) thể hiện cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước về công tác bảo đảm an sinh xã hội, xóa nghèo bền vững. Tuy nhiên, Chương trình đang đối mặt với những luận điệu xuyên tạc từ các đối tượng cực đoan, thiếu thiện chí, nhằm bóp méo ý nghĩa nhân văn, gây hoài nghi trong dư luận và cản trở việc thực hiện.
Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát (Chương trình) thể hiện cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước về công tác bảo đảm an sinh xã hội, xóa nghèo bền vững. Tuy nhiên, Chương trình đang đối mặt với những luận điệu xuyên tạc từ các đối tượng cực đoan, thiếu thiện chí, nhằm bóp méo ý nghĩa nhân văn, gây hoài nghi trong dư luận và cản trở việc thực hiện. Các đối tượng thường xuyên sử dụng mạng xã hội để lan truyền thông tin sai lệch, với thủ đoạn tinh vi như cắt ghép hình ảnh, bịa đặt số liệu hoặc giả mạo phát ngôn. Chẳng hạn, một số bài viết lan truyền trên facebook cáo buộc chương trình là “vỏ bọc trục lợi”, “kinh phí bị chia chác đến 70%, đến tay người dân chỉ còn rất ít và mang tính hình thức”,…
Những luận điệu này hoàn toàn vô căn cứ khi đối chiếu với thực tế. Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đến hết ngày 11/1, cả nước đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được 88.488 căn (trong đó 48.989 căn nhà đã khánh thành và khởi công mới 35.899 căn nhà). Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ vừa qua, đã có hơn 48 nghìn hộ gia đình được đón Tết trong những ngôi nhà mới khang trang với niềm hạnh phúc. Đây là minh chứng cho hiệu quả triển khai chương trình.
Đặc biệt, Quyết định số 559/QĐ-TTg ngày 10/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ đã minh bạch về việc phân bổ sử dụng nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, với cơ chế giám sát chặt chẽ từ Ban Chỉ đạo các cấp và Mặt trận Tổ quốc. Mọi khoản chi đều được công khai, kiểm toán, bảo đảm không có kẽ hở cho tiêu cực. Với sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng, cùng với phương châm công khai, minh bạch trong quản lý nguồn lực, chương trình đã và đang mang lại những kết quả thiết thực, được nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao.
Đáng mừng là trong quá trình triển khai Chương trình, nhiều địa phương đã có những cách làm sáng tạo, thể hiện tinh thần trách nhiệm và linh hoạt trong huy động nguồn lực, phấn đấu “về đích” trước kế hoạch. Như tại Cà Mau đã linh hoạt đa dạng hóa nguồn lực từ ngân sách tỉnh và các nguồn lực trong xã hội để thực hiện chương trình. Thành phố Cà Mau chủ động bổ sung kinh phí 10 triệu đồng/căn xây mới và 5 triệu đồng/căn sửa chữa, ngoài nguồn hỗ trợ của tỉnh. Huyện Trần Văn Thời đã huy động đoàn viên, thanh niên hỗ trợ ngày công, ưu tiên triển khai sớm với các hộ neo đơn, già yếu.
Còn huyện Năm Căn lập 10 đội tình nguyện, cung cấp thêm vật tư xây dựng. Huyện Thới Bình vận động gần 1 tỷ đồng từ các nhà hảo tâm để hỗ trợ hộ thiếu vốn đối ứng. Tại tỉnh Hà Giang, địa phương đã bố trí mặt bằng sạch, tổ chức nơi ở tạm cho hộ dân trước khi xây dựng và lập đội thanh niên vận chuyển vật liệu. Còn tại Bắc Giang đã phát động phong trào xã hội hóa, huy động lực lượng công an, quân đội hỗ trợ “chìa khóa trao tay” cho hộ khó khăn, hoàn thành 1.351/1.393 căn nhà tính đến tháng 10/2024, đạt 96,98% kế hoạch.
Tỉnh Gia Lai kết hợp xóa nhà tạm, nhà dột nát đồng thời với hỗ trợ công trình phụ như chuồng trại, giúp hộ nghèo phát triển kinh tế lâu dài. Những kết quả nêu trên ở các địa phương phần nào minh chứng cho sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, góp phần thắp sáng tinh thần nhân văn “lá lành đùm lá rách”, “tương thân, tương ái” của dân tộc Việt Nam.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu hoàn thành hơn 101 nghìn căn nhà từ nay đến cuối năm 2025 thì bình quân mỗi ngày cả nước phải xóa 459 căn nhà tạm, nhà dột nát. Trong khoảng thời gian không còn dài, cùng với áp lực về tiến độ, chương trình hiện cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, vướng mắc. Đó là một số địa phương còn chậm trong việc rà soát, phê duyệt nhu cầu hỗ trợ, dẫn đến thiếu cơ sở dữ liệu chính xác để triển khai. Vấn đề đất đai cũng là một trở ngại lớn, đặc biệt tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi giao thông khó khăn và người dân sinh sống phân tán.
Ngoài ra, một số địa phương vẫn còn mang tâm lý trông chờ vào nguồn lực từ Trung ương, thiếu chủ động trong huy động nguồn lực tại chỗ. Trước tình trạng này, ngay từ đầu năm, tại phiên họp ngày 12/1/2025 đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thẳng thắn phê bình 9 địa phương chưa quyết liệt, trách nhiệm chưa cao, chưa ban hành kế hoạch hành động, chưa nghiêm túc báo cáo, thống kê theo quy định.
Đồng thời Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn về tiêu chí xác định nhà tạm, nhà dột nát cũng như phương án sử dụng kinh phí hỗ trợ. Cùng với đó, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tập trung vào việc kiện toàn Ban Chỉ đạo, sửa đổi quy chế hoạt động và xây dựng chương trình công tác năm 2025; các địa phương rà soát, đề xuất điều chỉnh kinh phí hỗ trợ phù hợp với thực tế, có biện pháp đa dạng hóa nguồn lực trong xã hội... Những giải pháp này không chỉ nhằm bảo đảm tiến độ đặt ra mà còn là điều kiện quan trọng để Chương trình được thực hiện một cách bền vững, tránh thất thoát, lãng phí và tiêu cực.
Với sự vào cuộc rốt ráo của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương, cùng sự chung tay của cộng đồng, Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đang dần hiện thực hóa mục tiêu “an cư lạc nghiệp” cho hàng trăm nghìn hộ gia đình, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Trước những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các đối tượng cực đoan, thiếu thiện chí, chúng ta không được phép chủ quan.
Để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn với những luận điệu sai trái, nhiệm vụ đặt ra với cơ quan chức năng là phải kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng đưa thông tin không đúng sự thật, bóp méo ý nghĩa nhân văn của Chương trình. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về ý nghĩa, hiệu quả của Chương trình cần được đẩy mạnh hơn nữa.
Thực tế tại những bản làng xa xôi, nhiều người dân đang sống trong những ngôi nhà tạm, nhờ sự hỗ trợ của Chương trình, nay dọn về ở trong những ngôi nhà mới khang trang, cuộc sống từng bước khởi sắc. Những kết quả này rất cần được truyền tải rộng rãi để tạo sự đồng thuận, khơi dậy tinh thần đoàn kết và trách nhiệm cộng đồng, và đây cũng là một phần của chiến lược giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân và những giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, mục tiêu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát vào ngày 31/10/2025 là hoàn toàn khả thi.