Đẩy nhanh xây dựng nhà ở cho các gia đình chính sách

Đến hết tháng 2/2025, tỉnh Thái Bình đã có 322/358 nhà ở cho người nghèo, cận nghèo được hoàn thành xây dựng theo Đề án hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2025; có 169/866 căn nhà đã tổ chức khởi công xây mới và sửa chữa theo Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ về nhà ở trên địa bàn tỉnh năm 2025. Cả hai đề án nêu trên đều có mức kinh phí, hỗ trợ 100 triệu đồng/hộ xây mới nhà và 50 triệu đồng/hộ sửa chữa nhà ở.
0:00 / 0:00
0:00

Để các đề án triển khai có hiệu quả, đúng tiến độ đề ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình yêu cầu chính quyền các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng chức năng rà soát, thành lập các tổ kiểm tra chính xác số liệu hộ gia đình tiếp tục khởi công xây mới và sửa chữa nhà ở; việc khởi công xây dựng các công trình diễn ra chậm nhất trước ngày 30/4/2025. Đối với những trường hợp đăng ký sửa chữa nhà ở, trong quá trình thực hiện buộc phải xây mới thì chính quyền địa phương cần có biên bản xác minh.

Tỉnh Thái Bình giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng thụ hưởng.

Bắc Ninh đạt 3/5 tiêu chuẩn trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Qua rà soát, đến nay tỉnh Bắc Ninh đã đạt 3/5 tiêu chuẩn quy định của thành phố trực thuộc Trung ương về: quy mô dân số, diện tích tự nhiên, đơn vị hành chính. Hiện tại, Sở Nội vụ Bắc Ninh đang khẩn trương phối hợp với đơn vị tư vấn lập và thẩm định Đề cương - Dự toán Đề án thành lập thành phố Bắc Ninh trực thuộc Trung ương, dự kiến báo cáo Đề cương chi tiết Đề án trình Đảng bộ Chính phủ trong tháng 5 và báo cáo Bộ Chính trị trong tháng 6/2025; phấn đấu trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Đề án Thành lập thành phố Bắc Ninh trực thuộc Trung ương vào quý II/2026; dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thông qua vào quý IV/2026.

Theo đó, đối với Đề án công nhận đô thị Bắc Ninh đạt tiêu chí loại 1, qua đánh giá sơ bộ của Sở Xây dựng Bắc Ninh theo Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15, tỉnh đạt 77,36 điểm; trong đó có 4/5 tiêu chí đã đạt. Riêng tiêu chí vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế-xã hội chưa đạt. Theo lộ trình, Bắc Ninh phấn đấu đến cuối năm 2026 sẽ chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm: hai quận Bắc Ninh và Từ Sơn, hai thành phố Tiên Du và Yên Phong, hai thị xã Thuận Thành và Quế Võ và hai huyện Gia Bình và Lương Tài.

Hải Phòng phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Đẩy nhanh xây dựng nhà ở cho các gia đình chính sách ảnh 1

Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là giải pháp quan trọng để thành phố Hải Phòng phát triển nhanh, bền vững.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, Hải Phòng giữ vững vị trí tốp 3 toàn quốc trở lên về Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) và phấn đấu lọt tốp 200 thành phố có Chỉ số hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn cầu; nâng tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt hơn 40%... Thành phố xác định lấy khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực, là mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội bền vững, tạo ra các giá trị tăng trưởng mới từ kinh tế số với ba trụ cột kinh tế: công nghệ cao, cảng biển-logistics, du lịch-thương mại… Hải Phòng đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; trong đó thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quyết liệt hoàn thiện thể chế, xóa bỏ các rào cản, tạo lợi thế cạnh tranh, tăng cường đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…

Gần 15% diện tích lúa xuân tại Nam Định cấy bằng máy

Vụ xuân năm 2025, tỉnh Nam Định gieo cấy hơn 70.000 ha lúa, trong đó gần 15% diện tích được nông dân các địa phương áp dụng cấy máy-mạ khay, tăng hơn 5% so với vụ xuân năm 2024. Tiêu biểu là huyện Hải Hậu, diện tích cấy máy-mạ khay đạt 1.000 ha; có nhiều xã có tới 60-70% diện tích cấy máy-mạ khay, như: Hải Đông, Hải Hưng, Hải Trung, Hải Xuân, Hải An.

Đây là kết quả từ nỗ lực của ngành chức năng, các huyện, xã thuộc tỉnh Nam Định, nhất là các hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp trong việc thúc đẩy mạnh cơ giới hóa trong cấy lúa, tối ưu hóa chi phí sản xuất; tạo tiền đề để khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất, không để ruộng hoang hóa, thúc đẩy tạo các chuỗi liên kết, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Nhiều học sinh vi phạm lỗi khi tham gia giao thông

Theo Công an tỉnh Hải Dương, trong 2 tháng đầu năm, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý 821 học sinh vi phạm giao thông, phạt tiền hơn 853 triệu đồng, tạm giữ 357 phương tiện (gồm 219 xe mô-tô, 138 xe gắn máy, xe máy điện). Nhiều học sinh đồng thời vi phạm nhiều lỗi khi tham gia giao thông.

Trong số các trường hợp vi phạm, có 3 trường hợp học sinh vi phạm nồng độ cồn, 7 trường hợp vi phạm tốc độ, 191 trường hợp chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện, 11 trường hợp không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, 450 trường hợp không đội mũ bảo hiểm… Có 74 trường hợp phụ huynh bị xử phạt do giao xe cho người chưa đủ điều kiện.