Lợi dụng quy chế tự công bố
Một điều dễ nhận thấy là tại khu vực chung quanh các bệnh viện (BV), từ Nội tiết T.Ư hay Phụ sản Hà Nội, BV Nhi T.Ư, BV E… đều dễ dàng mua được các sản phẩm sữa dinh dưỡng, nhưng không phải người bán nào cũng nắm được nguồn gốc của chúng. Chị N.T.H bán tạp hóa trên phố Trần Cung, ngay trước cổng BV E nói: “Các nhà phân phối đưa hàng cho chúng tôi và nói sữa sản xuất tại Việt Nam nhưng công nghệ và dây chuyền nhập từ Hàn Quốc (!)”. Trong khi đó, anh L.L.A đang nằm điều trị tại Khoa Phẫu thuật Thận Tiết niệu và Nam học (BV E) cho biết: “Tôi nằm viện và được sử dụng các sản phẩm sữa, cũng tự hỏi không biết các sản phẩm sữa này đã được kiểm tra hay chưa? Người tiêu dùng như chúng tôi thật sự mong muốn các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra để còn yên tâm sử dụng!”.
Bà B.T.T, người thường xuyên xem quảng cáo của người nổi tiếng về sữa dành cho người tiểu đường và đã mua rất nhiều loại khác nhau vì tin vào người nổi tiếng quảng cáo, cho biết: “Họ biết cả số mã thẻ bảo hiểm của mình và chào hàng. Thế nên tôi tin tưởng đặt ba liệu trình: 1 liệu trình 6 lon có giá hơn 2 triệu đồng. Sang liệu trình thứ 3 thì công an thông báo, đó là sản phẩm giả chỉ toàn bột tre và họ đến thu hồi vỏ lon…”.
Theo cơ quan điều tra, từ tháng 8/2021 đến nay, Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood và Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma đã sản xuất, kinh doanh 573 nhãn hiệu sữa bột giả các loại, thu lợi gần 500 tỷ đồng. Nguy hiểm ở chỗ, một số nhãn sữa đã được nghệ sĩ, MC, diễn viên… nổi tiếng quảng cáo rầm rộ làm cho người tiêu dùng tin tưởng. Cơ quan Công an cho biết, các thành phần được công bố như chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... hoàn toàn không có trong các loại sữa giả trên. Các đối tượng đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm một số chất phụ gia. Cơ quan Công an xác định, sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả.
Theo quy định của Luật An toàn thực phẩm (ATTP), việc quản lý ATTP sẽ thuộc các bộ Y tế, Nông nghiệp và Môi trường, Công thương và các UBND các cấp. Nghị định 15 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã có nhiều quy định quản lý thực phẩm theo hướng đơn giản hóa hồ sơ, trình tự thủ tục và các giấy tờ. Trong đó quan trọng nhất là giấy tờ công bố sản phẩm. Nếu cá nhân, doanh nghiệp tự công bố như đồ uống, sữa đóng gói thì sẽ phải thực hiện tự công bố sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Còn với các sản phẩm bắt buộc phải đăng ký công bố như sản phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm dinh dưỡng, y học thì phải thực hiện bản đăng ký công bố với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
“Như vậy, mặt tích cực, cơ chế tự công bố đã để doanh nghiệp chủ động. Tuy nhiên, quy chế này lại trở thành công cụ để hợp pháp hóa những mặt hàng như hàng giả, hàng kém chất lượng. Với doanh nghiệp có vai trò cung cấp thực phẩm ra thị trường mà không ý thức được đạo đức kinh doanh và sự quan trọng của thực phẩm khi vào cơ thể con người thì sẽ phát sinh vấn đề tiêu cực. Họ đặt mục tiêu lợi nhuận và điều đó tác động trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng con người. Đó là điều đáng báo động!”, luật sư Nguyễn Hồng Bách, Công ty luật Hồng Bách và cộng sự cảnh báo.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là trao cho doanh nghiệp cơ chế chủ động tự công bố, nhưng vấn đề hậu kiểm lại đặt ra nhiều câu hỏi: Phải chăng hoạt động thanh tra, kiểm tra thực tế chưa tốt nên mới để xảy ra những sự việc hàng giả, hàng kém chất lượng được tiêu thụ tràn lan trên thị trường(?). “Trang thiết bị liên quan đến hậu kiểm hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu để bảo đảm được chất lượng hàng hóa tiêu thụ trên thị trường. Ngoài ra, vấn đề thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm được các cơ quan chức năng tổ chức định kỳ khiến doanh nghiệp có thể biết trước để tìm cách né tránh. Còn có tình trạng bao che, tiếp tay để doanh nghiệp làm sai. Chính vì vậy, thị trường mới nhiều hàng giả và tình trạng kéo dài đến 3-4 năm, bây giờ mới phát hiện”, luật sư Nguyễn Hồng Bách, Công ty luật Hồng Bách và cộng sự nhận xét.
Ảnh hưởng tới thể lực, trí tuệ của trẻ em
Ngày 15/4, Bộ Y tế cung cấp thông tin liên quan đến vụ việc sản xuất, kinh doanh sữa giả. Với vai trò là thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành T.Ư về ATTP, hằng năm, Bộ Y tế đều xây dựng và ban hành kế hoạch hậu kiểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm làm cơ sở cho các bộ, ngành và địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch của mình; phối hợp liên ngành để xử lý nghiêm các hành vi quảng cáo sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng khẳng định, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Công an tiến hành kiểm tra định kỳ và đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo thẩm quyền; phối hợp trong các hoạt động chuyên môn, cung cấp hồ sơ, giấy tờ liên quan để cơ quan công an làm căn cứ khởi tố vụ án, đặc biệt trong các vụ án sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm có chứa chất cấm.
Hằng năm, Cục An toàn thực phẩm có các văn bản chỉ đạo Sở Y tế các địa phương, Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh triển khai công tác hậu kiểm ATTP trên địa bàn. Ngoài ra, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất tăng chế tài xử lý vi phạm hành chính về ATTP đối với các nhóm hành vi hay vi phạm.
Hiện, Bộ Công an đang đề xuất sửa đổi Bộ luật Hình sự đối với các hành vi liên quan đến ATTP. Đây sẽ là công cụ hữu hiệu để xử lý nghiêm minh các đối tượng cố tình sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, không bảo đảm an toàn. Riêng đối với vụ việc sản xuất, buôn bán và tiêu thụ sữa bột giả có quy mô lớn, hoạt động trên địa bàn TP Hà Nội và các tỉnh lân cận, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã khởi tố vụ án. Vụ việc đang trong quá trình điều tra, Bộ Y tế đã và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an về các vấn đề chuyên môn để Bộ Công an có căn cứ xử lý đúng pháp luật, truy cứu rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo PGS, TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế), sữa làm giả từ thành phần, nhãn mác đến bao bì gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng trẻ em. Số lượng sữa giả lớn như vậy được tiêu thụ trên thị trường sẽ gây ra những hệ quả khôn lường...
Còn về thành phần dinh dưỡng trong sữa, nếu không bảo đảm đủ vi chất dinh dưỡng, lượng dinh dưỡng như năng lượng, protein, lipid, gluxit… thì rõ ràng, lâu dài, những đứa trẻ và bà mẹ mang thai (những đứa trẻ trong bụng) sử dụng những sản phẩm như vậy sẽ dẫn đến hậu quả: Thiếu vi chất dinh dưỡng, không bảo đảm sự tăng trưởng, phát triển của đứa trẻ, đặc biệt trẻ dưới 2 tuổi. Đối với bệnh nhân bị bệnh nền, phải nằm viện khi uống phải sữa giả thì các triệu chứng bệnh tật sẽ càng tăng lên. “Trường hợp bệnh nhân và trẻ em đã uống phải sữa giả thì cần được kiểm tra sức khỏe và xem thiếu vi chất dinh dưỡng gì để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng của đứa trẻ kịp thời”, bà Mai khuyến cáo.
Từ năm 2021-2024, tức là chỉ trong 4 năm, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, xử lý gần 800 vụ việc liên quan đến hàng hóa nói chung và sữa giả nói riêng, xử phạt với tổng số tiền hơn 2,2 tỷ đồng. Trong số đó, chỉ tính riêng Hà Nội đã kiểm tra, xử phạt 53 vụ việc, tịch thu tiêu hủy khoảng 6.000 lon, hộp, chai và chuyển 2 vụ việc sang cơ quan điều tra.