Nằm bên bờ sông Cà Lồ, xã Thụy Lâm trước đây (nay là xã Thư Lâm) hầu như toàn bộ diện tích gieo cấy lúa mùa của xã đều dành canh tác giống nếp cái hoa vàng thơm ngon, diện tích gieo cấy lên đến hơn 500ha.
Gạo nếp cái hoa vàng Thụy Lâm có đặc điểm hạt tròn, mẩy, khi nấu trong veo, bóng, có mùi thơm đặc trưng, dẻo, mềm nhưng không nát và rất đậm vị. Xôi hay bánh chưng được làm từ gạo nếp cái hoa vàng có độ mềm, để lâu không bị khô cứng như một số giống lúa nếp khác.
Từ bao đời nay, người dân nơi đây đã gắn bó với giống nếp cái hoa vàng mà ông cha để lại. Trải qua nhiều năm, khi phương thức canh tác theo cách truyền thống bộc lộ nhiều hạn chế, năm 2010, ngành chức năng đã hướng dẫn người trồng nếp cái hoa vàng Thụy Lâm chuyển đổi sang canh tác lúa theo phương pháp thâm canh lúa cải tiến (SRI). Từ đây, tư duy sản xuất của bà con đã có sự thay đổi mạnh mẽ.
SRI là phương pháp canh tác lúa sinh thái vừa có năng suất, chất lượng cao, vừa giảm chi phí đầu vào các khâu: giống, phân bón, thuốc trừ sâu, nước tưới. Cây lúa cấy thưa, ruộng thoáng, hạn chế tối đa việc phát sinh sâu bệnh, số lần phun thuốc bảo vệ thực vật giảm đi rất nhiều.
Bà con giống như “bác sĩ” trên đồng ruộng, tự chẩn đoán sâu bệnh và đưa ra “phác đồ” điều trị phù hợp.
Nhờ nắm bắt đúng kỹ thuật sản xuất, bà con đã không còn lạm dụng phân bón vô cơ, thay vào đó là cách bón phân hợp lý, sử dụng hài hòa giữa phân hữu cơ và vô cơ. Đầu vào được tiết kiệm đáng kể trong khi chất lượng lúa ngày càng nâng cao.
Trước đây mỗi sào chỉ cho thu hoạch 1,2 tạ, canh tác theo SRI năng suất được cải thiện duy trì ổn định ở mức 1,8 tạ/sào; với giá bán khoảng 40 nghìn đồng/kg, nếp cái hoa vàng Thụy Lâm cho thu nhập cao hơn từ 2-3 lần so với việc canh tác các giống lúa khác.
Nhờ vào phẩm chất gạo thơm ngon, đạt chất lượng cao, năm 2013, sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng của xã Thụy Lâm đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp nhãn hiệu tập thể. Tiếp đến năm 2019, gạo nếp cái hoa vàng của Hợp tác xã Nông nghiệp Thụy Lâm được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thụy Lâm Nguyễn Thị Cúc cho biết, từ khi được chứng nhận là sản phẩm OCOP, sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng Thụy Lâm được hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thiết kế bao bì, nhãn mác, hỗ trợ tem OCOP có gắn mã QR. Nhờ vậy, sản phẩm của chúng tôi được người tiêu dùng yên tâm, tin tưởng và biết tới nhiều hơn.
Hiện nay, nếp cái hoa vàng Thụy Lâm được tiêu thụ ở nhiều siêu thị, các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch. Tuy nhiên, hợp tác xã mới chỉ bao tiêu được một phần nhỏ.
Bà Cúc cho biết thêm, sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng Thụy Lâm hiện đang “ngấp nghé” trở thành sản phẩm OCOP 4 sao. Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới bên cạnh việc hỗ trợ các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, cơ quan chức năng tiếp tục hỗ trợ bà con các biện pháp canh tác an toàn, xây dựng các mô hình sản xuất phân hữu cơ trong nông hộ để bà con tận dụng phụ phẩm nông nghiệp chăm bón cho cây. Đồng thời, hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, theo hướng hữu cơ.
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, đến tháng 6/2025, thành phố có 3.463 sản phẩm OCOP được đánh giá từ 3 sao đến 5 sao. Chất lượng các sản phẩm OCOP ngày càng được nâng cao khi các chủ thể OCOP ngày càng chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm từ việc đổi mới trang thiết bị sản xuất, xây dựng chỉ dẫn địa lý đến việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, thiết kế bao bì…
Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề, chiếm 40% làng nghề cả nước. Thành phố còn có 1.336 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động; 1.574 trang trại; 172 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm; hơn 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao, hơn 14 nghìn sản phẩm nông, lâm, thủy sản đã được cấp mã truy xuất nguồn gốc (QRCode). Đây là những tiềm năng lợi thế rất thuận lợi để Hà Nội triển khai thực hiện chương trình OCOP.
Đến nay, thành phố đã phát triển được 110 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Hà Nội còn thường xuyên tổ chức các sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng miền cũng như các tuần hàng tư vấn, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm...
Để tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm OCOP, thời gian tới cơ quan chức năng thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới phân phối, gia tăng số điểm bán OCOP tại đô thị.
Bên cạnh đó, tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ các chủ thể OCOP trong việc nâng cao năng lực, xây dựng thương hiệu, nâng cấp bao bì, truy xuất nguồn gốc, kiểm định chất lượng… tạo nên các sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.