Mô hình lúa Sri

Trình diễn SRI tại Mỹ Đức (Hà Nội).
Trình diễn SRI tại Mỹ Đức (Hà Nội).

Thực tế mô hình SRI

Tại Ðồng Phú, một xã thuần nông thuộc huyện Chương Mỹ (Hà Nội), cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào cây lúa và rau màu. Trước đây, việc sản xuất lúa chủ yếu theo kinh nghiệm nên năng suất không cao, lợi nhuận thấp. Từ khi nông dân được hướng dẫn áp dụng phương pháp thâm canh lúa cải tiến (SRI), năng suất lúa đã cao hơn hẳn, thu nhập của nông dân theo đó cũng tăng lên. Bà Nguyễn Thị Bún ở đội 1 kể: "Tôi chỉ có ba sào ruộng nhưng do nhà neo người, cho nên mỗi khi vào vụ gia đình rất vất vả, mất rất nhiều thời gian trong việc gieo cấy, chăm sóc mà hiệu quả vẫn không cao. Từ khi áp dụng phương thức canh tác SRI, trồng lúa đã không còn là gánh nặng với chúng tôi nữa". Ðến nay, bà Bún đã áp dụng SRI được sáu vụ, năng suất tăng dần theo kinh nghiệm canh tác. Bà cho biết thêm: "Sau vụ đầu tiên thử nghiệm, tôi đã tin SRI thật sự có hiệu quả. Những năm trước, tôi cấy lúa và bón phân theo cách thông thường, năng suất cao nhất chỉ đạt 2 tạ/sào, nhờ áp dụng SRI, hiện năng suất đạt 2,1-2,5 tạ/sào".

Do địa thế của xã Hợp Tiến (Mỹ Ðức) là vùng sâu, trũng, nên cứ đến vụ chiêm là cánh đồng ngập nước, lúa bị đổ. Nông dân trong xã không  vất vả khi gặt lúa, mà năng suất lúa lại thấp. Xã đã vận động nhân dân áp dụng mô hình SRI. Từ diện tích thí điểm hẹp ban đầu, xã đã áp dụng đại trà hơn 85% diện tích canh tác. Vụ xuân năm 2008, năng suất lúa của xã đạt 63,48 tấn/ha, tăng 9,52 tấn/ha so với cách canh tác cũ. Thực tế chứng minh khi áp dụng SRI, lượng giống sẽ giảm được 70%; lượng đạm giảm 30%; lượng thuốc bảo vệ thực vật giảm gần như bằng 0, lợi nhuận tăng từ 7 đến 10 triệu đồng/ha. Nếu tính lợi nhuận tăng trung bình 5 triệu đồng/ha cho toàn bộ diện tích lúa của cả thành phố là 103.000 ha thì sẽ có lợi hàng trăm tỷ đồng.

Mô hình hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI) là biện pháp ứng dụng kỹ thuật mới để giảm mật độ gieo cấy, giảm nước tưới, giảm phân hóa học và thuốc trừ sâu nhằm tăng năng suất lúa và hiệu quả kinh tế. So với biện pháp canh tác truyền thống, thực hiện mô hình SRI giúp nông dân giảm

chi phí sản xuất, tăng giá trị 1,1 triệu đồng/ha. Theo ông Ngô Tiến Dũng, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT): "Áp dụng SRI giúp nông dân giảm được hơn 70% lượng giống; 30% u-rê và hầu như không cần dùng thuốc bảo vệ thực vật, lợi nhuận tăng từ 7 đến 10 triệu đồng/ha. So với tập quán canh tác cũ, ruộng lúa áp dụng SRI rất ít bị sâu bệnh gây hại".

Làm gì để thay đổi tập quán canh tác của nông dân?

Trước đây, nói đến thâm canh là làm đất phải cày sâu bừa kỹ, cấy thẳng hàng. Nhưng hiện nay, ứng dụng hệ thống SRI là sự tác động tổng hợp các biện pháp, kỹ thuật như cấy mạ non, mật độ cấy thưa, tưới nước đủ ẩm. Mô hình nhằm hai mục đích chính là giảm chi phí sản xuất; nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích gieo trồng. Theo cách thức thâm canh mới, cây lúa sẽ phát huy tối đa khả năng sinh trưởng, phát triển và có năng suất cao. Ứng dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến, nhiều nước trên thế giới đã thu được năng suất đạt hơn 80 tạ/ha. SRI được giới thiệu vào Việt Nam từ năm 2003 và thực hiện thí điểm ở một số tỉnh đồng bằng, trung du và miền núi phía bắc. Ðến nay, SRI đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là một tiến bộ kỹ thuật.

Ðể nâng cao năng suất, sản lượng lúa, giảm chi phí "đầu vào", giảm tác động tiêu cực đến môi trường, nhiều địa phương đã áp dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI). Mặc dù chứng minh được ưu thế hơn hẳn so với phương pháp sản xuất cũ, nhưng đến nay việc áp dụng SRI vào canh tác vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do thói quen canh tác cũ. Tuy SRI cho hiệu quả thấy rõ nhưng để thuyết phục nông dân áp dụng trên diện rộng lại không hề đơn giản. Bà Lê Nguyệt Minh, đại diện Oxfam tại Việt Nam cho rằng: "Nông dân Việt Nam có điều kiện để áp dụng SRI rộng rãi nhưng điều quan trọng là phải thay đổi nhận thức của họ, làm sao để họ tin tưởng vào phương pháp canh tác mới và hiệu quả này. Theo tôi, các cấp, ban, ngành cần tích cực triển khai các lớp tập huấn kỹ thuật, giúp bà con làm quen, thích ứng với cách làm mới".

 Ðể thuyết phục nhân dân áp dụng SRI tại xã Hợp Tiến (Mỹ Ðức), ngoài làm mẫu 3 ha, lãnh đạo xã còn phải ký cam kết đền bù thiệt hại cho các hộ tiên phong thực hiện nếu mô hình cho năng suất không cao hơn các năm trước. Chị Hoàng Thị Liên, nông dân xã Ðồng Phú, tuyên truyền viên tích cực cho SRI cho biết, sau vài vụ làm công tác khuyến nông vất vả, nay rất nhiều nông dân trong xã đã ứng dụng thành thạo SRI, không những thế, họ còn hướng dẫn người khác cùng làm. 

HÀ QUẢNG

Có thể bạn quan tâm

back to top