Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo vừa được Quốc hội thông qua xác định doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo với nhiều chính sách ưu đãi về tài chính, thuế, đất đai... nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh. Hành lang pháp lý mới này được kỳ vọng sẽ “tiếp sức” doanh nghiệp tự tin bứt phá, dẫn dắt hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.
Trao thêm quyền cho doanh nghiệp
Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo dành một chương riêng quy định các chính sách thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.
Theo đó, doanh nghiệp được trao quyền và khuyến khích đầu tư cho nghiên cứu phát triển, không chỉ bằng nguồn lực của mình mà còn được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thông qua các chính sách “mồi” tài chính, theo nguyên tắc “Nhà nước chi 1 đồng để thu hút 3-4 đồng từ doanh nghiệp”.
Bên cạnh đó, Luật cho phép doanh nghiệp được hạch toán các khoản chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển như chi phí sản xuất, kinh doanh, không còn giới hạn mức tối đa (trước đây là khoảng 1% doanh thu và chỉ áp dụng với doanh nghiệp có lãi). Các khoản chi này còn được tính khấu trừ thuế với hệ số ưu đãi vượt trội là 150% và có thể lên đến 200% nếu đầu tư vào công nghệ chiến lược. Thêm vào đó, doanh nghiệp có lãi được trích tối đa 5% lợi nhuận trước thuế để lập quỹ đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo.
Chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn, hỗ trợ các khởi nghiệp sáng tạo nghiên cứu phát triển công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới. Ngoài ra, Nhà nước còn có chính sách ưu tiên mua sắm sản phẩm khoa học, công nghệ của doanh nghiệp trong nước.
Đổi mới thực chất luôn đi kèm rủi ro tiềm ẩn, cần cơ chế bảo vệ những sáng kiến chưa có tiền lệ để doanh nghiệp dám làm điều mới. Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp yên tâm hơn trong quá trình nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới, từ đó tạo ra sản phẩm đột phá, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
(Bà Mai Thị Thanh Oanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cốc Cốc)
Bà Mai Thị Thanh Oanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cốc Cốc nhận định, đây là bước chuyển về tư duy quản lý, một tín hiệu rất tích cực từ “kiểm soát rủi ro” sang “kiến tạo không gian đổi mới sáng tạo”. Đổi mới thực chất luôn đi kèm rủi ro tiềm ẩn, cần cơ chế bảo vệ những sáng kiến chưa có tiền lệ để doanh nghiệp dám làm điều mới. Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp yên tâm hơn trong quá trình nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới, từ đó tạo ra sản phẩm đột phá, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Một trong những nội dung được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm là nguyên tắc không xử lý trách nhiệm nếu tuân thủ đúng quy trình, quy định. Bà Oanh cho rằng, đây là điểm tựa pháp lý để những doanh nghiệp như Cốc Cốc mạnh dạn đầu tư dài hạn vào các dự án thử nghiệm phát triển sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) tiếng Việt, tìm kiếm thông minh hay nền tảng dữ liệu lớn nội địa.
Đồng quan điểm trên, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, Quốc hội thông qua Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo và các luật liên quan tạo nhiều cơ chế, chính sách đột phá để kiến tạo không gian cho doanh nghiệp phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như: Tăng nguồn quỹ phát triển khoa học, công nghệ lên tối đa 20% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp; mở rộng phạm vi sử dụng quỹ phát triển khoa học, công nghệ để đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức nghiên cứu, thuê nghiên cứu tại nước ngoài.
Bên cạnh đó, hỗ trợ phát triển công nghệ chiến lược thông qua mua, sáp nhập công ty để sở hữu bí quyết công nghệ, được chỉ định nhà cung cấp và áp dụng đàm phán giá để mua công nghệ, sản phẩm, thiết bị; hỗ trợ doanh nghiệp thu hút nhân sự chất lượng cao; bảo vệ cá nhân, tổ chức yên tâm triển khai nhiệm vụ khoa học, công nghệ…
Với khung khổ pháp lý mới, các doanh nghiệp sẽ phát huy tối đa vai trò đầu tàu đổi mới sáng tạo, tạo ra những công nghệ, sản phẩm đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số và nâng cao sức cạnh tranh quốc gia trong giai đoạn tới.
(Tiến sĩ Trần Văn Khải)
Theo Tiến sĩ Trần Văn Khải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, với những chính sách tiến bộ này, nhiều kênh hỗ trợ vốn cho đổi mới sáng tạo đã được luật hóa, quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia và địa phương sẽ cung cấp nguồn lực tài chính cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Song song đó, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho phép doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ, mô hình kinh doanh mới dưới sự giám sát của Nhà nước, giúp các công ty công nghệ mạnh dạn tiên phong trong những lĩnh vực mới như AI, blockchain, fintech...
Thậm chí, luật còn miễn trừ trách nhiệm pháp lý cho doanh nghiệp khi thử nghiệm công nghệ mới mà thất bại do yếu tố khách quan, qua đó khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm và chấp nhận rủi ro trong đổi mới sáng tạo.
“Với khung khổ pháp lý mới, các doanh nghiệp sẽ phát huy tối đa vai trò đầu tàu đổi mới sáng tạo, tạo ra những công nghệ, sản phẩm đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số và nâng cao sức cạnh tranh quốc gia trong giai đoạn tới”, Tiến sĩ Trần Văn Khải kỳ vọng.
Cần có hướng dẫn để triển khai
Để những chính sách mới đi vào thực tiễn, nhiều doanh nghiệp cho rằng cần có hướng dẫn triển khai cụ thể, linh hoạt hơn.
Là doanh nghiệp có nhiều hoạt động liên quan dự án và đề tài khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, ông Lê Văn Phương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn cho biết, chính sách mới sẽ tạo điều kiện cho công ty đăng ký tham gia các đề tài khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thuận lợi hơn, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp xanh bền vững và công nghiệp chế biến sâu.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cần được giảm gánh nặng về một số thủ tục để tiết kiệm thời gian, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới sáng tạo hiệu quả hơn.
Thí dụ trong việc cấp hoặc gia hạn giấy phép hoạt động, có thể chuyển sang hình thức kiểm tra thực tế các điều kiện đáp ứng, thay vì yêu cầu doanh nghiệp nộp hàng loạt hồ sơ giấy tờ đã từng nộp trước đây cho cơ quan chức năng.
Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo quy định người trực tiếp tạo ra kết quả nhiệm vụ khoa học, công nghệ có quyền tác giả; tổ chức, cá nhân đóng góp tài chính có quyền sở hữu.
Để thu hút các chuyên gia hàng đầu thế giới về làm việc tại Việt Nam, đại diện Tập đoàn Viettel đề nghị Nhà nước cần ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao theo hướng cho phép chuyên gia được sở hữu, đồng sở hữu các kết quả nghiên cứu, phát minh, sáng chế; được sở hữu hoặc có cổ phần tại các doanh nghiệp hình thành từ kết quả nghiên cứu…
Ngoài ra, cần áp dụng cơ chế Nhà nước đầu tư, doanh nghiệp vận hành các phòng thí nghiệm, cơ sở đo lường, thử nghiệm trọng điểm để đánh giá các sản phẩm công nghệ chiến lược.
Với doanh nghiệp nhỏ và vừa, mọi khoản chi cho đổi mới sáng tạo được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giúp giảm gánh nặng tài chính, khuyến khích đầu tư cho chuyển đổi số, đổi mới công nghệ.
Theo các chuyên gia, đây là cơ hội để doanh nghiệp chủ động nắm bắt, tận dụng cơ hội để đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và tự tin bứt phá.