Hệ thống thủy lợi thúc đẩy sản xuất nông nghiệp

Bài 1: “Mạch máu” nuôi dưỡng những cánh đồng

Những năm qua, trên địa bàn cả nước đã đầu tư xây dựng hàng chục nghìn công trình thủy lợi và hàng trăm nghìn ki-lô-mét kênh mương. Hệ thống thủy lợi đã hình thành và phát triển rộng khắp, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh nguồn nước, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương.

Hệ thống bara Đô Lương được nâng cấp bảo đảm tưới, tiêu cho cây trồng vùng phía bắc Nghệ An.
Hệ thống bara Đô Lương được nâng cấp bảo đảm tưới, tiêu cho cây trồng vùng phía bắc Nghệ An.

Thực tế cho thấy, hệ thống công trình thủy lợi đã và đang là “mạch máu” nuôi dưỡng những cánh đồng khi bảo đảm tưới, tiêu cho hàng triệu héc-ta đất canh tác. Đồng thời, hệ thống thủy lợi còn giúp kiểm soát lũ, ngăn mặn, trữ ngọt, điều hòa dòng chảy, giảm nhẹ tác động biến đổi khí hậu để từng bước đưa nền nông nghiệp nước ta chuyển sang sản xuất hàng hóa, chất lượng cao.

Nhờ các hệ thống công trình thủy lợi, nhiều vùng chủ động được tưới, tiêu, hay những nơi vốn khô cằn, nhiễm phèn, mặn trước đây trở nên trù phú. Điển hình là các hệ thống thủy lợi Bắc Nam Hà, Bắc Hưng Hải và các hồ: Cửa Đạt, Tả Trạch, Dầu Tiếng-Phước Hòa, Cà Giây, Cái Lớn-Cái Bé, cống âu Nguyễn Tấn Thành…

Màu xanh trên vùng đất hạn

Những ngày cuối tháng 7, trong cái nắng chang chang ở vùng đất miền trung, đi trên cánh đồng các xã Thịnh Sơn và Văn Sơn (tỉnh Nghệ An), chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi mầu xanh của những cánh đồng lúa, rau màu, cây ăn quả. Trước đây, những diện tích canh tác này luôn gặp khó khăn do thiếu nguồn nước tưới, cây trồng kém phát triển, nhất là vào giai đoạn mùa khô. Thế nhưng đầu năm 2024, dự án khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An với mức đầu tư 5.200 tỷ đồng khánh thành và đưa vào sử dụng, đã bảo đảm nước tưới ổn định cho 28 nghìn ha đất nông nghiệp, góp phần hồi sinh vùng đất này.

Gặp chúng tôi, anh Nguyễn Công Hải phấn khởi chia sẻ: “Sẵn nguồn nước, gia đình tôi mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng vào hệ thống nhà lưới, áp dụng công nghệ tưới nước tự động, kiểm soát độ ẩm và nhiệt độ. Với diện tích hơn 20 ha, trang trại đang sản xuất các loại dưa lưới, nho hạ đen, nho mẫu đơn, cà chua bi và rau quả hữu cơ được thị trường đón nhận nhờ chất lượng tốt, mẫu mã đẹp. Ngoài ra, gia đình tôi còn chăn nuôi thực phẩm sạch như: Gà thả vườn, trứng gà thảo dược và cá... mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

Nhiều năm qua, nguồn nước hồ Vực Mấu, tỉnh Nghệ An với trữ lượng 75 triệu m3 đi vào hoạt động đã bảo đảm nguồn nước tưới thường xuyên cho sản xuất nông nghiệp của nông dân trong vùng. Nhờ có nguồn nước, vùng sản xuất trước kia vốn khô hạn đã được đánh thức, trở nên màu mỡ, cây trồng xanh tốt, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân.

Trên địa bàn có 1.015 công trình thủy lợi bảo đảm tưới, tiêu cho gần 24.190 ha đất sản xuất, góp phần ổn định sản xuất nông nghiệp và cuộc sống của người dân.

Nguyễn Văn Tới
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Điện Biên

Bà Nguyễn Thị An năm nay 65 tuổi, phường Quỳnh Mai nhớ lại: “Lúc chưa có nước từ hồ Vực Mấu, sản xuất nông nghiệp của nông dân chúng tôi phải nhờ vào nước trời. Những năm khô hạn, lúa vào thời kỳ đẻ nhánh chết đỏ ngoài đồng, phải cắt về cho trâu, bò ăn... Hồ Vực Mấu đi vào hoạt động đã bảo đảm nước tưới cho hơn 4.000 ha đất canh tác, góp phần làm thay đổi cuộc sống người dân. Trước đây, cấy lúa năm được năm mất thì nay năng suất đạt bình quân 60 tạ/ha, bằng với các vùng trọng điểm sản xuất khác”.

Có chút khác biệt, tỉnh Điện Biên - thượng nguồn của nhiều con sông như: Sông Đà, sông Mã và một nhánh sông Hồng nhưng vì độ dốc lớn cho nên hầu hết lượng nước đều theo dòng đổ về xuôi. Bởi vậy, nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân cũng đều trông đợi vào các công trình thủy lợi.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Nguyễn Văn Tới cho biết, trên địa bàn có 1.015 công trình thủy lợi bảo đảm tưới, tiêu cho gần 24.190 ha đất sản xuất, góp phần ổn định sản xuất nông nghiệp và cuộc sống của người dân. Tiêu biểu là hồ chứa nước Pe Luông, xã Thanh Nưa hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2004, bảo đảm tưới cho gần 530 ha lúa, rau màu và nuôi trồng thủy sản.

Bà Nguyễn Thị Thơm, thôn Thanh Bình chia sẻ: “Trước đây, hơn 1 ha lúa của gia đình và hàng chục héc-ta của những hộ dân trong thôn chỉ sản xuất được một vụ/năm. Nhưng nhờ có nguồn nước từ hồ Pe Luông cho nên từ năm 2004 đến nay, người dân đã sản xuất được hai vụ lúa/năm, rau màu trồng được ba vụ, nhờ đó đời sống người dân trong thôn khá giả hơn trước nhiều”. Tương tự, công trình đại thủy nông Nậm Rốm, hoàn thành năm 1965 đã giúp hàng nghìn héc-ta đất ở lòng chảo Mường Thanh trở thành ruộng lúa, vườn khoai. Mặc dù đã qua 60 năm sử dụng, đến nay công trình vẫn bảo đảm cung cấp nước tưới cả năm cho 6.334 ha đất nông nghiệp.

Ngăn mặn, trữ ngọt

Hiện nay, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã hình thành 133 tuyến kênh trục chính với chiều dài 3.190 km và 45.629 kênh từ cấp 1 đến cấp 3 chiều dài 88.521 km... Công trình thủy lợi bảo đảm năng lực phục vụ cho khoảng 3,6 triệu ha trồng lúa/năm, 400 nghìn ha cây ăn quả, 814.676 ha nuôi trồng thủy sản...

Các công trình thủy lợi trong khu vực đã và đang phát huy hiệu quả tốt, phục vụ sản xuất ngày càng đa dạng và dần chủ động kiểm soát mặn.

Nguyễn Hồng Khanh
Phó Cục trưởng Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Môi trường)

Theo Phó Cục trưởng Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi Nguyễn Hồng Khanh (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), các công trình thủy lợi trong khu vực đã và đang phát huy hiệu quả tốt, phục vụ sản xuất ngày càng đa dạng và dần chủ động kiểm soát mặn. Trong đó, cống âu thuyền Ninh Quới giúp kiểm soát mặn, giữ ngọt cho 26.500 ha lúa và cung cấp nước cho 8.500 ha nuôi tôm nước lợ. Ngoài ra, một số công trình đầu tư bổ sung thời gian qua giúp giảm tác động của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và phòng, chống sụt lún, sạt lở như: Các cống Tân Dinh, Bông Bót, Vũng Liêm thuộc hệ thống thủy lợi Nam Mang Thít; cống âu Nguyễn Tấn Thành (Đồng Tháp), cống âu Rạch Mọp (Cần Thơ)...

Cùng với đó, hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé đã chủ động kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững cho các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt-mặn-lợ, ngọt-lợ luân phiên) với diện tích hưởng lợi là 346.241 ha. Hệ thống thủy lợi này còn kết hợp với tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình phòng, chống thiên tai, giảm ngập lụt, úng; kết hợp phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực.

Tương tự tại tỉnh Đồng Tháp, hằng năm có khoảng 43.500ha lúa, hoa màu, cây ăn quả có khả năng bị ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn. Thế nhưng, nhờ có những công trình ngăn mặn, trữ ngọt cho nên nhiều diện tích cây trồng được bảo vệ an toàn. Trước đây, người dân xã Kim Sơn vào mùa khô thường xuyên phải đắp đập tạm để ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất, nhưng từ khi cống âu Nguyễn Tấn Thành hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 10/2024 đã khắc phục hiệu quả vấn đề này.

Gia đình ông Nguyễn Thanh Minh, xã Kim Sơn có 0,8 ha trồng sầu riêng xen canh bưởi, trước đây thường xuyên bị hạn hán, xâm nhập mặn đe dọa, thậm chí năm 2020 vườn cây của gia đình bị thiệt hại hoàn toàn. Ông Minh cho biết: “Người dân chúng tôi rất phấn khởi vì cống âu Nguyễn Tấn Thành đi vào hoạt động giúp ngăn mặn, trữ ngọt và hạn chế sạt lở đất, đặc biệt, nước mặn không còn đe dọa đến vườn cây bên trong khu vực cống. Vì vậy, vườn sầu riêng của gia đình được bảo vệ, nguồn nước tưới đầy đủ nên cây phát triển tốt và cho quả đều”.

Ở vùng dự án ngọt hóa Gò Công (Đồng Tháp) với diện tích sản xuất nông nghiệp khoảng 43.300 ha, nguồn nước ngọt phục vụ chủ yếu lấy qua cống Xuân Hòa. Trong mùa khô năm 2024-2025, khi mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, cống Xuân Hòa đã vận hành lấy gạn khoảng 297 triệu m3 nước ngọt, góp phần bảo vệ hơn 43 nghìn ha lúa, hoa màu, cây ăn quả, cây lâu năm.

Theo ông Nguyễn Quang Thái, xã Tân Điền: “Với diện tích trồng 0,7 ha đất lúa, hằng năm đến mùa hạn, mặn, gia đình tôi phải chuyển từ trồng lúa sang rau màu ngắn ngày. Nhưng từ khi cống Xuân Hòa hoạt động, nước được điều phối hợp lý cho nên hạn, mặn ít ảnh hưởng đến sản xuất, gia đình cũng yên tâm hơn”.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

back to top