Giải pháp an toàn hàng hải

Hệ thống nhận dạng tự động AIS (Automatic Identification System) đã khẳng định hiệu quả trong quản lý, giám sát và bảo đảm an toàn hàng hải. Việc ứng dụng AIS mở ra hướng tiếp cận mới trong quản lý khai thác tài nguyên, góp phần kiểm soát vi phạm, giảm thiểu rủi ro và nâng cao hiệu quả, minh bạch trong quản trị vùng nước.

Nhân viên Bảo đảm an toàn hàng hải Đông Bắc Bộ bảo trì báo hiệu hàng hải.
Nhân viên Bảo đảm an toàn hàng hải Đông Bắc Bộ bảo trì báo hiệu hàng hải.

Công cụ bảo đảm an toàn hàng hải

AIS là một hệ thống thông tin liên lạc an toàn hàng hải được sử dụng để tự động trao đổi thông tin nhận dạng, vị trí, hướng đi, tốc độ và các dữ liệu khác giữa tàu thuyền với nhau, tàu thuyền với báo hiệu hàng hải (những thiết bị, công trình như phao, đèn biển, biển báo chỉ dẫn…). Nhờ đó, các phương tiện có thể nhận biết và tránh va chạm từ xa, nhất là trong điều kiện thời tiết xấu hoặc khuất tầm nhìn.

Ông Nguyễn Hải Nam, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật, Bảo đảm an toàn hàng hải Đông Bắc Bộ (đơn vị thành viên của Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam) cho biết: “So với radar - thiết bị dùng sóng vô tuyến để phát hiện vật thể chung quanh, AIS cung cấp nhiều thông tin chi tiết hơn và hiển thị trực quan trên nền hải đồ điện tử (Electronic Navigational Chart - ENC), giúp người dùng xử lý tình huống nhanh và chính xác hơn.

Hệ thống AIS còn giúp tàu thuyền xác định nhanh vị trí gặp nạn, hỗ trợ lực lượng cứu nạn, cứu hộ kịp thời… Thông tin từ hệ thống giúp các trạm bờ có thể giám sát lưu lượng tàu thuyền, phát hiện tàu thuyền lạ, tăng cường an ninh hàng hải và điều phối giao thông hiệu quả.

Khi được tích hợp với các thiết bị báo hiệu hàng hải, AIS giúp tàu thuyền nhận biết báo hiệu rõ ràng hơn, kể cả trong điều kiện thời tiết xấu, tầm nhìn hạn chế, đồng thời giúp cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý các thiết bị báo hiệu hàng hải.

Các tuyến luồng hàng hải Hải Phòng, Hòn Gai-Cái Lân đã được đầu tư lắp đặt thiết bị AIS trên các báo hiệu hàng hải. Nhờ đó, đơn vị có thể giám sát liên tục 24/24 giờ, kịp thời phát hiện và xử lý những sự cố xảy ra. Đặc biệt, hệ thống AIS cho phép truy vết và xác định chính xác phương tiện gây ra sự cố. Trong trường hợp xác định được tàu hoặc phương tiện vi phạm, chủ phương tiện sẽ phải bồi thường thiệt hại, giúp giảm chi phí khắc phục do Nhà nước không phải chi trả.

Ông Lưu Quang Thắng, Phó Giám đốc Bảo đảm an toàn hàng hải Đông Bắc Bộ

Ông Lưu Quang Thắng, Phó Giám đốc Bảo đảm an toàn hàng hải Đông Bắc Bộ cho biết: “Các tuyến luồng hàng hải Hải Phòng, Hòn Gai-Cái Lân đã được đầu tư lắp đặt thiết bị AIS trên các báo hiệu hàng hải. Nhờ đó, đơn vị có thể giám sát liên tục 24/24 giờ, kịp thời phát hiện và xử lý những sự cố xảy ra. Đặc biệt, hệ thống AIS cho phép truy vết và xác định chính xác phương tiện gây ra sự cố. Trong trường hợp xác định được tàu hoặc phương tiện vi phạm, chủ phương tiện sẽ phải bồi thường thiệt hại, giúp giảm chi phí khắc phục do Nhà nước không phải chi trả”.

Báo hiệu hàng hải AIS gồm ba loại. Loại “thực” là thiết bị phát tín hiệu AIS được gắn trực tiếp trên các báo hiệu vật lý ngoài thực địa như đèn biển, phao… Loại “giả” là thiết bị đặt trên trạm bờ, phát tín hiệu AIS trùng với vị trí và trạng thái của các báo hiệu vật lý. Loại “ảo” là tín hiệu được phát từ trạm bờ mô phỏng báo hiệu tại một vị trí nhất định, dù ngoài thực địa không có báo hiệu vật lý tương ứng, thường dùng trong cảnh báo tạm thời hoặc điều hướng linh hoạt.

Ứng dụng trong quản lý khai thác khoáng sản

Trong nhiều tình huống thực tế, việc bố trí báo hiệu hàng hải vật lý rất khó khăn, tốn kém, thậm chí không thực hiện được như tại vị trí tàu đắm xa bờ, các tuyến cáp ngầm vùng nước sâu hoặc tại khu vực có mật độ phương tiện lưu thông lớn. Khi đó, báo hiệu AIS “ảo” cảnh báo trên bản đồ các ranh giới, vị trí giúp tàu thuyền xác định và tránh các khu vực nguy hiểm.

Ngoài ứng dụng trong bảo đảm an toàn hàng hải, Hệ thống nhận dạng tự động AIS hỗ trợ hiệu quả trong quản lý khai thác tài nguyên, thí dụ như giám sát hoạt động khai thác cát, sỏi và nạo vét lòng sông. Các vùng khai thác cát nạo vét trên bản đồ điện tử được thiết lập, giới hạn bởi các tín hiệu AIS “ảo”, có chức năng cảnh báo phương tiện đi ra ngoài vùng khai thác cát đã được chấp thuận.

Trước đây, những hành vi như vậy chỉ được phát hiện khi cơ quan chức năng kiểm tra trực tiếp, nhưng hiện nay nhờ khả năng theo dõi tự động, dữ liệu minh bạch và kết nối thời gian thực, hệ thống AIS sẽ giúp giám sát phương tiện khai thác, phát hiện vi phạm với thời gian, tọa độ khai thác, lộ trình vận chuyển được ghi nhận rõ ràng. Công nghệ này đã được triển khai hiệu quả tại nhiều địa phương như An Giang, Đồng Tháp… Tại An Giang, số vụ vi phạm hành chính liên quan đến khai thác cát giảm hơn 60% so với giai đoạn chưa ứng dụng hệ thống AIS vào giám sát.

Liên quan quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa, ngày 20/5/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2024/NĐ-CP. Điều 5 của Nghị định quy định, các phương tiện thi công và phương tiện vận chuyển, đổ chất nạo vét đều phải trang bị thiết bị AIS để tự động cung cấp dữ liệu liên tục qua trạm bờ AIS đến trung tâm dữ liệu AIS, đồng thời lắp đặt thiết bị ghi hình giám sát hành trình và quá trình đổ thải. Thiết bị phải được cố định, bảo đảm không thể bị can thiệp, hoạt động liên tục và ổn định trong suốt thời gian thi công.

Điều 5, Nghị định số 57/2024/NĐ-CP

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2024/NĐ-CP. Điều 5 của Nghị định quy định, các phương tiện thi công và phương tiện vận chuyển, đổ chất nạo vét đều phải trang bị thiết bị AIS để tự động cung cấp dữ liệu liên tục qua trạm bờ AIS đến trung tâm dữ liệu AIS, đồng thời lắp đặt thiết bị ghi hình giám sát hành trình và quá trình đổ thải. Thiết bị phải được cố định, bảo đảm không thể bị can thiệp, hoạt động liên tục và ổn định trong suốt thời gian thi công.

Trong bối cảnh nguồn tài nguyên khoáng sản đang dần suy giảm, hoạt động khai thác trái phép vẫn diễn biến tinh vi, phức tạp, việc đưa vào ứng dụng các công nghệ số như hệ thống nhận dạng tự động AIS được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong việc thiết lập trật tự hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trên sông và vùng ven biển, bảo đảm hiệu quả quản lý và phát triển bền vững.

Có thể bạn quan tâm

back to top