Di sản bị xâm phạm - Báo động đỏ về công tác bảo tồn

NDO - Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, liên tiếp 2 vụ việc liên quan di sản văn hóa bị xâm hại khiến dư luận bức xúc. Đầu tháng 5, Lăng mộ vua Lê Túc Tông - Di tích lịch sử cấp quốc gia tại huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa bị đào bới, phá vỡ bia đá. Mới đây, ngày 24/5, Ngai vua triều Nguyễn tại Di tích Cố đô Huế bị xâm hại.
0:00 / 0:00
0:00
Ngai vua triều Nguyễn tại Di tích Cố đô Huế. (Ảnh: Cục Di sản văn hóa)
Ngai vua triều Nguyễn tại Di tích Cố đô Huế. (Ảnh: Cục Di sản văn hóa)

Dù chưa có kết luận chính thức về mức độ thiệt hại hay nguyên nhân của vụ việc tại khu vực điện Thái Hòa, song các sự cố liên tiếp xảy ra trong thời gian ngắn, ở nhiều loại hình di sản khác nhau, từ bảo vật quốc gia đến nơi thờ tự tâm linh một lần nữa cho thấy những lỗ hổng đáng lo ngại trong công tác bảo tồn di sản.

Không thể xem nhẹ xâm phạm bảo vật quốc gia

Ngai vua triều Nguyễn đang được lưu giữ tại điện Thái Hòa - trung tâm của Đại Nội Huế - không chỉ là hiện vật có giá trị lịch sử, nghệ thuật đặc biệt mà còn là biểu tượng quyền lực tối cao của vương triều phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Đây là bảo vật quốc gia được công nhận theo đúng quy trình thẩm định nghiêm ngặt, là minh chứng cụ thể cho bản sắc và chiều sâu văn hóa dân tộc.

Việc bảo vật quốc gia này bị xâm hại bất kể với động cơ nào đều là hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật và xúc phạm đạo lý văn hóa.

Ngay sau khi có thông tin phản ánh, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có công văn hỏa tốc gửi Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, yêu cầu tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng, khẩn trương bảo vệ bảo vật quốc gia và báo cáo về Bộ trước ngày 26/5.

Đồng thời, cơ quan này yêu cầu rà soát tình trạng kỹ thuật của hiện vật, đề xuất giải pháp xử lý, tăng cường biện pháp bảo quản theo quy định của pháp luật, thực hiện nghiêm chỉ đạo tại công văn số 1669/BVHTTDL-DSVH ngày 22/4/2024 về bảo vệ, phát huy giá trị bảo vật quốc gia.

Di sản bị xâm phạm - Báo động đỏ về công tác bảo tồn ảnh 1

Tăng cường bảo vệ di sản trong guồng quay du lịch. (Ảnh: Cục Di sản văn hóa)

Di sản là “linh hồn” của văn hóa dân tộc, rất dễ bị tổn thương trước làn sóng phát triển và áp lực thương mại hóa. Từ sự thiếu hiểu biết, bất cẩn đến hành vi phá hoại có chủ đích, di sản luôn đứng trước những rủi ro hiện hữu. Phản ứng nhanh chóng của cơ quan chức năng là cần thiết, tuy nhiên, điều khiến dư luận không khỏi băn khoăn, tại sao một bảo vật quốc gia, trưng bày tại vị trí trung tâm và có ý nghĩa biểu tượng sâu sắc lại có thể bị xâm hại dễ dàng như vậy? Cơ chế giám sát, quy trình kiểm tra, công tác an ninh đang được vận hành như thế nào?

Cần chuyển đổi tư duy bảo tồn

Không chỉ ở Huế hay Thanh Hóa, thời gian qua, tại nhiều địa phương, di sản văn hóa đang đối mặt với nguy cơ bị xâm hại dưới nhiều hình thức. Các vụ việc “trùng tu sai nguyên gốc”, “tôn tạo biến dạng”, hiện vật bị mất cắp, tượng thờ bị hủy hoại, bia đá bị bôi bẩn, khuôn viên di tích bị lấn chiếm làm dịch vụ… là những dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy sự suy giảm ý thức xã hội và sự buông lỏng trong công tác quản lý.

Trong bối cảnh nhiều di tích được mở cửa phục vụ du lịch với lượng khách ngày càng tăng thì các quy định bảo vệ di sản lại chưa được cập nhật tương xứng với yêu cầu mới.

Trên thực tế, vài chục nhân viên bảo vệ khó có thể kiểm soát một quần thể di tích rộng hàng chục héc-ta bằng phương pháp thủ công. Hệ thống giám sát chưa đủ độ bao phủ, thiết bị cảnh báo còn thiếu. Tại một số địa phương, đội ngũ bảo tồn tại chỗ thiếu chuyên môn sâu, nhiều người chưa được đào tạo bài bản về giám định và bảo quản hiện vật.

Những vụ việc nêu trên cho thấy, công tác bảo vệ, phục hồi và phát huy giá trị di sản văn hóa đã đến lúc cần một chiến lược tổng thể và lâu dài. Cần phải thiết lập quy trình kiểm tra định kỳ đối với bảo vật quốc gia; đầu tư hệ thống giám sát an ninh hiện đại tại các điểm nhạy cảm đồng thời xây dựng bộ tiêu chuẩn chuyên biệt về trưng bày, bảo quản, phục dựng hiện vật tại từng cấp độ di tích.

Song song đó là việc đào tạo, nâng cấp đội ngũ cán bộ chuyên trách về bảo tồn, từ nhân viên kỹ thuật đến các nhà nghiên cứu, giám định, bảo quản cổ vật.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông-giáo dục di sản cần đi vào chiều sâu đặc biệt với đối tượng thanh, thiếu niên. Mỗi người dân cần nhận thức việc xâm phạm di sản không chỉ là xâm phạm vật thể mà là đánh mất ký ức chung của cộng đồng, là làm suy giảm nền tảng tinh thần của quốc gia.

Sự việc ngai vàng bị xâm hại, đình cổ bị cháy rụi, chùa cổ bị “trùng tu sai” không thể coi là cá biệt. Đó là hồi chuông báo động về công tác bảo tồn trước tốc độ phát triển và áp lực du lịch hóa.

Nếu không có hành động quyết liệt, những bảo vật quốc gia sẽ không chỉ nằm trong viện bảo tàng mà sẽ dần mờ nhạt trong tâm thức dân tộc. Việc xử lý nghiêm minh, công khai những sai phạm là điều cần thiết nhưng quan trọng hơn là cần thay đổi tư duy bảo tồn từ bị động sang chủ động, từ giao phó sang huy động cả cộng đồng. Di sản không chỉ của ngành văn hóa hay của địa phương mà là tài sản chung của toàn dân.

Bảo vật quốc gia không chỉ là di tích quá khứ mà còn là sức mạnh mềm của hiện tại và tương lai. Vì vậy, giữ gìn di sản là gìn giữ ký ức, bản sắc, niềm tự hào và tinh thần của dân tộc trong hành trình hội nhập. Để bản sắc ấy không bị mài mòn theo thời gian, di sản cần được nhìn nhận và hành xử đúng như vốn có, thiêng liêng, sống động và xứng đáng với sự trân quý cao nhất.