Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp:

Đi tìm hiện thực của cảm giác

Phim “1982” của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đang làm hậu kỳ và dự kiến ra rạp vào mùa thu năm nay. Không đơn thuần là một con số, tên phim còn mang tính biểu tượng, đánh dấu một thời điểm đặc biệt. Phóng viên Thời Nay vừa có cuộc trò chuyện riêng với đạo diễn khi tác phẩm lần này của chị vừa hé lộ những “rung cảm” đầu tiên.
0:00 / 0:00
0:00
Một cảnh trong phim “1982”. Ảnh: MINH LÊ
Một cảnh trong phim “1982”. Ảnh: MINH LÊ
Đi tìm hiện thực của cảm giác ảnh 1

Làm phim để thoát cơn sang chấn!

Phóng viên (PV): Chị nhìn hiện thực cuộc sống qua lăng kính điện ảnh như thế nào?

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Tôi là người thích quan sát hiện thực nhưng không muốn đưa hiện thực như nó vốn có vào phim. Tôi muốn truy cầu vào mặt tâm tưởng của hiện thực. Tôi không biết dùng từ nào, nhưng có một loại hiện thực như vậy, gọi là hiện thực tâm trí. Bạn có thể nhìn thấy một cậu bé đã đưa một bông hoa cho người cha, nhưng tôi sẽ không mô tả cụ thể cảnh đó, trong tâm trí của mình có hiện thực khác. Có những người Hà Nội đã tắm trong một cái xô, nhưng có những người úp mặt xuống nước chỉ truy cầu nỗi buồn sâu lắng ở đáy xô cho đến lúc ngộp thở mới ngẩng lên. Hiện thực đấy đi vào phim sẽ phải là hiện thực của cảm giác, của tâm trí. Đối với tôi, đó mới là điện ảnh.

PV: Khi làm phim, chị thường ưu tiên yếu tố nào hơn: nội dung, hình ảnh hay cảm xúc?

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Trong điện ảnh thì cả 3 yếu tố trên đều quan trọng, tôi thì sẽ đặt nó ở chiều ưu tiên ngược lại: cảm xúc - hình ảnh - nội dung.

PV: Nguồn cảm hứng và quá trình hình thành ý tưởng cho bộ phim, con số “1982” có ý nghĩa gì đối với chị và câu chuyện trong phim?

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Tôi có một dự án phim đã ấp ủ mãi mà không làm được, một phần vì nó khó quá, phần nữa là lúc gần giải được bài toán khó về sáng tạo thì tôi lại... mất sạch tiền tiết kiệm để triển khai. Cú sốc này làm tôi rất tuyệt vọng và nằm bệt gần 1 năm. Sau đó tôi tự thấy rằng, chỉ có làm phim mới xốc được mình dậy, chứ chả lẽ nằm là nằm mãi ư? Thế là tôi viết một kịch bản mới, với dự định ban đầu là thật dễ vào, đơn giản thôi, bằng mọi giá phải quay được... để thoát tình trạng nằm liệt kia. Tôi muốn cứu mình. Và muốn dùng điện ảnh để tự cứu mình. Ban đầu vì nó là “một liều thuốc cấp cứu”, nên tôi thậm chí vội quá còn không kịp đặt tên. Và rồi tôi đổi tên kịch bản là 1982 vì thậm chí lúc đó tôi còn chưa nghĩ ra tên nhân vật, nên dùng năm sinh gọi cho dễ.

PV: Xem ra, đây không chỉ là một “âm mưu” để tự cứu mình của chị mà nó đã “hiện nguyên hình” là một dự án nghệ thuật với tất cả những đòi hỏi khắt khe vốn có?

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Lúc chính thức khởi động, bước chân đi cấm kỳ ngoảnh lại thì “1982” đã thật sự đi từ dự định làm phim dễ dễ, quay nhanh nhanh cho đạo diễn bớt sang chấn, thành một phim tối giản đầy thách thức, và đưa đạo diễn từ cơn sang chấn với cú sốc kể trên sang cơn sang chấn với... sáng tạo!

Tóm lại, đến bây giờ tôi phải thừa nhận rằng, làm phim mà không khó, chắc phải kiểm tra lại... vì có thể mình đang chưa làm phim.

Quy tụ các “công nhân” bậc 7/7

PV: Điều mà chị muốn truyền tải qua “1982”?

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Tôi muốn được làm phim và tôi đã làm phim và tôi sẽ làm được phim, đó là điều tôi muốn truyền tải nhất. Còn những điều mang tính chất tư tưởng của bộ phim như thông thường mọi người vẫn kỳ vọng thì đây là một bộ phim rất giản dị về một câu chuyện gia đình. Và câu chuyện gia đình này lại song song với câu chuyện bế tắc trong sáng tạo của một người nghệ sĩ. Vốn dĩ con người ai cũng có những loay hoay của họ khi đến một độ tuổi nhất định. Đó là hiện thực trong tâm tưởng của riêng họ. Hiện thực đó nhiều khi khắc nghiệt hơn cả hiện thực bên ngoài rất nhiều.

Đôi khi, những người sống bên nhau chỉ nhìn thấy hiện thực của nhau, tức là những hiện thực mà mình có thể quan sát thấy bề ngoài, nhưng không biết đến một vùng hiện thực khác - hiện thực của cảm giác. Hiện thực này mạnh mẽ, bí hiểm, vừa có sự nâng đỡ, vừa có khả năng hàn gắn, nhưng đồng thời cũng có sức hủy diệt và năng lực chia rẽ rất lớn. Như bộ phim này kể về hành trình đi tìm lại người mẹ đã mất của ba đứa con. Nhưng thật ra, cũng là đi tìm lại một thứ hiện thực của cảm giác mà những người con này vốn dĩ đã tự đánh mất và bây giờ thì không có cách nào khác, họ phải tự lên đường và tự đi tìm lại.

PV: Việc hợp tác với đạo diễn hình ảnh nổi tiếng người Đức - Sven Zellner, người tạo nên những thước phim quyến rũ của “Don‘t look at me that way” và “Black Milk” đã mang lại những điều đặc biệt gì cho bộ phim?

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Tôi có quan hệ với Useima - vợ của Sven, một nữ đạo diễn người Đức gốc Mông Cổ rất giỏi và cực kỳ tận hiến. Tôi xem phim cô ấy làm và rất thích ngôn ngữ của máy quay nên tôi biết chắc sẽ có ngày mời Sven làm cùng. Với Sven Zellner, tôi tự tin để máy quay dính liền vào diễn viên, bởi anh là một đạo diễn hình tinh tế, nhân văn và thật sự “đỉnh” về kỹ thuật. Còn diễn viên của tôi thì thoải mái “bung lụa”, không bao giờ phải lo lắng đến những giới hạn chật hẹp mà kỹ thuật quay thường khi khá khắc nghiệt sẽ đặt ra. Tôi cùng Sven và diễn viên Hải Yến trò chuyện với nhau khá nhiều để tìm ra cách vận hành phù hợp. Còn Sven chắc phải tự đối thoại với Hà Nội của chúng tôi rất nhiều bởi cả bộ phim diễn ra ở Hà Nội. Sven không chỉ giúp tái hiện Hà Nội một cách sống động, tránh khỏi hình ảnh “bưu thiếp hóa” mà còn thổi hồn vào từng thước phim bằng cách sử dụng máy quay như một “nhân vật” trong câu chuyện. Hà Nội sẽ trở thành nhân vật sống động với đầy đủ tính cách và nhan sắc chân thực trong “1982”. Sự nhạy bén và kinh nghiệm của anh đã góp phần tạo nên những thước phim quyến rũ.

PV: Được biết, “1982” thực hiện theo mô hình phim độc lập. Chị có thể chia sẻ về những thách thức và thuận lợi khi sản xuất bộ phim này?

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Vâng, “1982” là một phim độc lập, theo kiểu những phim độc lập thời nguyên thủy của khái niệm này. Tôi có gì dùng nấy, có cái nhà thì xin chồng bán luôn, tài sản còn gì cũng bị huy động vào, bạn bè mà tôi thấy vừa mắt cũng bị lôi theo. Tất nhiên điện ảnh không phải trò chơi, nhân sự không phải cứ “vơ bèo vạt tép” mà được. Sản xuất phim là một chuỗi những bài toán kỹ thuật - công nghệ - tài chính - nghệ thuật đan xen và phải được vận hành thật trơn tru bởi những người thạo việc.

Trừ đạo diễn, quay phim và 3 nghệ sĩ vào vai nữ chính - Hải Yến, Thùy Anh, Chiều Xuân - thì tất cả đoàn đều là những người quá mới, quá trẻ, kinh nghiệm lớn nhất là làm phim ngắn, hoặc đã từng tham gia phim dài nhưng lại không ở vị trí được giao trong “1982”... Nên nói sao nhỉ, tôi đã làm bộ phim này với tinh thần của một đạo diễn độc lập nhưng bộ kỹ năng là của công nhân bậc 7/7 trong ngành. Cũng may, cả tôi cả Sven Zellner đều từng giảng dạy trong trường điện ảnh nhiều năm, đâu đó chúng tôi cũng có chút năng lực sư phạm và sự nhẫn nại.

PV: Chị có bị áp lực bởi thị hiếu khán giả hoặc doanh thu phòng vé không?

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Ekip đồng sản xuất của tôi khá mạnh, chị Lê Thanh Hương, Đỗ Thị Hải Yến, Sven Zellner, Nghiêm Quốc Cường... mỗi người đều có những thế mạnh riêng và chắc chắn là hết lòng để đưa bộ phim đến đích. Nhưng bản thân tôi không thoát được tâm trạng giằng co, một mặt cần tự mình giải những câu đố trong lúc dựng phim với vai trò là đạo diễn, một mặt thì cần kiếm tìm kinh phí để làm hậu kỳ phim với vai trò là sản xuất... Chúng tôi mong “1982” kịp được các liên hoan phim trong mùa thu năm nay và cùng thời điểm đó ra mắt khán giả Việt Nam. Và phải nói thật rằng, tôi có bị áp lực với thị hiếu khán giả cũng như doanh thu phòng vé, còn các đồng sản xuất của tôi, họ có vẻ khá lạc quan. Họ đều nói với tôi rằng, họ tin tưởng “1982” sẽ lay động cảm xúc của khán giả.

PV: Cảm ơn những chia sẻ của chị!

“1982” khá may mắn khi ba nữ chính đều giỏi và có kinh nghiệm làm nghề, đủ để xử lý nhanh gọn các bài toán mà đạo diễn đặt ra. Phim xoay quanh nhân vật trung tâm do Đỗ Thị Hải Yến đảm trách. Yến thật sự xuất sắc, một kiểu xuất sắc rất thuyết phục, cả về năng lực diễn xuất lẫn sự tập trung đáng nể và tinh thần tận hiến mà cô ấy đem vào bộ phim” (đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp).