Phóng viên (PV): Chúc mừng anh và các cộng sự tại Văn phòng Kiến trúc Nikken Sekkei LTD (Nhật Bản). Được biết, anh và các đồng nghiệp đã dành 7 năm nghiên cứu về Việt Nam nói chung trước khi thiết kế công trình này?
Kiến trúc sư Trịnh Việt A: Tôi là người Việt Nam nhưng sống ở nước ngoài khá lâu. Do vậy, với nhóm thiết kế sẽ có những hạn chế khi tiếp cận một nền văn hóa khác. Chúng tôi đã chuẩn bị từ năm 2010, tới năm 2017 mới bắt tay thiết kế công trình này, sau khi đã tích lũy tương đối kiến thức về văn hóa, khí hậu, thổ nhưỡng Việt Nam, kết hợp với triết lý kiến trúc, công nghệ của các nước tiên tiến.
Trong quá trình thiết kế, chúng tôi cũng tham khảo các chuyên gia đầu ngành về sử học, bảo tàng học, những người sử dụng trực tiếp, làm sao để đáp ứng nhu cầu về công năng cũng như thẩm mỹ. Quá trình thiết kế từ năm 2017 đến 2020. Như vậy tính từ khi bắt đầu nghiên cứu, lên ý tưởng và hoàn thiện giai đoạn 1 của công trình, chúng tôi đã mất 14 năm.
PV: Vai trò của anh trong quãng thời gian ấy không chỉ là kiến trúc sư trưởng mà cũng giống như một người kết nối, với niềm tự hào được đóng góp một phần công sức của mình cho việc tạo nên một thiết chế văn hóa mang tầm quốc gia?
Kiến trúc sư Trịnh Việt A: Quá trình thiết kế bảo tàng là quá trình tuyển chọn các phương án kiến trúc. Công ty chúng tôi chia làm 3 nhóm, mỗi nhóm đều xây dựng ý tưởng thiết kế của riêng mình. Sau đó, chúng tôi có rất nhiều cuộc báo cáo, xin ý kiến bình luận, đánh giá của các hội đồng (chủ đầu tư, các kiến trúc sư uy tín của Việt Nam, các chuyên gia về bảo tàng học, chuyên gia văn hóa, lịch sử). Trong quá trình ấy, mỗi nhóm đều xuyên suốt, thống nhất ý tưởng công trình này sẽ là một biểu tượng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tại thời điểm ấy, tôi là nhóm trưởng của một trong ba nhóm và cũng là người Việt Nam duy nhất. Vì thế, tôi đã chia sẻ với mọi người kinh nghiệm cũng như sự hiểu biết của mình về ý tưởng chủ đạo, làm sao để định hình nên một biểu tượng.
PV: Ý tưởng chủ đạo của công trình Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam là gì?
Kiến trúc sư Trịnh Việt A: Tôi tạo ra không gian bán mở, với mái che lớn, vừa kết nối ngoài trời, có mái che, tạo bóng mát, chịu được khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt, đồng thời có đối lưu tự nhiên. Mọi người sẽ có cảm giác giống như ngồi dưới bóng cây, với làn gió thoang thoảng thổi qua. Đây cũng là không gian kết nối bên trong với bên ngoài, hòa quyện với cảnh quan chung quanh. Công trình sẽ là một phần của tổng thể công viên Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, chứ không phải là công trình đơn độc.
![]() |
Tìm hiểu về mô hình thiết kế Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: QUANG HƯNG |
PV: Hiện nay hầu hết các công trình kiến trúc lớn, mang tầm quốc gia đều “về tay” các công ty thiết kế nước ngoài. Anh có cảm thấy mình là người may mắn?
Kiến trúc sư Trịnh Việt A: Đối với tôi, công trình Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nói riêng và cơ hội được quay trở về cống hiến, xây dựng một công trình lớn là may mắn với tôi trong cuộc đời. Gần đây tôi có tham gia chia sẻ với cộng đồng kiến trúc sư trong nước, trao đổi các đề tài: Tại sao các công ty kiến trúc Việt Nam, tại thời điểm này chưa tham gia nhiều các công trình có quy mô lớn, mang tính trọng điểm quốc gia. Đây là vấn đề mà nhiều người rất trăn trở.
Theo ý kiến chủ quan của tôi, một nền kiến trúc để phát triển cũng cần thời gian. Tại một thời điểm, mình nhận ra đang ở vị trí nào và có định hướng đúng để đi theo lộ trình, đến khi đủ mạnh, có thể đảm nhận được công việc mà các công ty, tập đoàn đang thực hiện tại Việt Nam. Cách đây khoảng 30 năm, Công ty Nikken Sekkei của chúng tôi có kinh nghiệm làm ở thị trường Trung Quốc. Tại thời điểm đó, ở Trung Quốc cũng khá giống Việt Nam hiện nay, các văn phòng kiến trúc chưa đủ mạnh để đảm nhận những công trình lớn, trọng điểm quốc gia. Các công ty thiết kế của Trung Quốc đã được chỉ định làm nhà thầu phụ với mục đích học hỏi. Sau một quá trình 10-20 năm, họ đã đủ mạnh và có thể cạnh tranh với những đơn vị như Nikken Sekkei. Như vậy chúng ta cần xây dựng một quá trình.
PV: Anh có thể thông tin về giai đoạn 2 của công trình Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam?
Kiến trúc sư Trịnh Việt A: Trong giai đoạn 2, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai phía sau công viên bảo tàng, với nhiều hạng mục: Trưng bày vũ khí lớn, tái hiện không gian lịch sử ngoài nhà để người dân có thêm nhiều trải nghiệm. Phần Trưng bày trong nhà tại khu nhà chính tại tầng 2 và tầng 3, có khối lượng nội dung tương tự ở tầng 1. Hy vọng khoảng 3-5 năm nữa, chúng ta sẽ có một thiết chế văn hóa đầy đủ, có thể kết hợp các tour du lịch, kết hợp với hệ thống giáo dục, các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa có thể tới tham quan, học tập.
PV: Trân trọng cảm ơn kiến trúc sư Trịnh Việt A!