Phóng viên (PV): Thưa nghệ nhân Hà Thị Vinh, Bát Tràng hôm nay đã thay đổi thế nào? Theo bà, đâu là thay đổi quan trọng nhất, mang tính bước ngoặt?
Nghệ nhân Hà Thị Vinh: Tôi là con gái đời thứ 15 của dòng họ Hà Hữu, một trong 19 dòng họ gốc Bát Tràng hiện sinh sống tại làng. Chúng tôi được làm việc trong cộng đồng lớn, nhận được sự chia sẻ tình cảm về mọi mặt ở cả giai đoạn thịnh vượng cùng những lúc thăng trầm để rồi vẫn bám được nghề và phát triển. Tôi lớn lên và trải qua những tháng năm khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Năm 1972, sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi về công tác tại Xí nghiệp Sứ Bát Tràng. Thời kỳ này, các nhà máy xí nghiệp sản xuất theo chỉ tiêu pháp lệnh của Nhà nước nên không khuyến khích được sức sáng tạo của người thợ giỏi. Năm 1986, có chính sách mở cửa, kinh tế tư nhân được tham gia vào nền kinh tế và khuyến khích phát triển. Đây là cơ hội vàng cho người dân trong đó có tôi nô nức về làng dựng lò, làm nghề để thoát khỏi đói nghèo, tiếp tục theo nghề của ông cha tổ nghiệp và thỏa sức tìm tòi, đổi mới. Đây chính là sự thay đổi quan trọng nhất, mang tính bước ngoặt của làng nghề Bát Tràng.
Bát Tràng hôm nay đã là một trong những làng nghề phát triển nhất cả nước. Nghề gốm truyền thống và Lễ hội truyền thống làng Bát Tràng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Mới đây, làng nghề Bát Tràng trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo trên toàn thế giới. Đây là niềm tự hào không chỉ của làng mà còn là của làng nghề truyền thống Việt Nam.
PV: Trong hành trình phát triển của làng nghề, điều gì khiến bà tâm đắc và muốn chia sẻ nhất?
Nghệ nhân Hà Thị Vinh: Đó là sự đóng góp vào việc thay đổi công nghệ và kỹ thuật sản xuất gốm của làng. Nhớ lại thời kỳ những năm 1990, sản xuất gốm chủ yếu nung đốt bằng than và củi, gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Làng từng là một trong những điểm nóng nhất của thành phố về ô nhiễm, bình quân mỗi ngày đốt hết khoảng từ 200 - 300 tấn than cám; là một trong những địa phương có tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao nhất cả nước. Đầu những năm 2000, thị trường xuất khẩu bị mất dần.
Tôi luôn trăn trở làm sao để phát triển ngành truyền thống một cách bền vững, trong đó một giải pháp rất quan trọng đó là thay thế công nghệ và thiết bị lò nung, từ lò than củi sang đốt bằng lò công nghệ cao với nhiên liệu sạch là khí gas hóa lỏng. Chúng tôi cũng chủ động mời các nhà sản xuất gốm sứ và các xưởng cơ khí đến tham khảo, học tập và nghiên cứu chế tạo công nghệ lò nung gas nhập khẩu này. Sau 6 tháng, đã có hàng trăm lò gas nhỏ tại Bát Tràng được mô phỏng, lắp ráp và đưa vào sản xuất thành công, tạo bước ngoặt mới cho công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm gốm sứ của Bát Tràng.
![]() |
PV: Bà luôn được nhắc đến như một tấm gương trong đổi mới của làng nghề, điều gì giúp bà kiên trì, bất chấp khó khăn?
Nghệ nhân Hà Thị Vinh: Tôi luôn đau đáu: Tổ tiên mình từ thế kỷ 14, 15 đã có sản phẩm vươn ra nước ngoài, vậy tại sao mình không làm được? Vì vậy khi rời Nhà nước về, định hướng đầu tiên của tôi là nhất định phải làm hàng xuất khẩu. Đầu thập kỷ 90, thông qua một số tổng công ty, tôi kết nối để đưa sản phẩm gốm sứ xuất khẩu. Đặc biệt đến năm 1995, 1996, Nhà nước cho phép tư nhân xuất khẩu thẳng, không cần qua tổng công ty, chúng tôi xúc tiến phát triển thị trường, mang sản phẩm Bát Tràng ra thế giới thông qua các hội chợ lớn ở nước ngoài. Khi đi nhiều, tôi hiểu được cần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời cũng phải đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ để có những sản phẩm tính mỹ nghệ cao, có nét khác biệt để chạm vào cảm xúc của người mua, phù hợp từng thị trường. Để làm được điều này, con người là nhân lực quan trọng.
PV: Những năm qua, hoạt động du lịch làng nghề tại Bát Tràng rất phát triển, đặc biệt là du lịch trải nghiệm. Bà có thể chia sẻ rõ hơn về hướng đi này?
Nghệ nhân Hà Thị Vinh: Chúng tôi đã khảo sát và cho vận hành một phần nội dung trong dự án quy mô du lịch sinh thái làng cổ Bát Tràng. Ở đó, khách du lịch không chỉ tham quan làng nghề, chiêm ngưỡng cảnh quan đặc biệt, xem quy trình sản xuất, tác phẩm đặc sắc mà còn tham gia vào nhiều công đoạn, trải nghiệm: Làm gốm, ăn cơm thợ lò… Mỗi người dân đều có thể trở thành một hướng dẫn viên du lịch, một người kể chuyện làng; mỗi hộ dân là một mắt xích của bảo tàng lớn về nghề gốm mà cha ông để lại.
Chúng tôi còn nỗ lực tạo nên nhiều sự kết nối với các tinh hoa làng nghề khác, vẻ đẹp của nhiều hình thức nghệ thuật dân tộc… để du khách có trải nghiệm phong phú hơn, cảm nhận được vẻ đẹp của nhiều vùng đất khi mới chỉ đặt chân đến một nơi. Du lịch trải nghiệm mở ra nhiều cơ hội cho các bên và quan trọng nhất là giúp cộng đồng thay đổi nhận thức, tư duy và nhập cuộc một cách tự nhiên, hào hứng để sự phát triển mang xu hướng bền vững.
PV: Bà đặt kỳ vọng gì vào thế hệ trẻ trong bối cảnh thời đại công nghệ phát triển?
Nghệ nhân Hà Thị Vinh: Chúng tôi rất mừng tới giai đoạn này, thế hệ sau có đủ điều kiện, môi trường phát triển tốt bởi được hưởng bề dày kinh nghiệm tinh hoa nghề, đồng thời đã bước ra thế giới để học tập, ứng dụng sáng tạo. Tôi rất vui khi thế hệ trẻ nhận thức tốt, cùng nhau xây dựng trung tâm đào tạo tiếng Trung, thông qua Hiệp hội Thủ công Mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội, ký thỏa thuận với Đại học Gốm sứ Cảnh Đức Trấn (Giang Tây, Trung Quốc) giúp Bát Tràng hằng năm có cơ hội kết nối, thúc đẩy lớp trẻ ra nước ngoài để học tập, phát triển nghề. Tôi kỳ vọng, tin tưởng người trẻ không chỉ là giữ nghề, mà phải phát triển hơn nữa; dùng công nghệ để kể chuyện về gốm; sáng tạo mà không quên gốc rễ; đổi mới nhưng vẫn giữ cái hồn của đất, của lửa, của bàn tay người thợ gốm Việt Nam.
PV: Nếu để gửi một thông điệp đến những người yêu gốm, đặc biệt là những ai muốn dấn thân vào nghề, bà sẽ nói gì?
Nghệ nhân Hà Thị Vinh: Gốm không chỉ là một nghề, đó còn là một hành trình sáng tạo, giữ gìn văn hóa. Nếu yêu gốm, xin hãy dấn thân! Hãy để tay lấm đất, để tim ấm cùng nhịp lửa và để tâm hồn tự do trong từng đường nét. Mỗi sản phẩm là một câu chuyện, một dấu ấn trong dòng chảy di sản. Khi dấn thân, hãy cứ yêu, đam mê hết mình với gốm, tôi tin, chắc chắn sẽ có được những giá trị xứng đáng.
PV: Cảm ơn nghệ nhân Hà Thị Vinh về cuộc trò chuyện!