Ngày 9/7, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy tổ chức Diễn đàn Công nghiệp xanh 2025 với chủ đề “Hài hòa mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững” thu hút sự quan tâm của nhiều diễn giả, tổ chức quốc tế, đại diện bộ ngành, hiệp hội doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc, ông Chử Văn Lâm, Chủ tịch Hội đồng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh những thành tựu nổi bật của Việt Nam sau gần 40 năm đổi mới. Từ một nền kinh tế nông nghiệp, Việt Nam đã vươn lên nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp trung bình cao, đóng góp hơn 30% GDP và nằm trong tốp 25 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra thách thức: mô hình công nghiệp hiện tại gây áp lực lớn lên môi trường, xã hội và sức khỏe của cộng đồng.
“Phát triển công nghiệp theo cách cũ không còn phù hợp. Chúng ta cần tái định hình chiến lược để vừa duy trì tăng trưởng cao, vừa đảm bảo bền vững. Đây là bài toán hài hòa, không phải đánh đổi” – ông Lâm khẳng định.

Các ý kiến tham luận cũng chỉ ra, dù Việt Nam đã đạt tiến bộ trong các lĩnh vực như năng lượng và giao thông xanh – trụ cột sản xuất quốc gia vẫn chưa được định vị đúng mức chiến lược tăng trưởng xanh và lộ trình Net Zero 2050.
Ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, nếu không nhanh chóng đáp ứng các tiêu chuẩn ESG (môi trường-xã hội-quản trị) mà các tập đoàn đa quốc gia như Apple, Samsung, Nike áp dụng, Việt Nam khó nắm giữ vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Cơ cấu công nghiệp hiện nay phụ thuộc lớn vào khu vực FDI, chiếm hơn 70% giá trị xuất khẩu, trong khi tỷ lệ nội địa hóa còn thấp. Các ngành công nghiệp truyền thống như luyện kim, xi-măng, khai khoáng tiêu thụ tới 75% năng lượng hóa thạch, gây phát thải lớn, thách thức cam kết khí hậu quốc gia” - ông Nguyễn Bá Hùng chia sẻ.
Các ý kiến tham luận tại diễn đàn nhấn mạnh vai trò của khu công nghiệp thế hệ mới, tích hợp hạ tầng tuần hoàn, công nghệ tiên tiến và quản trị bền vững. Theo nghiên cứu, các khu công nghiệp xanh có thể tăng suất lao động 15-25%, cải thiện môi trường làm việc và thu hút nhân lực chất lượng cao. Đây được xem là mô hình tiên phong cho chuyển đổi công nghiệp xanh tại Việt Nam.
Diễn đàn xác định 4 ưu tiên chiến lược: tái định nghĩa tăng trưởng xanh trong sản xuất công nghiệp; hài hòa giữa tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững; đề xuất mô hình công nghiệp xanh phù hợp với thực tiễn Việt Nam; đề xuất mô hình công nghiệp xanh phù hợp với thực tiễn Việt Nam; tăng cường liên kết giữa Chính phủ, doanh nghiệp, chuyên gia và tổ chức quốc tế.
Một điểm nhấn tại diễn đàn là cách tiếp cận phát triển bền vững dựa trên sử dụng tài nguyên tối ưu, hiệu quả và có trách nhiệm, thay vì giới hạn cứng nhắc về tài nguyên. Cách tiếp cận này gắn với cơ chế thị trường, bảo đảm khả năng phát triển dài hạn.
Diễn đàn Công nghiệp xanh 2025 đánh dấu bước khởi đầu cho chuỗi hoạt động thúc đẩy đối thoại công-tư, kết nối nhà hoạch định chính sách với doanh nghiệp và tổ chức phát triển. Đại diện các tổ chức quốc tế, hiệp hội và doanh nghiệp cam kết đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam, hướng tới một nền công nghiệp xanh-thông minh-bền vững, góp phần nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.