Cam kết và định hướng chiến lược
Phát thải khí nhà kính của Việt Nam năm 2016 khoảng 317 triệu tấn CO2 tương đương, ước tính 513 triệu tấn vào năm 2020. Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đã đề ra lộ trình đạt Net Zero, theo đó sẽ đạt phát thải đỉnh với khoảng 539 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2035; sau đó sẽ tiếp tục giảm, đến năm 2050 tổng lượng phát thải khí nhà kính ước đạt 185 triệu tấn CO2 tương đương và sẽ được hấp thụ hoàn toàn bởi các hệ sinh thái tự nhiên. Trong đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2022, Việt Nam cũng cam kết đến năm 2030 sẽ tự nguyện giảm 15,8% phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường (BAU) và giảm 43,5% nếu có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Cũng như ở hầu hết các nước trên thế giới, trong cơ cấu phát thải khí nhà kính của Việt Nam năm 2016, năng lượng là lĩnh vực có tỷ trọng phát thải lớn nhất, chiếm khoảng 65% tổng lượng phát thải; sau đó là các lĩnh vực, các quá trình công nghiệp (14,6%), nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất (13,9%) và chất thải (6%). Mục tiêu Net Zero đã được cụ thể hóa, phân bổ theo các ngành, lĩnh vực, đồng thời các định hướng chính sách cũng đã được xác định để triển khai thực hiện.
Trong lĩnh vực năng lượng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55/NQ-TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, bên cạnh bảo đảm an ninh năng lượng để phát triển kinh tế-xã hội, cần từng bước hạn chế, dừng phát triển điện than từ sau năm 2030, chuyển sang năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió, mặt trời. Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đề ra mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9-39,2% vào năm 2030; đạt 47% nếu các cam kết theo Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất; đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%. Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, đủ khả năng tích hợp, vận hành an toàn, hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn; phát triển hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo, hình thành hai trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng. Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh ngành giao thông vận tải cũng đã đề ra định hướng đến năm 2040, từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất các loại xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch; đến năm 2050, 100% số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện, năng lượng xanh.
Bên cạnh đó, việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng cũng cần tiếp tục được triển khai mạnh mẽ. Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 đề ra mục tiêu đạt mức tiết kiệm từ 8-10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, đồng thời giảm mức tổn thất điện năng xuống thấp hơn 6,0%.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, định hướng chính là thực hiện nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải carbon thấp; tiếp tục bảo vệ và phát triển rừng, quản lý rừng bền vững. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí methane đến năm 2030; Kế hoạch quốc gia triển khai tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đến năm 2030. Đặc biệt, Đề án phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 là một hình mẫu trên thế giới về phát triển nông nghiệp carbon thấp. Các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về bảo vệ và phát triển rừng cũng đã được phê duyệt với mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 42%; diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt hơn một triệu ha.
Trong lĩnh vực các quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm công nghiệp, cần cải tiến, phát triển và ứng dụng công nghệ trong sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển và sử dụng các loại vật liệu xanh; ứng công nghệ mới để giảm phát thải N2O trong công nghiệp hóa chất. Từng bước ứng dụng công nghệ thu giữ carbon; hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn để thúc đẩy phát triển tòa nhà xanh, khu đô thị xanh; giảm dần sử dụng các môi chất lạnh trong các hệ thống làm mát; thu hồi, tái sử dụng, tiêu hủy, tái chế môi chất lạnh.
Trong lĩnh vực chất thải, cần giảm phát sinh chất thải thông qua phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thu phí theo khối lượng; đẩy mạnh tái chế thông qua cơ chế mở rộng trách nhiệm nhà sản xuất (EPR). Đồng thời, cần hạn chế chôn lấp, tăng cường xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng; sản xuất phân compost từ chất thải hữu cơ; đốt chất thải rắn để phát điện; sản xuất viên nén nhiên liệu từ chất thải rắn.
Giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật trong thời gian tới
Cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn. Cần hướng dẫn và triển khai thực hiện hiệu quả các quy định về trách nhiệm, lộ trình và phương thức giảm phát thải khí nhà kính của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản dưới luật. Trong đó cần đặc biệt chú trọng phát triển thị trường carbon trong nước và mở rộng, kết nối với thị trường carbon quốc tế; thực hiện phân bổ hạn ngạch phát thải; xây dựng cơ chế trao đổi, bù trừ, cơ chế chứng nhận tín chỉ carbon; thiết lập sàn giao dịch tín chỉ carbon; xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) về giảm phát thải. Cần xây dựng và thực hiện các kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính các ngành, lĩnh vực; thực hiện kiểm kê và kế hoạch giảm phát thải trong các cơ sở phát thải lớn.
Đối với lĩnh vực chính là năng lượng, cần sửa đổi Luật Điện lực để hoàn thiện chính sách về đầu tư, quy hoạch, điều hành giá điện, phát triển thị trường điện cạnh tranh; phát triển các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo; xây dựng cơ chế đấu giá, đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư kèm giá điện; cụ thể hóa chính sách xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải; xây dựng hệ thống truyền tải điện thông minh; cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp. Xây dựng và ban hành Luật về năng lượng tái tạo để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới; triển khai thực hiện thành công Quy hoạch điện VIII. Sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010 để thúc đẩy giảm cường độ năng lượng của nền kinh tế, ban hành chế tài và các tiêu chuẩn, quy chuẩn bắt buộc về sử dụng hiệu quả năng lượng.
Cần khơi thông các nguồn tài chính xanh để thu hút đầu tư thông qua việc ban hành các tiêu chí và cơ chế xác nhận dự án xanh, từ đó thúc đẩy phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh. Cần tận dụng mọi cơ hội mà JETP mang lại, đồng thời, chú trọng tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, tăng cường năng lực quản trị, để có thể hấp thụ, sử dụng hiệu quả các khoản vay, đầu tư cho phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, cũng cần hoàn thiện chính sách để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực, là những yếu tố quan trọng cho quá trình chuyển đổi xanh.
Cam kết Net Zero là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, phù hợp với xu thế chung của thời đại. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song cam kết Net Zero đã và đang nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời cũng sẽ giúp huy động nguồn lực, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, góp phần quan trọng để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới.