Xây dựng bản đồ ẩm thực để "giữ" chân du khách
Với ba mục tiêu trọng tâm phát triển du lịch trong năm 2025, thành phố Đà Nẵng đang từng bước triển khai những nhiệm vụ cụ thể, trong đó thực hiện các cách làm mới, nhằm tạo thêm điểm nhấn hấp dẫn, thu hút du khách lưu trú dài ngày. Năm 2025, thành phố đặt mục tiêu đón tiếp và phục vụ hơn 11,9 triệu lượt khách tại các cơ sở lưu trú; tổng doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành phấn đấu đạt hơn 36.000 tỷ đồng.
Kể từ khi Cẩm nang ẩm thực Michelin chính thức giới thiệu tại Đà Nẵng vào tháng 6/2024, Đà Nẵng trở thành thành phố thứ ba của Việt Nam được tổ chức ẩm thực uy tín toàn cầu này ghi nhận với các món hải sản đặc sắc và ẩm thực vùng miền đa dạng. Hiện nay, 36 nhà hàng và quán ăn tại Đà Nẵng đã được Michelin Guide vinh danh “ngon, giá hợp lý” Bib Gourmand 2024, một nhà hàng được trao một sao Michelin và một nhà hàng đạt Sao Xanh Michelin (Michelin Green Star). Đầu năm 2025, thành phố vinh dự được xếp vào danh sách điểm đến lý tưởng cho du lịch ẩm thực và người làm việc từ xa (digital nomad) trong năm 2025. Trong khu vực châu Á, Michelin Guide đã đề xuất Đà Nẵng là một trong 10 điểm đến không thể bỏ qua trong năm 2025 dành cho những du khách yêu thích ẩm thực và khám phá.
Là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng, thực hiện chương trình Hộ chiếu ẩm thực Đà Nẵng Food Tour từ cuối năm 2024, hiện nay, thành phố tiếp tục mở rộng sáng kiến này với hoạt động trải nghiệm thu thập con dấu để đổi nhiều quà tặng hấp dẫn trong giai đoạn từ ngày 28/3-28/6. Trong đợt này, Đà Nẵng tiếp tục phát hành 5.000 Hộ chiếu ẩm thực (song ngữ) với nhiều ưu đãi hấp dẫn dành cho du khách. Chương trình không chỉ cung cấp thông tin về các địa điểm ẩm thực và món ăn đặc sản địa phương, vùng miền và quốc tế, mà còn tạo ra những trải nghiệm tương tác hấp dẫn cho du khách. Thông qua trang web chính thức www.foodtourdanang.vn, du khách có thể truy cập Bản đồ số ẩm thực Đà Nẵng với đầy đủ thông tin về 400 địa điểm ẩm thực uy tín, các nhà hàng được Michelin Guide vinh danh và danh mục đa dạng các đặc sản làm quà.
Theo đánh giá của nhiều du khách, ẩm thực Đà Nẵng mang đặc trưng riêng biệt với hương vị đậm đà của miền trung đầy nắng và gió, tạo nên nét khác biệt so với ẩm thực Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Chị Phan Hải Quỳnh Nga, du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản, hiện trú tại quận Thanh Khê, chia sẻ sau khi nhận Hộ chiếu ẩm thực tại sân bay quốc tế Đà Nẵng và trải nghiệm ẩm thực tại nhà hàng Madame Lân: “Tôi rất vui vì món Mì Quảng của quê hương vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Với tôi, Mì Quảng chính là hương vị quê nhà. Văn hóa ẩm thực có ý nghĩa đặc biệt đối với những người xa quê như tôi. Mỗi lần trở về hay khi nhớ nhà, tâm hồn vẫn hướng về những món ăn mang đậm vị quê hương, dù đã đi nhiều nơi và thưởng thức nhiều món ẩm thực trên thế giới”.
![]() |
Đại sứ du lịch Đà Nẵng, Hoa hậu Quốc tế 2024 Huỳnh Thị Thanh Thủy quảng bá ẩm thực Đà Nẵng tại Lễ hội Đà Nẵng Food Tour 2025. |
Bà Đỗ Thị Yến, Giám đốc và chủ chuỗi Nhà hàng Hiên Nhà Veranda Đà Nẵng và Draft Beer, cho biết: “Được lựa chọn là đối tác trong chương trình Hộ chiếu ẩm thực Đà Nẵng Food Tour, chúng tôi đã cẩn trọng tuyển chọn và giới thiệu những món ăn đặc sắc, độc đáo nhất nhằm tạo ấn tượng khó quên cho thực khách. Việc tham gia vào Bản đồ số ẩm thực Đà Nẵng không chỉ là sự công nhận mà còn là động lực để nâng cao chất lượng phục vụ, góp phần quảng bá giá trị đặc sắc của ẩm thực Việt Nam trên bản đồ ẩm thực thế giới”.
Đa dạng hóa thị trường ẩm thực
Hiện nay, Đà Nẵng đang đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nhằm xây dựng hình ảnh là điểm đến ẩm thực hàng đầu, nơi hội tụ và giao thoa giữa ẩm thực truyền thống địa phương và ẩm thực quốc tế. Thành phố liên tục tổ chức các sự kiện như chiến dịch Hộ chiếu ẩm thực, Lễ hội ẩm thực, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh ngành ẩm thực. Thành phố cũng chú trọng kết nối các cơ sở ăn uống với các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ như iPOS, KiotViet nhằm tối ưu hóa quy trình kinh doanh và nâng cao trải nghiệm của thực khách. Những nỗ lực này không chỉ góp phần quảng bá giá trị ẩm thực Việt Nam mà còn tạo động lực thu hút du khách quay trở lại Đà Nẵng.
Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ban hành Đề án định hướng phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định ẩm thực là một trong những sản phẩm du lịch chiến lược cần được ưu tiên nâng cao chất lượng và phát triển đa dạng, sáng tạo. Thành phố đặc biệt chú trọng phát triển ẩm thực địa phương, ẩm thực miền trung và tinh hoa ẩm thực Việt Nam trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng. Mỗi sản phẩm ẩm thực đều được chú trọng yếu tố “chuẩn vị”, hấp dẫn về thị giác lẫn khẩu vị, đồng thời thể hiện rõ nét đặc trưng vùng miền.
Về thị trường khách, Đà Nẵng ưu tiên phát triển nguồn khách nội địa từ các tỉnh, thành phố có đường bay trực tiếp như Hà Nội, Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Thành phố Hồ Chí Minh.
Đối với thị trường quốc tế, thành phố tập trung thu hút các phân khúc khách có khả năng chi tiêu cao như khách du lịch giải trí, MICE, Golf, nghỉ dưỡng, du lịch cưới… từ các thị trường khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, từng bước mở rộng khai thác các thị trường mới, tiềm năng Tây Âu, Nga, Australia, New Zealand, Ấn Độ và Hoa Kỳ.
Để trở thành điểm đến ẩm thực nổi bật, Đà Nẵng xác định phát triển sản phẩm du lịch ẩm thực theo ba nhóm ẩm thực địa phương, ẩm thực vùng miền và ẩm thực quốc tế. Mỗi nhóm đều được phát triển theo ba phân khúc, cụ thể: Sản phẩm du lịch ẩm thực cao cấp phục vụ đối tượng khách hàng có nhu cầu trải nghiệm đẳng cấp; sản phẩm du lịch ẩm thực đường phố gắn liền với giá trị truyền thống; và sản phẩm ẩm thực gắn với nông nghiệp nông thôn, tận dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu địa phương, góp phần bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân.
Hơn 20 năm làm trong ngành ẩm thực với vai trò đầu bếp chính và hiện đang công tác tại khách sạn Sheraton Grand Danang Resort, ông Lê Thành Tài, Chủ tịch Hiệp hội đầu bếp chuyên nghiệp Đà Nẵng cho biết: Đối với một thành phố du lịch nổi tiếng như Đà Nẵng, việc xây dựng thương hiệu địa phương thông qua ẩm thực, thông qua phát triển các món ăn mang đậm bản sắc vùng miền có vai trò chiến lược. Song song với việc nâng cao chất lượng phục vụ du khách trong nước, chúng tôi đặc biệt chú trọng thích ứng với nhu cầu của khách quốc tế từ các thị trường mới nổi, trong đó có Ấn Độ. “Chúng tôi đã và đang nỗ lực nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đa dạng hóa các món ăn đặc trưng, đồng thời tăng cường liên kết và hợp tác giữa các đơn vị để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho du khách. Yếu tố then chốt nhất là phát triển nguồn nhân lực đầu bếp, nâng cao tính chuyên nghiệp trong sử dụng thực phẩm để phục vụ đa dạng khách trong nước và quốc tế”, ông Tài nhấn mạnh.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh khẳng định: Để phát triển ẩm thực trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, thúc đẩy chi tiêu và thu hút khách, thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Chúng tôi không chỉ khuyến khích các cơ sở kinh doanh nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn áp dụng các cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc trưng của Đà Nẵng. “Năm 2025, lần đầu tiên thành phố tổ chức thành công Lễ hội Đà Nẵng Food Tour 2025, mở ra cơ hội trải nghiệm tinh hoa ẩm thực Đà Nẵng. Đây là sự kiện quan trọng trong chuỗi hoạt động văn hóa, du lịch của thành phố, không chỉ nhằm tôn vinh và quảng bá giá trị văn hóa ẩm thực địa phương, vùng miền và quốc tế, mà còn đặt nền móng để phát triển thành sự kiện hằng năm, góp phần đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến ẩm thực hàng đầu trên bản đồ du lịch thế giới”, bà Hạnh cho biết thêm.