Gần đây, có nhiều tài liệu Hán Nôm được phát hiện, giải mã, qua đó hé lộ những luận cứ mới độc đáo, thú vị, lần đầu được Bảo tàng tỉnh Gia Lai mang ra trình làng.
Qua 3 năm nghiên cứu, điền dã, nhóm đề tài đã sưu tầm được hàng nghìn hiện vật, hình ảnh, tài liệu các loại, bao gồm toàn bộ các đạo sắc phong thần lưu giữ tại các đình làng, hầu hết là các sắc lệnh - sắc phong cho những người có công với đất nước, phần lớn địa bạ cổ xưa được lưu giữ tại các tư gia và hàng trăm hoành phi, câu đối, bia ký tại các chùa chiền, miếu mạo, tư gia, lăng mộ trên địa bàn tỉnh.
Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn, công tác tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai, từng 20 năm sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng ông lựa chọn trở về quê hương để khởi động dự án mà bản thân ấp ủ từ nhiều năm trước. “Khoảng trống” đang bị bỏ ngỏ được ông cùng các cộng sự bổ khuyết, khai mở nguồn tri thức, tư liệu quý từng lẩn khuất đâu đó trong các gia đình, dòng tộc hoặc đình làng, miếu mạo, mộ địa hay chùa chiền...
Theo Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn, không gian tư gia chiếm số lượng lớn nhất trong tổng số các điểm lưu trữ hiện vật, tài liệu Hán Nôm. Ở đây bao gồm các ngôi nhà cổ, những gia đình dòng họ sinh sống lâu đời tại Gia Lai còn giữ được các giấy tờ Hán Nôm như sắc, lệnh, giấy tờ đất, hoành phi, câu đối được thờ tự, trang trí trong gia đình hoặc từ đường. Những nhà sưu tập cổ vật cũng đóng góp một phần quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản Hán Nôm Gia Lai thông qua việc sưu tầm, giao lưu, tìm hiểu, triển lãm, quảng bá các cổ vật tạo thành một môi trường sống sinh động cho di sản Hán Nôm.
Trong hành trình khảo sát di sản văn tự cổ, Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn đã phát hiện Gia Lai còn một địa điểm lưu giữ tư liệu thời Tây Sơn. Đây cũng là nơi cất giấu kho tư liệu lớn nhất tỉnh với gần 500 trang chữ viết Hán Nôm liên quan chủ yếu đến ruộng đất từ thời vua Cảnh Thịnh đến thời vua Bảo Đại. Các tư liệu này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử, văn hóa người Kinh ở phía đông Gia Lai qua hơn hai thế kỷ. Theo thống kê và phân loại sơ bộ, khối tài liệu đồ sộ này gồm khoảng 480 trang viết trên giấy dó, chia theo triều đại thì thuộc hai nhóm: Nhóm tư liệu thời Tây Sơn và nhóm tư liệu thời Nguyễn. Tình trạng tài liệu còn tương đối tốt; tuy nhiên, cần nhanh chóng có biện pháp bảo quản phù hợp để kéo dài tuổi thọ của tư liệu. Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn khẳng định, đây là kho báu chưa từng được nhà nghiên cứu nào biết đến, ngay cả gia đình đang cất giữ các tư liệu cũng không xác định được niên đại và nội dung của các văn bản. Người cung cấp thông tin cho nhóm thực hiện đề tài là bà Lý Thái Lan (sinh năm 1955, ở thôn An Điền Bắc, xã Cửu An, thị xã An Khê, Gia Lai), cho biết: “Đây là giấy tờ ông bà để lại và gia đình cất giữ lâu nay, không rõ có từ khi nào; gia đình không ai đọc được”.
Trong số các tư liệu đó, nhóm tư liệu thời Tây Sơn có ba văn bản niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 8 (tức năm 1800), đáng chú ý là cả ba văn bản này cùng chung một nội dung. Nhóm tư liệu thời Nguyễn gồm 11 đời vua: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại. Số trang tư liệu lớn nhất trong kho tư liệu này là các văn bản thời Tự Đức, khoảng 180 trang, chiếm hơn một phần ba tổng số trang; tiếp theo là các thời Minh Mạng, Thành Thái, Thiệu Trị, Khải Định. Nhìn vào tỷ lệ này, chúng ta có thể tạm suy luận rằng, chính sách di dân, khai khẩn cũng như quản lý đất đai vùng Tây Sơn thời nhà Nguyễn bắt đầu được thúc đẩy mạnh mẽ từ thời Vua Minh Mạng, Thiệu Trị và đạt đến đỉnh điểm là thời Vua Tự Đức, sau đó suy yếu dần theo sự suy tàn của nhà Nguyễn.
Nhóm tư liệu thời Tây Sơn có ba văn bản chữ viết bằng bút lông mực tàu trên một tờ giấy dó gấp đôi, trong đó một văn bản khổ và chữ lớn nhất đang mục nát nặng, một văn bản đóng chung thành tập với các văn bản thuộc các triều đại khác (Hàm Nghi, Tự Đức). Điều đặc biệt là nội dung ba văn bản này giống hệt nhau, cùng ghi niên hiệu “Cảnh Thịnh bát niên ngũ nguyệt sơ bát nhật” nghĩa là “ngày mồng 8 tháng 5 năm Cảnh Thịnh thứ 8 (1800)”. (“Cảnh Thịnh” trong lịch sử nước ta là niên hiệu thời Vua Nguyễn Quang Toản, con của Vua Quang Trung). Tuy vậy, xét về kích thước tờ giấy và kiểu chữ viết thì ba văn bản nêu trên lại là ba kiểu khác nhau. Như vậy, chỉ có một văn bản gốc, các văn bản khác là sao chép lại.
Nội dung văn bản này nói về việc người phụ nữ tên là “mụ Thiện” ở Đội 1, Kiến An Vạn Khư, thôn Tây Sơn, thuộc Thời Hòa, huyện Phù Ly, phủ Quy Nhơn có ba miếng ruộng do ông bà để lại, vì “dụng sự vô tiền” (cần việc mà không có tiền) nên bán cho người thân trong họ là “vợ chồng lão Tầm” với giá 60 đồng. Cuối văn bản này có điểm chỉ của người bán là “mụ Thiện”, chữ ký của người viết tờ khế là tên “Đá” và chữ ký của hai người làm chứng là “Chỉ huy sứ” tên Lãnh và “Biện Cửu” (Biện lại tên Cửu). Theo ngôn ngữ đương thời văn bản này được gọi là “khế” (tức khế ước, văn tự để làm tin, ngày nay thường gọi là hợp đồng).
Khi lần đầu nhìn thấy tờ giấy có ghi niên hiệu “Cảnh Thịnh”, nhóm thực hiện đề tài không khỏi bất ngờ vì thứ mà mình mong mỏi, tìm kiếm mấy năm cuối cùng cũng xuất hiện. Đối với gia đình bà Lan, các giấy tờ ruộng đất này hiện giờ đã không còn giá trị sử dụng, được xem là kỷ vật của ông bà để lại. Tuy nhiên, đối với những người làm công tác bảo tàng, cũng như những người nghiên cứu về lịch sử, văn hóa địa phương thì đây lại là một kho tàng vô giá, bởi từ đây có thể giải mã ra nhiều điều còn bỏ ngỏ do thiếu hoặc chưa khai thác được thông tin từ các tư liệu Hán Nôm tại thực địa.
Dòng họ Nguyễn Cảnh ở Cửu An là một trường hợp điển hình ở Gia Lai về quá trình di cư tích tụ ruộng đất bằng cách mua bán, khai hoang từ thời Tây Sơn sang thời Nguyễn, từ vùng Tây Sơn Hạ lên Tây Sơn Thượng suốt quãng thời gian hơn 200 năm. Trong văn cúng của ngôi miếu cổ xưa nhất ở Cửu An là dinh Bà (tức miếu An Điền/An Điền Bắc thuộc Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo), họ Nguyễn Cảnh cũng được dân làng địa phương ghi công là bậc tiền hiền. Vì vậy, chưa cần biết dòng họ này gốc gác từ đâu, đến Cửu An từ năm nào, chỉ cần dựa vào số giấy tờ đất và văn cúng ở dinh Bà đã đủ khẳng định dòng họ này đã có mặt ở Cửu An từ thời kỳ đầu và có công khai hoang lập làng tại đây từ xa xưa.
Mở rộng khai thác nguồn tài liệu này, nhóm thực hiện đề tài biết được một cách cụ thể việc di cư và tích tụ ruộng đất, biến đổi địa danh của người Kinh trong vùng giáp ranh giữa Bình Định và Gia Lai thời Tây Sơn và thời nhà Nguyễn. Khi nhìn thấy những dòng chữ này trong khối tư liệu khổng lồ, nhóm thực hiện đề tài đã trình bày nguyện vọng với gia đình bà Lan, muốn đưa vài tờ văn bản gốc trong số này về Bảo tàng tỉnh Gia Lai để lưu trữ và trưng bày. Mãi ba năm sau, gia đình bà Lan mới quyết định trao số tư liệu quý giá này cho bảo tàng; điều khiến các thành viên bất ngờ là gia đình bà Lan đã trao cho họ toàn bộ khối tài liệu đang giữ với tinh thần hiến tặng vô tư. Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang tiến hành làm thủ tục tiếp nhận hiện vật hiến tặng để ghi nhận tấm lòng của gia đình bà Lan.
Ông Nguyễn Cảnh Do (sinh năm 1940, ở thôn An Điền Bắc, xã Cửu An), anh chồng của bà Lan, nguyên phụng tế đình Cửu An chính là người đã chỉ dẫn các nhà nghiên cứu đến gặp bà Lan và xin tiếp cận kho tư liệu quý báu nêu trên. Ông bày tỏ: “Gia đình chúng tôi chỉ mong các anh chị giữ gìn tốt và khai thác được nhiều thông tin có giá trị về vùng đất Cửu An mà dòng họ Nguyễn Cảnh đã nhiều đời góp công, góp của khai phá, xây dựng, phát triển”.
( Còn nữa)