Đây được xem là giải pháp mang lại hiệu quả cao trong việc tiết kiệm thời gian, chi phí và bảo vệ sức khỏe người dân, qua đó góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp của địa phương phát triển theo hướng hiện đại và bền vững.
Gia đình anh Hoàng Văn Đạt, xã Phúc Thọ Lâm Hà hiện đang canh tác 10 ha cà-phê xen mắc-ca. Vụ cà-phê vừa qua, sau khi trừ chi phí gia đình anh Đạt thu lãi gần 500 triệu đồng. Anh Hoàng Văn Đạt cho biết, do diện tích canh tác lớn cho nên chi phí nhân công, tiền mua thuốc bảo vệ thực vật để phun theo cách truyền thống khá tốn kém.
Bên cạnh đó, vì phải phun thuốc nhiều lần trong năm cho nên ảnh hưởng tới sức khỏe người dân. Vì vậy, để giảm chi phí trong sản xuất, bảo đảm sức khỏe cho gia đình, đầu năm 2025, anh Đạt quyết định mua 1 drone với giá 360 triệu đồng để phục vụ phun thuốc bảo vệ thực vật trong vườn nhà.
“Nếu như trước đây, tôi sử dụng loại máy phun áp lực cao chạy bằng động cơ điện, phải trực tiếp cầm vòi để phun theo từng hàng cây, thời gian làm việc liên tục trong 3 ngày mới hoàn tất việc phun thuốc bảo vệ thực vật cho 1 ha cà-phê. Bây giờ, 1 ha cà-phê chỉ cần một buổi sáng là phun thuốc hoàn tất, cái lợi nhất là an toàn sức khỏe cho mình, giảm được chi phí nhân công, chi phí thuốc”, anh Đạt khẳng định.
Hợp tác xã Laba Banana Đạ K’Nàng, xã Đam Rông 1 hiện đang sản xuất hơn 100 ha chuối để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ông Nguyễn Huy Phương, Giám đốc Hợp tác xã Laba Banana Đạ K’Nàng cho biết, trước đây, để phun thuốc bảo vệ thực vật cho 100 ha chuối thì cần 30 nhân công làm việc liên tục từ 2 đến 3 tháng theo hình thức cuốn chiếu. Trung bình, số tiền chi trả cho mỗi nhân công từ 400 đến 500 nghìn đồng/ngày. Tổng chi phí nhân công, thuốc, vật tư là rất lớn. Hiện nay, 100 ha chuối phun thuốc bằng drone chỉ cần 3 công nhân, thời gian mất khoảng 1 tháng là hoàn tất.
Tại các xã như: Đạ Huoai, Đạ Huoai 2, sầu riêng là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương, mang lại giá trị kinh tế cao, giúp đời sống người dân trở nên khấm khá, thịnh vượng. Trung bình, 1 ha sầu riêng cho thu nhập hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng/vụ.
Để nâng cao hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, nhiều nông dân đã chú trọng áp dụng công nghệ cao vào khu vườn của mình như: Sử dụng drone để phun thuốc, lắp đặt hệ thống tưới tự động và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc hướng hữu cơ. Qua thống kê sơ bộ cho thấy hai xã này có khoảng 30 hộ dân đã đầu tư drone để phun thuốc cho cây sầu riêng.
Ông Phan Quang Thực, cán bộ xã Đạ Huoai 2 cho biết, đối với cây ăn trái như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm… là những cây cao lớn, tán rộng, nên sử dụng drone để phun thuốc là giải pháp tối ưu và hiệu quả. Thiết bị drone giúp các nhà vườn rút ngắn thời gian phun thuốc, tiết kiệm chi phí nhân công, thuốc bảo vệ thực vật.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Hoàng Phúc cho biết, việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp luôn được địa phương khuyến khích phát triển. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, các hộ dân mua sắm drone phục vụ sản xuất nông nghiệp đều phải làm hồ sơ, thủ tục đăng ký với cơ quan chức năng.
Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo người dân chỉ sử dụng drone để phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thuần, diện tích lớn, hạn chế sử dụng phun thuốc ở diện tích nhỏ, cây trồng xen để tránh sự ảnh hưởng do thuốc phát tán, lây lan. Việc sử dụng drone trong sản xuất nông nghiệp đã và đang trở thành công cụ đắc lực, giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm thời gian, chi phí, bảo vệ sức khỏe, góp phần đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong nông nghiệp của địa phương.