Đọc Đường Kách mệnh, nghĩ về đạo đức người cách mạng

Năm 1927, Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức tập hợp các bài giảng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc tại các lớp huấn luyện cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên trong những năm 1925-1927 thành một cuốn sách mang tên: Đường Kách mệnh.

Đọc Đường Kách mệnh, nghĩ về đạo đức người cách mạng

Đường Kách mệnh đã định hướng căn bản, toàn diện con đường phát triển của cách mạng Việt Nam phù hợp quy luật vận động của lịch sử dân tộc và đặc điểm, xu thế của thời đại. Từ ấy đến nay đã 90 năm, Đường Kách mệnh vẫn nguyên giá trị thực tiễn to lớn.

Trong Đường Kách mệnh, Nguyễn Ái Quốc đã bắt đầu từ bài Tư cách một người Kách mệnh. Theo Người, muốn làm cách mệnh thì trước hết “phải có Đảng cách mệnh”; “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy”. Đảng muốn vững thì những người cán bộ, đảng viên của Đảng phải là những người tiên phong gương mẫu, có tư cách đạo đức tốt. Nguyễn Ái Quốc đã nhận thức sâu sắc rằng: người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, vì nếu không có đạo đức cách mạng thì không tài nào hoàn thành được nhiệm vụ cao cả của cách mạng. Người có đạo đức cách mạng là những người luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của dân tộc, của cách mạng lên trên lợi ích riêng tư của cá nhân; là người biết lo trước cái lo của dân, vui sau cái vui của dân,…

Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực nhất về đạo đức cách mạng, một lòng một dạ vì nước vì dân, hy sinh cả hạnh phúc riêng của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chính sự mẫu mực của Bác là một tấm gương sáng soi đường, là lời hiệu triệu có sức mạnh lớn nhất để tập hợp lực lượng, là một điểm tựa tinh thần vĩ đại của cách mạng và dân tộc Việt Nam.

Các tác phẩm cũng như các bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều toát lên tư tưởng đạo đức là cái gốc, cái nền tảng của người làm cách mạng. Người luôn nhắc nhở việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, xem đó là điều có ý nghĩa quyết định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng,...

Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn nhấn mạnh vấn đề xây dựng đạo đức trong nội bộ Đảng. Ngày 3-2-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân đăng trên Báo Nhân Dân đúng dịp kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng. Theo nhận định của Bác, bên cạnh nhiều cán bộ, đảng viên anh dũng, gương mẫu, làm nên những thành tích vẻ vang trong chiến đấu và lao động sản xuất, còn có một bộ phận đảng viên “mà đạo đức, phẩm chất còn thấp kém”, “mang nặng chủ nghĩa cá nhân”, “tham danh trục lợi”, “xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh…”. Bác lo lắng khi nhận ra có một bộ phận cán bộ, đảng viên tha hóa và sự tha hóa đó sẽ “làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”. Trong Di chúc, Bác đã đề cập việc Đảng cầm quyền và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên là “phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng”, “phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.

Ngày nay, chúng ta đang xây dựng đất nước trong bối cảnh rất nhiều thời cơ, thuận lợi và cũng không ít những thử thách, khó khăn. Kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức và hành động, đến cách nghĩ, cách làm của tất cả mọi người, trong đó có hơn 4,5 triệu đảng viên. Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đánh giá “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước. Tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ không chỉ ở cấp cơ sở mà ở cả một số cơ quan Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty…”. Những biểu hiện đó đã đưa đến hậu quả nghiêm trọng, như Nghị quyết T.Ư 4 khẳng định: “Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”.

Trước tình hình đó, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị là một trong những giải pháp quan trọng về xây dựng Đảng. Một là, soi lại những điều Bác viết về tư cách, đạo đức của người cán bộ, đảng viên, đối chiếu với 27 biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa mà Nghị quyết T.Ư4 (khóa XII) đã chỉ ra, kiên quyết làm trong sạch đội ngũ. Nêu gương phải bắt đầu từ trên xuống, từ cấp cao đến cấp thấp, từ người lãnh đạo cao nhất đến từng đảng viên. Trong Đảng phải kiên quyết thực hiện phương châm: nói đúng, làm đúng, làm đến nơi đến chốn, làm vì sự an dân, vì những nhu cầu chính đáng của nhân dân, vì sự phát triển của đất nước, vì sự tồn vong của Đảng và chế độ. Hai là, kiên quyết xử lý các tập thể, cá nhân vi phạm, xem như trị bệnh cứu người, cần thiết phải dùng thuốc đặc trị, phải phẫu thuật cắt bỏ khối u. Cán bộ càng cao có sai phạm càng phải xử nghiêm khắc hơn để làm gương cho cấp dưới. Kiên quyết không để tình trạng “luật cho dân, lệ cho quan”. Ba là, nêu gương trong việc công khai các bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, người đứng đầu trên các phương tiện truyền thông hoặc các website, cổng thông tin điện tử. Sớm hoàn chỉnh và áp dụng hệ thống quản lý tài khoản cá nhân, hạn chế giao dịch bằng tiền mặt. Bốn là, minh bạch trong các dự án, các công trình kinh tế sử dụng ngân sách, vốn vay ODA, trong việc giao quyền sử dụng đất, không để lợi ích nhóm thao túng. Năm là, tinh gọn bộ máy các cấp; cải cách chế độ tiền lương hợp lý để cán bộ có thể toàn tâm toàn ý thực hiện nhiệm vụ. Công khai tuyển dụng, công khai quy hoạch, công khai các tiêu chí và tổ chức thi tuyển các chức danh cán bộ trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Rà soát lại tất cả các khâu trong quy trình cán bộ. Sáu là, rà soát lại các quy định, hướng dẫn về kết nạp đảng viên, sinh hoạt chi bộ, đánh giá chất lượng đảng viên và tổ chức Đảng. Không đặt chỉ tiêu kết nạp đảng viên để xét tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh. Coi trọng chất lượng đảng viên hiện có. Coi trọng chất lượng cấp ủy và bí thư cấp ủy.

90 năm sau Đường Kách mệnh, những điều Bác viết vẫn nguyên vẹn ý nghĩa, vẫn mang tính thực tiễn sâu sắc. Đọc Đường Kách mệnh, thấm thía điều Bác ước: “Ước ao sao đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm cách mệnh”.