Từ mờ sáng, những thành viên của Trạm bảo vệ rừng Đèo Nam (xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam) lại bắt đầu hành trình tuần tra. Tổ bảo vệ rừng có hơn 110 người, đều là đồng bào dân tộc Rai.
Bảo vệ rừng không chỉ vì kế sinh nhai
Chị Nguyễn Ngọc Giang, 39 tuổi, thành viên Trạm bảo vệ rừng Đèo Nam, luôn coi mỗi lần vào rừng như một chuyến đi thiêng liêng. Mỗi chuyến tuần tra dài hàng chục km qua những cánh rừng rậm rạp, hiểm trở với hành trang là cơm nước, rìu, áo mưa, dụng cụ sơ cứu, chiếc võng, nhất là cây gậy dài để dò đường, tránh bẫy thú rừng hay rắn rết.

Bảo vệ rừng để được hưởng lợi từ rừng
Vừa dùng rìu phát bớt nhánh cây mở đường, chị Giang tranh thủ kể câu chuyện mà 20 năm gắn bó với rừng. Ngày đó, khu vực này không có nước sản xuất cho nên đồng khô nứt nẻ, không thể canh tác nông nghiệp. Người dân chủ yếu làm thuê và lượm nhặt sản vật trong rừng để bán, nhưng tiền làm thuê không đủ trang trải cuộc sống. Khi chính quyền địa phương thông báo tuyển người bảo vệ rừng, chị và nhiều người xung phong đăng ký tham gia.
![]() |
Anh Lê Hà Ngọt (40 tuổi), một thành viên kỳ cựu của Trạm Đèo Nam cũng chia sẻ: “Trước đây rừng bị tàn phá nhiều, mưa lớn thì lũ quét tràn xuống, mùa nắng thì khô khốc. Nay rừng đã phục hồi dần, nước suối trong hơn, không khí mát hơn. Nhiều khi chúng tôi cứu một con nai bị thương, hoặc mua lại động vật hoang dã để thả về rừng. Rừng không chỉ là nơi làm việc, mà còn là nơi để yêu thương và gìn giữ”.
Theo Chi cục Kiểm lâm của tỉnh, hiện nay có hơn 100.000 ha rừng được giao khoán bảo vệ cho đồng bào dân tộc thiểu số, phân bổ tại các huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh… Toàn tỉnh có 17 ban quản lý rừng và 2 công ty thực hiện giao khoán cho gần 4.000 hộ dân.
Trong nhiều năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó có sự đóng góp quan trọng của đồng bào dân tộc thiểu số. Sự đồng hành giữa cộng đồng dân cư tại chỗ và ngành nông nghiệp đã góp phần gìn giữ tài nguyên rừng quý giá, tạo thêm sinh kế, việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động là người dân tộc thiểu số.
Tại Trạm bảo vệ rừng Cầu Treo (huyện Hàm Thuận Nam), anh Nguyễn Ngọc Vấn - đội trưởng quản lý hơn 50 hộ nhận khoán rừng, cho biết, nhờ đội tuần tra thường xuyên cho nên nhiều vụ phá rừng đã được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. “Năm 2024, chúng tôi bắt được nhóm lâm tặc đang cưa cây bằng lăng, thu giữ máy móc, tuy nhiên, cũng gặp trường hợp lâm tặc chống trả quyết liệt khiến một số thành viên bị thương, thậm chí có đối tượng từng sử dụng súng tự chế đe dọa. Mặc dù vậy, đồng bào vẫn kiên trì bám rừng, phối hợp chặt chẽ cùng lực lượng kiểm lâm”, anh Vấn kể lại.
Lịch tuần tra rừng được duy trì đều đặn mỗi tuần. Ngoài những ngày trực chính thức, bất cứ khi nào có thông tin về cháy rừng hay lâm tặc, các đội tuần tra lại tức tốc lên đường. Những ngày không có lịch tuần tra, đồng bào vẫn canh rừng theo cách riêng: Vào rừng hái rau, bắt cá, trồng trọt gần bìa rừng. Chính sự hiện diện liên tục của người dân trong rừng đã trở thành “tai mắt”, hỗ trợ đắc lực cho lực lượng chức năng.
Nâng cao ý thức bảo vệ rừng
Rừng không còn là nơi kiếm sống mà đã trở thành phần máu thịt, là môi trường sinh tồn của cộng đồng dân cư, nhưng cũng cần có mức hỗ trợ không quá thấp để người dân yên tâm bảo vệ rừng. Hiện nay, mỗi người nhận khoán bảo vệ khoảng 30 ha rừng/năm, với mức hỗ trợ chỉ từ 300.000-400.000 đồng/ha/năm. Nhiều hộ phải kết hợp làm nông hoặc các nghề khác để bù đắp.
Theo ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bình Thuận, diện tích rừng rộng, địa hình hiểm trở, lại xen kẽ với khu dân cư khiến công tác quản lý gặp không ít khó khăn. Nhất là vào mùa khô, nguy cơ cháy rừng luôn thường trực, trong khi lực lượng kiểm lâm mỏng. Việc mở rộng diện tích giao khoán rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng mà còn tạo thêm công ăn việc làm, góp phần ổn định đời sống người dân.
![]() |
Ủy ban nhân dân tỉnh đã trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét điều chỉnh nâng mức chi trả bảo vệ rừng đối với các khu vực có đồng bào dân tộc sinh sống; dự kiến, mức khoán sẽ tăng lên từ 500.000-750.000 đồng/ha/năm tùy từng khu vực. Đồng thời, Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh cũng đang tham mưu đề xuất mức khoán năm 2025 là 600.000 đồng/ha/năm trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Việc tăng mức hỗ trợ là một bước đi cần thiết, không chỉ bảo đảm thu nhập cho người dân mà còn thể hiện sự ghi nhận đúng mức vai trò quan trọng của cộng đồng dân tộc thiểu số trong công cuộc giữ rừng.
Việc giao khoán bảo vệ rừng không chỉ là chính sách an sinh mà còn là giải pháp căn cơ trong chiến lược phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khi người dân trở thành chủ thể trong công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên, thì mỗi cánh rừng, mỗi tấc đất sẽ được bảo vệ bằng ý thức, bằng tình thương và bằng trách nhiệm.
Hy vọng, với quyết tâm chính trị từ cấp ủy, chính quyền địa phương và sự chung sức của đồng bào dân tộc thiểu số, công tác bảo vệ rừng tại Bình Thuận sẽ tiếp tục gặt hái những thành tựu bền vững, làm mẫu hình để nhân rộng ra các địa phương khác.