Kỳ 2: Hướng tới mô hình xuất, nhập khẩu bền vững

Động lực mới cho thương mại biên giới Lạng Sơn và Cao Bằng

Những kết quả đã đạt được tạo nền tảng vững chắc để hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng hình thành hệ sinh thái thương mại biên giới hiện đại, chuyên nghiệp và có tính thích ứng kết nối trong khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, các địa phương cần xây dựng, từng bước hoàn thiện mô hình cửa khẩu thông minh, đầu tư hạ tầng, xây dựng khu dịch vụ logistics cửa khẩu hoàn chỉnh và đồng hành với doanh nghiệp khắc phục, xử lý những vướng mắc phát sinh trong hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa.
0:00 / 0:00
0:00
Xe chở hàng chờ thông quan hàng hóa tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn).
Xe chở hàng chờ thông quan hàng hóa tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn).

Cam kết đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp

Với con số tăng trưởng bốn tháng đầu năm 2025, không chỉ phản ánh nhu cầu thị trường, mà còn là kết quả của những nỗ lực của hai địa phương trong việc củng cố năng lực cửa khẩu, cải thiện hạ tầng logistics, ứng dụng công nghệ và tinh giản thủ tục. Đáng chú ý, hệ thống cửa khẩu tại cả hai tỉnh được vận hành ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thông quan thuận lợi, nhanh chóng, đặc biệt trong cao điểm mùa vụ.

Tại hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng, các lực lượng chức năng tại khu vực cửa khẩu đều đã có những đổi mới trong cách tiếp cận-từ tư duy “quản lý” sang “đồng hành”, chia sẻ. Nhiều mô hình hỗ trợ doanh nghiệp như tổ phản ứng nhanh tại cửa khẩu, đường dây nóng phản ánh kiến nghị, hệ thống đăng ký phương tiện trực tuyến, nền tảng “cửa khẩu số” của tỉnh Lạng Sơn, phần mềm “một cửa điện tử” liên thông được triển khai hiệu quả...

Ông Hoàng Khánh Duy, Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn cho biết: Tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, Hải quan cùng lực lượng Biên phòng đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt trong điều hành, ứng dụng hiệu quả hệ thống quản lý tờ khai điện tử, chủ động phân luồng, phân tuyến phương tiện và tăng thời gian làm việc trong các khung giờ cao điểm. Trong đó, các hình thức quản lý hiện đại như soi chiếu container, giám sát camera, kiểm soát hàng hóa bằng máy móc đang được áp dụng rộng rãi, góp phần rút ngắn thời gian thông quan. “Chúng tôi coi việc tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là trách nhiệm đồng hành, chia sẻ”, ông Duy nhấn mạnh.

Ghi nhận những nỗ lực của các cơ quan chức năng khu vực cửa khẩu, ông Nguyễn Vũ Trụ, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển máy Việt Nam chia sẻ: “Trong quá trình nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu, doanh nghiệp chúng tôi đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng nói chung và của Hải quan Lạng Sơn nói riêng, tạo điều kiện để mặt hàng ô-tô vận tải nhập khẩu được thông quan nhanh nhất có thể”.

Tại tỉnh Cao Bằng, tinh thần sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp mới tham gia xuất, nhập khẩu chính ngạch, đang ngày càng rõ nét. Tỉnh Cao Bằng cũng cam kết đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bảo đảm công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho nhà đầu tư và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính Nhà nước. Cùng với đó, tỉnh sẽ đẩy nhanh hoàn thiện quy trình, thủ tục mở, nâng cấp các cửa khẩu, lối mở biên giới; tạo điều kiện tối đa về thời gian và thủ tục thông quan cho các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu hàng hóa; từng bước đầu tư xây dựng cửa khẩu thông minh để tạo điều kiện thúc đẩy xuất, nhập khẩu hàng hóa và tạo thuận lợi quản lý hoạt động thương mại biên giới.

Ông Nguyễn Kiên Cường, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Cao Bằng cho biết: Xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, không thể bỏ lỡ trong quá trình phát triển, đơn vị đang tích cực nghiên cứu, học tập, tham mưu, phối hợp, từng bước xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh, tiếp tục rút ngắn thời gian làm thủ tục và nâng cao năng lực thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu tại các cửa khẩu.

Đòn bẩy chuyển đổi số biên mậu

Chuyển đổi số không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành thực tiễn ở nhiều cửa khẩu. Trong thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng áp dụng đồng bộ phần mềm quản lý hồ sơ, giám sát phương tiện qua camera AI, tự động hóa phân luồng hàng hóa, kiểm tra thực tế bằng mã QR, lưu trữ hồ sơ điện tử… Tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn), mỗi ngày hàng trăm lượt xe được phân luồng và thông quan nhờ vào hệ thống tự động, giảm tối đa thời gian chờ đợi, nâng cao hiệu suất luân chuyển của phương tiện.

Bà Cao Hoài Phương, Phó Đội trưởng Hải quan Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị cho biết: “Nhờ các ứng dụng quản lý Hải quan và đặc biệt là nền tảng “Cửa khẩu số” của tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi hướng tới việc không cần hồ sơ giấy, giảm tiếp xúc trực tiếp, quy trình được giám sát từ xa, mọi việc thực hiện tự động, thông minh”.

Tại Cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng), lượng phương tiện và kim ngạch tăng nhanh trong thời gian ngắn hơn. Đáng chú ý, thời gian vừa qua, chính quyền địa phương tích cực huy động nguồn lực để từng bước nâng cấp hệ thống bãi xe, trạm kiểm soát, kho ngoại quan và các công trình phụ trợ, hướng tới hình thành một khu dịch vụ logistics cửa khẩu hoàn chỉnh. “Trong tương lai gần, hai địa phương Lạng Sơn và Cao Bằng cần tiếp tục đẩy mạnh tích hợp các nền tảng số trong quản lý-từ hải quan điện tử, điều phối bãi xe thông minh, cấp phép trực tuyến-đến kết nối dữ liệu giữa các cơ quan liên ngành. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian mà còn tăng tính minh bạch, kiểm soát rủi ro và nâng cao chất lượng phục vụ. Ngoài ra, các địa phương cũng cần khuyến khích phát triển mô hình logistics dịch vụ trọn gói, từ vận chuyển, lưu kho, kiểm định, đến làm thủ tục xuất, nhập khẩu cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ - đối tượng đang chiếm phần lớn trong cơ cấu xuất, nhập khẩu biên giới”, Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Đức Kiên khuyến cáo.

Kết nối liên vùng, đưa vùng biên vươn xa

Từ nền tảng đang có, Lạng Sơn và Cao Bằng đang đứng trước cơ hội lớn để định hình một hệ thống logistics biên giới thông minh, hiện đại và bền vững. Hệ sinh thái xuất, nhập khẩu không còn bị bó hẹp trong phạm vi địa phương. Việc kết nối giữa các khu công nghiệp, vùng nguyên liệu tại Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nội… với hệ thống logistics tại Lạng Sơn-Cao Bằng sẽ giúp tối ưu hóa chi phí vận chuyển, rút ngắn chuỗi cung ứng và tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa. Không những vậy, cả Lạng Sơn và Cao Bằng đều đang tích cực kết nối với các trung tâm logistics liên vùng, cảng biển, đường sắt quốc tế. Đặc biệt khi tuyến cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh được đưa vào sử dụng sẽ là trục xương sống mới, rút ngắn hành trình từ biên giới ra cảng biển, mở rộng biên độ xuất, nhập khẩu. Từ đây, vùng biên không chỉ là “điểm đầu” mà sẽ trở thành “trung tâm trung chuyển” trong chuỗi liên kết với thị trường Trung Quốc.

Để giữ vững và mở rộng thành quả này, tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Cao Bằng cần tiếp tục triển khai hoàn thiện hạ tầng logistics, trong đó ưu tiên đầu tư các trung tâm phân phối, kho ngoại quan, trạm kiểm định đạt chuẩn quốc tế tại cửa khẩu Hữu Nghị, Trà Lĩnh. Đồng thời mở rộng các tuyến đường kết nối cao tốc với các cửa khẩu, bảo đảm dòng chảy hàng hóa thông suốt từ vùng nguyên liệu đến biên giới. Cùng với đó, lực lượng chức năng hai địa phương cần chú trọng, tăng cường hợp tác song phương, đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan quản lý cửa khẩu phía Trung Quốc để đồng bộ quy trình thông quan, nâng cao hiệu quả quản lý.

Để thực hiện những điều này, công tác xây dựng đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp, đào tạo cán bộ, công chức làm công tác cửa khẩu, logistics có kỹ năng số, am hiểu pháp luật quốc tế và kỹ thuật chuyên ngành luôn phải được chú trọng và thực hiện thường xuyên liên tục. Đồng thời nâng cao vai trò hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng các nền tảng khai báo điện tử, truy xuất nguồn gốc, tích hợp mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói theo yêu cầu xuất khẩu chính ngạch.

Từ những con đèo sương giăng biên ải, nơi từng đoàn xe nối đuôi nhau lên Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Trà Lĩnh… đến những khu vực kiểm soát với công nghệ hiện đại đang dần hình thành, hai địa phương Lạng Sơn và Cao Bằng đã, đang chuyển mình để hòa vào nhịp phát triển thương mại sôi động. Mỗi chuyến hàng thông quan suôn sẻ, mỗi thủ tục được số hóa, mỗi cung đường được mở rộng... đều là minh chứng cho nỗ lực xây dựng tuyến biên giới không chỉ là nơi giao thương, mà còn là không gian phát triển năng động, bền vững. Với tiềm lực, quyết tâm và những bước đi bài bản, hai tỉnh địa đầu Tổ quốc Lạng Sơn và Cao Bằng đang từng bước khẳng định vị thế là cánh cửa mở ra cơ hội mới cho kinh tế khu vực và cả nước.

(*) Xem Báo Nhân Dân, trang Trung du và miền núi Bắc Bộ số ra ngày 10/5/2025

Theo báo cáo tình hình xuất, nhập khẩu trong bốn tháng đầu năm của Chi cục Hải quan khu vực VI, hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng ghi nhận sự đột phá trong hoạt động xuất, nhập khẩu. Tổng số thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến hết ngày 14/4/2025 đạt 3.112 tỷ đồng, đạt 44% so với chỉ tiêu giao đầu năm, đạt 32% so với chỉ tiêu phấn đấu, trong đó địa bàn Lạng Sơn thu đạt 2.429 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2024, đạt 38% so với chỉ tiêu giao đầu năm, đạt 29% so với chỉ tiêu phấn đấu; địa bàn Cao Bằng đạt 683 tỷ đồng, tăng 143% so với cùng kỳ năm 2024, đạt 99% so với chỉ tiêu giao đầu năm, đạt 57% so với chỉ tiêu đề ra.