Đưa tác phẩm văn học gần hơn với độc giả Đà Nẵng

NDO - Sáng 17/5, tại Trường đại học Đông Á Đà Nẵng diễn ra buổi ra mắt và giao lưu sách cùng hai tác giả gồm: Nhà báo, nhà thơ Trần Tuấn, Trưởng Ban đại diện Báo Tiền Phong miền trung tại Đà Nẵng với tập thơ "Sống là gì lâu quá đã quên” và Nhà báo Hồ Tấn Vũ, Trưởng Văn phòng đại diện Báo Tuổi Trẻ khu vực Trung Trung Bộ với tiểu thuyết “Vùng sương phủ, hầm sâu và đảo vắng”. Cả hai tác phẩm này đều do Nhà xuất bản Đà Nẵng in, phát hành năm 2025.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Lương Minh Sâm, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Đông Á tặng hoa chúc mừng hai tác giả Trần Tuấn và Hồ Tấn Vũ. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Ông Lương Minh Sâm, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Đông Á tặng hoa chúc mừng hai tác giả Trần Tuấn và Hồ Tấn Vũ. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Tham dự buổi ra mắt sách có các văn nghệ sĩ, nhà thơ, nhà báo đến từ thành phố Huế, tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng cùng đông đảo sinh viên Đà Nẵng.

Chia sẻ về hành trình sáng tạo của mình, cả hai nhà báo Trần Tuấn và Hồ Tấn Vũ đều mong muốn bạn đọc, bạn yêu mến văn chương, đặc biệt các bạn sinh viên sẽ đón nhận và cảm thấu về tác phẩm bằng góc nhìn của mình.

Trên hành trình vạn dặm của chữ nghĩa, đối với nghề báo là những trải nghiệm thực tế, những tác phẩm báo chí mang đậm tính thời sự, nhưng đối với tác phẩm văn học, đây lại là những bài học, kinh nghiệm, trải nghiệm các tác giả từng trải qua, hay đang hướng về để gửi gắm nhiều ước vọng.

Đưa tác phẩm văn học gần hơn với độc giả Đà Nẵng ảnh 1

Nhà báo, nhà thơ Trần Tuấn chia sẻ về tập thơ "Sống là gì lâu quá đã quên” tại buổi ra mắt, giao lưu với độc giả Đà Nẵng. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Nhà báo, nhà thơ Trần Tuấn từng xuất bản 6 tác phẩm gồm thơ, ký sự nhân vật, ký sự đường xa. Trong đó, tập thơ Ma thuật ngón (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2008) của anh giành giải Nhất giải Thơ Bách Việt lần thứ nhất, 2009.

Nói về tập thơ "Sống là gì lâu quá đã quên”, nhà thơ Trần Tuấn bộc bạch: Cách tiếp cận tác phẩm văn học của độc giả ngày nay đã khác xưa rất nhiều và đối với một người sáng tạo, khi một tác phẩm đã được sinh ra, tác giả không còn quyền năng chi phối cách thức tiếp nhận nữa. Và tác phẩm phải được bạn đọc đón nhận và tiếp nhận bằng trực quan riêng, không phụ thuộc vào ý định ban đầu của tác giả.

Các lý thuyết tiếp nhận cũ không còn phù hợp, thay vào đó là một cách tiếp cận mới, linh hoạt hơn. Việc tiếp nhận văn bản không còn bị ràng buộc bởi các lý thuyết, mà trở nên tự do hơn. Với tập thơ "Sống là gì lâu quá đã quên”, tôi muốn gửi gắm nhiều hơn những điều còn lại”, nhà thơ Trần Tuấn chia sẻ.

Đưa tác phẩm văn học gần hơn với độc giả Đà Nẵng ảnh 2

Nhà báo Hồ Tấn Vũ chia sẻ về tiểu thuyết “Vùng sương phủ, hầm sâu và đảo vắng”. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Riêng đối với nhà báo Hồ Tấn Vũ, đây là cuốn sách đầu tiên của anh, với một hành trình lao động chữ nghĩa đúng mực. Cuốn tiểu thuyết đầu tay mang tên “Vùng sương phủ, hầm sâu và đảo vắng” dày 400 trang là những lát cắt chiêm nghiệm của tác giả về quê hương, những người bạn, những khúc mắc, cả những chông chênh của một đời người.

Với kinh nghiệm của một nhà báo, Hồ Tấn Vũ đã có cách truyền tải chất liệu sống vào tác phẩm một cách chỉn chu, không gò ép mà đọc, thấy cuốn và gợi nhiều điều đa nghĩa.

“Tôi mất 6 tháng liên tục để hoàn tất tác phẩm này. Mỗi ngày viết gần 1.000 chữ và đặt ra kỷ luật cho bản thân buộc phải hoàn thiện và không được bỏ dở. Trong suốt thời gian này, tôi đã trăn trở và xác định rõ từng nhân vật, kết cấu, xâu chuỗi từng câu chuyện để có thể truyền tải được câu chuyện của mình. Với bản thân tôi hay ai trong chúng ta cũng vậy, quê hương là điều ám ảnh, và quê hương là căn cốt góp phần định đoạt tính cách, nội tâm của một con người. Hy vọng tác phẩm góp thêm được một góc nhìn về cuộc đời và nếu ai đó đọc tác phẩm, thấy được một chút hình bóng họ trong đó, với tôi, đó là điều hạnh phúc nhất”, nhà báo Hồ Tấn Vũ chia sẻ thêm.

Đưa tác phẩm văn học gần hơn với độc giả Đà Nẵng ảnh 3

Hai tác giả trao tặng sách cho sinh viên Trường đại học Đông Á Đà Nẵng. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Buổi ra mắt sách của hai nhà báo đón nhận được sự quan tâm của rất nhiều sinh viên Đà Nẵng. Đây cũng là cách lan tỏa giá trị văn học đọc, xây dựng thói quen đọc sách và đưa tác phẩm văn học gần hơn với độc giả.

Em Đặng Thị Hà, sinh viên lớp CL24D, Ngành ngôn ngữ Trung Quốc, Trường đại học Đông Á chia sẻ: "Đây là lần thứ hai em được tham gia buổi giới thiệu tác phẩm văn học ý nghĩa như vậy, điều đặc biệt là tác giả của hai tác phẩm thơ, tiểu thuyết này là các nhà báo tên tuổi. Đối với sinh viên học ngành ngôn ngữ học như em, được tiếp cận với các tác phẩm văn học, lịch sử là điều rất quý và bổ ích”.

Đưa tác phẩm văn học gần hơn với độc giả Đà Nẵng ảnh 5

Hai tác giả ký tặng sách cho các bạn đồng nghiệp làm báo tại Quảng Nam-Đà Nẵng. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Trong khi đó, em Phan Bảo Nam, học sinh Trường trung học phổ thông Nguyễn Hiền (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) chia sẻ, em biết đến buổi ra mắt sách và giao lưu với các tác giả từ nhóm bạn học khối khoa học xã hội và đến tham gia.

“Nếu đọc tác phẩm thì em sẽ có cách cảm nhận khác, nhưng khi trực tiếp được nghe hai nhà báo tâm sự về tác phẩm, em hiểu thêm về quá trình hình thành một tác phẩm”, Bảo Nam cho biết.