Giữa năm 1965, tuyến vượt khẩu cơ giới duy nhất của ta từ Khe Ve, theo đường 12 vượt đèo Mụ Giạ, nối với đường 128 trên đất bạn Lào, qua Seng Phan, Lùm Bùm, Văng Mu... nhập vào đường 9 tại Na Bo. Thế nhưng, Seng Phan vốn đã là "túi bom", về mùa mưa lại trở thành "túi nước". Suối, khe cuồn cuộn chảy. Con đường quân sự làm gấp bị ngập sâu trong nước trắng mênh mông.
Chủ trương mở tuyến đường mới vắt ngang dãy Trường Sơn vừa sáng tạo, táo bạo, nhưng cũng thật hóc búa, thách thức ý chí, nghị lực và lòng quả cảm của cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong (TNXP), dân công hỏa tuyến... Những cán bộ, chiến sĩ nhận nhiệm vụ khảo sát thiết kế đã hăm hở lên đường với cơm nắm, cá khô và trái tim cháy bỏng. Sau nhiều ngày luồn rừng, lội suối, vượt qua các vách đá cheo leo, họ đã dựng được hình hài con đường báo cáo trước BTL Trường Sơn: Tuyến đường mới bắt đầu từ thôn Phong Nha (Bố Trạch, Quảng Bình) lần lượt đi qua các địa danh như: Ðồng Tiền, Trạ Ang, Ba Thang, Khe Diêm, Cà Roòng, Phu La Nhích và gặp đường 128 tại ngã ba Lùm Bùm - trên đất bạn Lào. Toàn tuyến dài 123 km.
Ngày 21-1-1966, tức ngày mồng một Tết Bính Ngọ, lúc 17 giờ, Phó Tư lệnh Nguyễn Tường Lân đã phát lệnh nổ loạt bộc phá đầu tiên, mở màn chiến dịch: "Chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi". Tất cả các lực lượng được lệnh đồng loạt thi công từ hai hướng đông - tây.
Từ phía đông, công trường xây dựng do đồng chí Phan Trầm chỉ huy hai trung đoàn và các đội TNXP đến từ các tỉnh: Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh... Mũi đông thi công từ Phong Nha đến sông Ta Lê. Ðây là đoạn địa hình khó khăn nhất, khối lượng lớn nhất, với các trọng điểm: Dốc Ðồng Tiền, U Bò, Khe Diêm và đặc biệt là dốc Ba Thang. Sau 15 ngày đêm liên tục thi công, với choòng tay và thuốc nổ, Tiểu đoàn 2, thuộc Trung đoàn 10 đã làm nên kỳ tích: "hạ gục" dốc Ba Thang. Trong đó, gần 8.000 người tham gia mở đường, phần lớn trong số họ đang ở lứa tuổi 20, mồ hôi và máu của họ đã đổ trên mỗi thước đường.
Mũi thi công từ phía tây, với tên gọi là Công trường 128, do đồng chí Nguyễn Lang chỉ huy. Việc thi công cũng không kém phần vất vả do đoạn qua đèo Phu La Nhích dốc dựng đứng, qua các sông nước chảy xiết như: Chà Là, Ta Lê - hai phụ lưu của dòng sông Sê Băng Phai.
Sau gần bốn tháng, ngày 14-4-1966, hai cánh đã gặp nhau ở khu vực biên giới Lào - Việt, con đường vượt khẩu mới mang tên Tuổi trẻ đã khai thông. Ðường 20 hoàn thành trong một thời gian kỷ lục. Khối lượng thi công cũng là con số khổng lồ: hơn một triệu m3 đào đắp, phần lớn là đào đắp đá, hàng trăm mét ngầm vượt sông suối, hàng trăm cầu, cống tạm... Ðường thông, đoàn xe 15 chiếc chở gạo của Binh trạm 14 đã tiên phong vượt đỉnh U Bò trên đường 20 đi về phía nam, mở đầu giai đoạn vận chuyển cơ giới của Ðoàn 559, rút ngắn quãng đường vận chuyển, tránh được "Tử huyệt" Seng Phan, xe chạy được quanh năm...
NGÀY 17-5-1966, hai chiếc AC-130 rải chất độc hóa học hủy diệt cây rừng và phát hiện ra tuyến đường. Từ đó, Ðường 20 trở thành mục tiêu đánh phá tàn khốc, nơi thử thách ý chí, bản lĩnh của con người, nơi đối đầu giữa các cô gái, chàng trai lứa tuổi 20 với không quân Mỹ cùng các vũ khí hiện đại, tiên tiến nhất, với những thủ đoạn tàn bạo, hiểm độc nhất. Hàng loạt các địa danh trở thành trọng điểm như: Ðồng Tiền, Trạ Ang, Khe Diêm..., nhất là cụm trọng điểm ATP gồm: Cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích.
Ngày 15-7-1966, địch bắt đầu ném bom trọng điểm Cua chữ A. Ðây cũng là trọng điểm chịu bom B-52 đầu tiên trên tuyến: Trong vòng sáu tháng liền, địch đã sử dụng cường kích đánh hơn 2.700 lần và máy bay B-52 đánh hơn 270 lần, ném hơn hai vạn quả bom các loại. Có ngày địch đã dùng tới 114 lần chiếc cường kích và 18 lần chiếc B-52. Những quả đồi A mẹ, A con bị bom đạn cày đi, xới lại, bạt thấp hẳn đi, biến cảnh tượng nơi đây giống như hoang mạc.
Ðại đội 5, Ðội 25 TNXP đã bám trụ kiên cường, với khẩu hiệu: "Ðại đội 5 quyết tử cho Cua chữ A quyết thông". Tại đây đã xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm: Anh hùng Vũ Tiến Ðề, với chiếc máy gạt đã san lấp hàng vạn m3 đất đá và hàng trăm quả bom nổ chậm; nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Vân Liệu là người phá bom nổ chậm đầu tiên trên tuyến; người nhiều lần xông vào dập lửa cứu xe, cứu hàng. Ðồng chí Trần Ðình Cầu, Binh trạm phó đã đặt Chỉ huy sở ngay sát trọng điểm theo dõi quy luật hoạt động của địch để tổ chức chiến đấu. Ðồng thời với việc giành giật từng thước đường trên trọng điểm, một lực lượng bí mật mở đường 20B dài chín km đi vòng phía sau tránh trọng điểm Cua chữ A.
Mùa khô năm 1967-1968, mặc dù địch vẫn tăng cường đánh phá ác liệt, các Tiểu đoàn xe: 781, 734, 963 và 965 vẫn đi nhanh, về gọn, quay vòng nhanh, nâng cây số xe chạy mỗi đêm từ 130 lên 170 cây số. Anh hùng lái xe Khúc Văn Lượng đã nêu kỷ lục chạy 18 chuyến một tháng, mỗi đêm chạy gần hai trăm cây số.
Quyết tâm đã làm nên chiến thắng. Kết thúc mùa khô năm 1967-1968, đường 20 vinh dự được mang tên đường 20 - Quyết thắng.
Cuối tháng 9-1968, địch tăng cường đánh phá đường 20. Ðoạn đường độc đạo từ dốc Ðồng Tiền đến Trạ Ang trở thành trọng điểm vô cùng ác liệt, các xe chở hàng, chở xăng không thể vượt qua.
Không có xăng, các đoàn xe của Ðoàn 559 phải nằm im, trong khi chiến trường sôi sục. Binh trạm 14 đã huy động các chiến sĩ vần các phuy xăng xuống suối Trạ Ang tại Km 10, kéo ngược suối qua trọng điểm, đến km 14 lại đưa xăng lên đường. Chỉ riêng hai ngày cuối tháng chín, Binh trạm 14 vận chuyển được 30 phuy xăng, thì 29 chiến sĩ đã hy sinh...
Ngày 5-11-1968, địch tập trung đánh phá Ta Lê - Phu La Nhích... Ngầm Ta Lê bị lũ cuốn trôi không còn một viên đá. Ðèo Phu La Nhích bị bom cắt từng đoạn. Ðường 20 bị ách tắc trong nhiều ngày... Thực hiện quyết tâm giải tỏa cửa khẩu đường 20, Tiểu đoàn 33 và 335 Công binh đã san lấp hàng vạn m3 đất, đá, vô hiệu hóa hàng nghìn quả bom nổ chậm, bom từ trường. Từ cán bộ chỉ huy đến các chiến sĩ, TNXP đã trần mình dưới bom đạn, liên tục có mặt ngay trên khu vực trọng điểm, bất kể ngày đêm. Nhiều đồng chí ngâm mình suốt đêm dưới dòng nước Ta Lê lạnh giá để xếp từng viên đá lát mặt ngầm. Sau 10 ngày đêm chiến đấu với địch, với trời, đường A, B và ngầm Ta Lê được khai thông.
Mùa khô năm 1971-1972, địch giở thủ đoạn đánh phá mới với bom thông minh điều khiển bằng tia la-de, bom từ trường cải tiến đánh vào cầu ngầm và các đoạn đường xung yếu. Những nơi địa hình bằng phẳng, địch dùng máy bay AC-130 săn các đội hình xe ban đêm. Ðể đối phó chúng ta thực hiện phương châm "Nhất tốc, nhì thông, tam vòng, tứ tránh", mở rộng, làm phẳng mặt đường, tăng tốc độ xe. Ðể vô hiệu máy bay AC-130, Tiểu đoàn 24 mở thêm "đường kín" - đường K dài 22 cây số cho xe chạy ngày. Ðường kín cho xe chạy ban ngày đã được Bộ đội Trường Sơn kéo dài mãi về phía nam, đến tận Sê Rê Pốc.
Từ khi khai sinh năm 1966, từ chỗ chỉ là con đường độc tuyến dài 123 km, đến năm 1973, đường 20 đã là một mạng đường vượt khẩu như "trận đồ bát quái", với tổng số chiều dài hơn 260 cây số, bảo đảm cho các đơn vị vận chuyển chủ động hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Làm nên kỳ tích đó là một sự hợp đồng chiến đấu giữa các đơn vị, các lực lượng khác nhau trên mỗi trọng điểm, mỗi cây số đường 20. Lực lượng công binh gan vàng, da ngọc, "sống chết với con đường". Lực lượng lái xe dưới bom đạn vẫn vững vàng tay lái, với khẩu hiệu: "Một xe cũng tấn công, một lái cũng chiến đấu". Các đơn vị phòng không, từ khẩu đội súng máy cao xạ 12,7 ly đến các trung đoàn tên lửa ngày đêm giăng lưới lửa làm kinh hoàng các "thần sấm", "con ma". Bộ đội thông tin với khẩu hiệu: "Ðứt dây như đứt ruột, gãy cột như gãy xương"; trong bất cứ tình huống nào cũng giữ vững "mạch máu" thông tin thông suốt. Không thể kể hết ra đây những sự tích anh hùng và cả những đau thương mất mát. Hàng chục đơn vị và cá nhân chiến đấu trên tuyến đường 20 đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
THÁNG 5-1973, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Trường Sơn vinh dự được đón Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, thay mặt Bộ Chính trị, T.Ư Ðảng và Quân ủy T.Ư vào thăm. Ðứng trên trọng điểm ATP còn nguyên mầu đất đỏ, Ðại tướng nói: Trăm nghe không bằng một thấy. Có đến tận nơi mới thấy cái vĩ đại và rất nên thơ của tuyến đường, như cảnh Cua chữ A, Ta Lê, Phu La Nhích... và cuộc chiến đấu, lao động kiên cường của những con người đã làm nên sự tích anh hùng... "Ðường 20 là một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan".
Ðường 20 - Quyết Thắng hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu "kỳ công, kỳ tích, kỳ quan" tiêu biểu trong hệ thống "kỳ công, kỳ tích, kỳ quan" của chiến trường Trường Sơn.