Phản ánh của nhiều nạn nhân
Lợi dụng tâm lý muốn tìm kiếm các tour giá rẻ, phòng nghỉ đẹp, nhiều đối tượng đã lập ra các fanpage, website giả mạo gần giống hệt trang chính thức của các hãng lữ hành, khách sạn nổi tiếng để lừa đảo người tiêu dùng.
Chiêu thức phổ biến là tạo các fanpage giả mạo với tên gọi, hình ảnh, logo giống các thương hiệu lớn như Vinpearl, Bamboo Airways, Vietravel... Các trang này chạy quảng cáo trên mạng xã hội, có dấu tích xanh, hàng nghìn lượt theo dõi, hàng trăm bình luận “ảo” nhằm tạo lòng tin. Nhiều người dù cẩn trọng vẫn dễ dàng chuyển tiền vì nghĩ mình đang giao dịch với đơn vị chính thống.
Một thủ đoạn khác là đăng bài trong các hội nhóm du lịch trên trang mạng xã hội Facebook, Zalo với nội dung hấp dẫn như “combo 4 ngày 3 đêm chỉ 4,99 triệu đồng”, “giảm giá sâu tour phút chót”, “chỉ còn 3 suất cuối cùng”… kèm theo lời thúc giục “giữ chỗ ngay”, đánh trúng tâm lý sợ “cháy vé”, “cháy phòng” của khách hàng.
Chị Ngô Minh Phương (quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) phản ánh với Báo Nhân Dân điện tử: Vào dịp chuẩn bị nghỉ lễ 30/4-1/5, chị đã 5 lần chuyển tổng cộng hơn 45 triệu đồng cho một người tên Huỳnh Nhật Long (trú tại thành phố Huế, Thừa Thiên Huế) để đặt tour cho cơ quan. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, người này cắt đứt liên lạc và không thực hiện bất kỳ dịch vụ nào. Chị Phương đã trình báo vụ việc đến Công an thành phố Huế.
Chị L.H.O (quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội) cũng bị lừa gần 10 triệu đồng sau khi đặt phòng qua một fanpage Facebook mạo danh Vinpearl Hạ Long. “Trang này dùng tên và ảnh giống hệt khu nghỉ dưỡng thật, còn chạy quảng cáo nữa. Sau khi tôi chuyển tiền, fanpage lập tức chặn liên lạc. Điều đáng lo là họ còn nắm thông tin cá nhân và số điện thoại của tôi”, chị L.H.O bức xúc chia sẻ.
![]() |
Tin nhắn và phiếu đặt phòng các đối tượng lừa đảo gửi cho chị L.H.O. (Ảnh chụp màn hình) |
Tương tự, chị P.L.N.N (Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) đặt combo du lịch Phú Quốc qua một fanpage có dấu tích xanh, quảng cáo giá chỉ 5 triệu đồng/người. Sau khi chuyển khoản 20 triệu, chị nhận được phiếu xác nhận có dấu đỏ nhưng không có giá trị pháp lý. Khi đến địa chỉ ghi trên phiếu thì không hề có công ty nào tồn tại.
Đây chỉ là ba trong số hàng chục vụ việc bạn đọc gửi đến Báo Nhân Dân điện tử trong những ngày qua. Anh L.V.T (tỉnh Nam Định) cho biết cũng bị lừa 12 triệu đồng khi đặt vé máy bay qua một fanpage có hàng loạt đánh giá tích cực. “Tra cứu lại tôi mới phát hiện đó là fanpage giả do nhóm lừa đảo dựng lên”.
Vừa mất tiền, vừa bức xúc
Thực tế cho thấy, không còn chỉ dừng lại ở các tin nhắn rác hay đường link lạ, thời gian qua, nhiều đối tượng đã tạo lập các fanpage, website giả mạo gần giống hệt trang chính thức của các khách sạn, resort hoặc công ty du lịch uy tín để lừa đảo những người có nhu cầu đi du lịch. Từ logo, tên miền gần giống đến giao diện chuyên nghiệp, nhiều người dùng dù cẩn trọng vẫn dễ bị lừa bởi sự bài bản và tinh vi của các trang mạo danh.

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới chiêu thức “combo du lịch giá rẻ”
Đặc biệt, rất nhiều fanpage còn được chạy quảng cáo trên mạng xã hội, có dấu tích xanh, hàng chục nghìn lượt theo dõi, bình luận “ảo” tán dương dịch vụ. Các hình ảnh phòng nghỉ sang trọng cùng lời kêu gọi “đặt sớm không hết” dễ khiến người dân tin tưởng, chuyển khoản mà không kiểm chứng.
Một chiêu trò phổ biến khác là đăng bài trong các hội nhóm du lịch, chào mời “tour phút chót” giá rẻ, phòng còn trống “giảm giá sâu”, thúc giục người mua chuyển tiền giữ chỗ gấp để “khỏi cháy phòng, cháy vé”. Tuy nhiên, sau khi chuyển khoản, người cung cấp dịch vụ nhanh chóng biến mất, tài khoản mạng xã hội bị xóa. Liên quan đến thủ đoạn này, nhiều người bị lừa mất từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng, thậm chí có trường hợp bị chiếm đoạt hàng tỷ đồng. Lúc này, nạn nhân chỉ còn biết chia sẻ bức xúc với cộng đồng mạng hoặc trình báo cơ quan chức năng.
Để không trở thành nạn nhân tiếp theo
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, Chuyên gia Pháp lý Truyền thông Việt: “Các chiêu trò lừa đảo này tuy không mới, nhưng thường xuyên tái diễn vào các dịp nghỉ lễ, hè, Tết. Nhiều người chủ quan, thấy fanpage có dấu tích xanh là tin tưởng tuyệt đối, mà không biết rằng hiện nay, dấu tích xanh có thể bị mua bán hoặc chiếm dụng nếu đối tượng qua mặt được hệ thống kiểm duyệt”.
Ông Minh khuyến nghị: Nếu có dấu hiệu bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức trình báo Công an, đồng thời gửi thông tin đến cơ quan báo chí như Báo Nhân Dân để được hỗ trợ và lan tỏa cảnh báo đến cộng đồng.
Theo Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Công ty luật Intercode (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), hành vi của các đối tượng trong những vụ việc nêu trên có dấu hiệu cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội lừa dối khách hàng hoặc tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Tùy theo số tiền chiếm đoạt, các đối tượng phạm tội có thể xử lý theo Điều 174, Điều 198, Điều 290, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Thậm chí, trường hợp số tiền chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên, đối tượng phạm tội có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
“Để tránh bị lừa đảo, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn các gói du lịch, các đại lý bán vé máy bay; chỉ nên lựa chọn dịch vụ đặt tour/phòng của những công ty hoặc qua các ứng dụng du lịch uy tín, chất lượng”, Luật sư Thắng chia sẻ thêm.
![]() |
Cảnh báo trên Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Hà Nam (trái) và Công an tỉnh Nghệ An (phải) về các chiêu trò lừa đảo dịp nghỉ lễ, mùa du lịch. (Ảnh: chụp màn hình) |
Trước thực trạng gia tăng các hành vi lừa đảo liên quan đến dịch vụ du lịch như đặt phòng khách sạn, vé máy bay, tour trọn gói… cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, người dân cần lưu ý chỉ đặt dịch vụ qua website, ứng dụng chính thức của các hãng hàng không, khách sạn, công ty du lịch uy tín. Kiểm tra kỹ tên miền, tránh các trang gần giống hoặc có ký tự lạ; không chuyển tiền vào tài khoản cá nhân nếu không có hợp đồng, hóa đơn, biên nhận chính thức. Chỉ giao dịch qua tài khoản công ty được công khai; không cung cấp mã OTP (mã xác thực một lần), mật khẩu, thông tin tài khoản ngân hàng qua điện thoại, tin nhắn, dù người gọi tự xưng là nhân viên chăm sóc khách hàng hay kế toán; khi phát hiện bị lừa, cần nhanh chóng trình báo công an địa phương và gửi thông tin đến cơ quan báo chí, trong đó có đường dây nóng Báo Nhân Dân điện tử để được hỗ trợ kịp thời.
Nhu cầu sử dụng các dịch vụ du lịch của người dân là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, mỗi người cần sự tỉnh táo, cảnh giác để không trở thành nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục vào cuộc quyết liệt; đồng thời mong bạn đọc tích cực phản ánh thông tin nghi vấn tới tòa soạn, góp phần xây dựng một môi trường du lịch an toàn, lành mạnh cho toàn xã hội.