Ghép cà chua lên gốc cà tím trái vụ

Kết quả bước đầu cho thấy, cà chua ghép trên gốc cà tím phát triển khỏe, thời gian sinh trưởng dài hơn so với cà chua không ghép. Năng suất cà chua ghép trái vụ đạt tới 35 đến 40 tấn/ha, chất lượng không thua kém cà chua trồng chuyên canh chính vụ.  Ðạt được kết quả này, các nhà chuyên môn đã kết hợp sử dụng gốc ghép cà tím giống EG 203 ghép với các giống cà chua VL 3500, VL 642, Savior... trồng trái vụ vào tháng 7 và tháng 8; đồng thời áp dụng kỹ thuật gieo hạt cà tím, cà chua trong bầu. Ngoài ra gốc ghép cà tím còn có khả năng chống ngập úng rất tốt, nhất là cà chua trồng trái vụ, chất lượng quả của giống không thay đổi.

Rô-bốt điều khiển giao thông

Rô-bốt điều khiển giao thông do nhóm sinh viên năm thứ tư, Khoa Cơ khí chế tạo máy của Ðại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh nghiên cứu và chế tạo. Rô-bốt được chế tạo trên cơ sở phối hợp nhiều mảng kiến thức khác nhau như: điện tử, cơ khí, lập trình điều khiển, giao tiếp máy tính, điều tra xã hội... Nhìn xa, rô-bốt này không khác người thật và hoạt động theo nguyên lý thu nhận, xử lý hình ảnh để đưa ra các động tác điều khiển giao thông. "Thông tin đầu vào" cho rô-bốt là các ca-mê-ra đặt ở các góc đường. Hình ảnh này sẽ được truyền về máy tính và xử lý bằng phần mềm do nhóm tự viết. Từ đó, tín hiệu điều khiển sẽ được truyền qua in-tơ-nét (bằng sóng vô tuyến, hoặc hữu tuyến) tới rô-bốt. Như vậy, tùy theo tình hình giao thông trên các nút giao thông, rô-bốt sẽ đưa ra các động tác điều khiển thích hợp. Với chín động cơ lắp trong cổ tay, khuỷu tay và cánh tay, rô-bốt có thể thực hiện chín động tác cơ bản trong điều khiển giao thông: đưa tay dang ngang, đưa tay thẳng đứng, gập góc vuông, đưa về phía trước... Tuy nhiên, loại rô-bốt do nhóm nghiên cứu cũng còn những điểm hạn chế như dễ hỏng do vật liệu chế tạo không tốt, tay rô-bốt chưa thực hiện được các cử động phức tạp. Rô-bốt này cũng không thể di chuyển cơ động như một cảnh sát giao thông thực thụ. Ngoài ra, phần mềm xử lý hình ảnh ở rô-bốt này chỉ mới quan sát được 90% lượng xe.