Rào cản về thể chế, chính sách
Theo một số chuyên gia, hệ thống pháp luật hiện hành của chúng ta chưa đồng bộ, thống nhất, dẫn đến nhiều cơ chế ưu đãi, khuyến khích chưa phát huy đầy đủ tác dụng. Các quy định về đầu tư, tài chính cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn bất cập, chưa phù hợp với đặc thù hoạt động công nghệ cao.
Chẳng hạn, pháp luật quy định doanh nghiệp được trích lập quỹ phát triển khoa học công nghệ từ lợi nhuận, nhưng thủ tục sử dụng quỹ này còn phức tạp, chưa hấp dẫn doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D).
Ngoài ra, khi tiếp cận các chương trình hỗ trợ nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của Nhà nước, doanh nghiệp thường gặp trở ngại về thủ tục hành chính, mất nhiều thời gian và cơ hội thị trường. Việc sử dụng quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp cũng chưa linh hoạt do quy định rườm rà…
Theo ông Vũ Thế Phiệt, Chủ tịch Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Chính phủ đang dự thảo nghị định về tháo gỡ các quỹ đầu tư phát triển, quỹ khoa học công nghệ, trong đó có vấn đề 3% lợi nhuận trước thuế. Doanh nghiệp hy vọng nghị định này sớm ra đời để tạo tiền đề cho tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp thời gian tới.
Các chuyên gia cũng cho rằng, vẫn thiếu quy định hoặc cơ chế thử nghiệm (sandbox) để doanh nghiệp mạnh dạn triển khai ý tưởng mới. Một số quy định tại Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư chưa rõ ràng, vẫn còn rào cản về pháp lý trong thủ tục đầu tư, đấu thầu…
Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Trần Văn Khải, đại biểu Quốc hội, Ủy viên hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư đã có quy định cụ thể, rõ ràng về các thủ tục đầu tư, đấu thầu… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện doanh nghiệp mất nhiều thời gian.
Ngoài ra, các yêu cầu về năng lực tài chính và kinh nghiệm trong các quy định đấu thầu cũng có thể là rào cản cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, dù mong muốn hợp tác với các “ông lớn” công nghệ như Viettel, VNPT, FPT để thực hiện chuyển đổi số, song EVN đang vướng mắc bởi những quy định chưa rõ ràng trong Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư.
Đưa thể chế thành lợi thế cạnh tranh
Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị khẳng định phải “khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh” trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trên tinh thần đó, Quốc hội đã nhanh chóng thông qua Nghị quyết 193/2025/ QH15 để thí điểm các cơ chế, chính sách đặc biệt hiện thực hóa chủ trương đột phá ngay trong năm 2025.
Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị khẳng định phải “khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh” trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trên tinh thần đó, Quốc hội đã nhanh chóng thông qua Nghị quyết 193/2025/ QH15 để thí điểm các cơ chế, chính sách đặc biệt hiện thực hóa chủ trương đột phá ngay trong năm 2025.
Tiến sĩ Trần Văn Khải cho rằng, cần hoàn thiện khung pháp luật, chính sách một cách toàn diện và kịp thời. Đây là giải pháp mang tính nền tảng.
Nhà nước cần sớm rà soát, sửa đổi và bổ sung đồng bộ các luật và quy định liên quan đến khoa học công nghệ, đầu tư, tài chính như Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Công nghệ cao, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Thuế… Mục tiêu là tháo gỡ ngay những điểm nghẽn, rào cản, giải phóng mọi nguồn lực cho đổi mới sáng tạo.
Ông cũng đề xuất, cần mạnh dạn áp dụng cơ chế thử nghiệm và chấp nhận rủi ro trong quản lý khoa học công nghệ; tăng cường vai trò của doanh nghiệp và cộng đồng trong việc thực thi chính sách. Các doanh nghiệp công nghệ cần nâng cao năng lực quản trị, minh bạch và sáng tạo hơn, để xứng đáng nhận được sự tin tưởng, trao quyền từ Nhà nước.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa “ba nhà” - Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp-theo tinh thần Nghị quyết 57 sẽ kiến tạo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo thuận lợi, trong đó doanh nghiệp là trung tâm đổi mới và được hỗ trợ tối đa bởi thể chế.
Theo Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định, doanh nghiệp muốn phát triển phải luôn luôn cải thiện năng suất lao động, muốn đột phá được phải có đổi mới sáng tạo. Các chủ trương này sẽ được thể chế hóa trong các dự án luật mà hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ, ngành sửa đổi toàn diện.
Thứ trưởng cho rằng, Nghị quyết số 193 của Quốc hội đã khẳng định điều chỉnh lại thuế cho doanh nghiệp và cá nhân hoạt động khoa học công nghệ, các khoản tài trợ của doanh nghiệp cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo; khoản chi cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo được tính vào các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế cho doanh nghiệp.