Bài 1: Đưa thương hiệu sản phẩm địa phương vươn xa
“Chương trình mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã góp phần thay đổi diện mạo kinh tế nhiều vùng nông thôn của Hà Nội. Để tạo chỗ đứng bền vững cho các sản phẩm OCOP trên thị trường, người dân và doanh nghiệp đã tích cực áp dụng những tiến bộ khoa học và công nghệ vào quy trình sản xuất.
Chuẩn hóa quy trình vận hành bằng máy móc hiện đại, thay thế lao động thủ công là bước đi quan trọng của cơ sở sản xuất chè kho Bằng An, huyện Thạch Thất. Sau khi được chứng nhận OCOP 4 sao, sản lượng tiêu thụ chè kho Bằng An đã tăng 30% so với trước đây. Để sản phẩm vừa giữ được hương vị tươi ngon đặc trưng, vừa an toàn cho người tiêu dùng, chè kho được sản xuất trong khu vực khép kín, một chiều theo tiêu chuẩn ISO 22.000:2018 với sự đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại.
Giám đốc cơ sở sản xuất chè kho Bằng An Kiều Thị Kim Khánh cho biết: “Toàn bộ quá trình sản xuất của cơ sở được thực hiện theo tiêu chuẩn phòng sạch sản xuất thực phẩm, khép kín toàn bộ; sử dụng phần mềm quản lý để theo dõi kho, nguyên liệu, quản lý đơn hàng và danh sách khách hàng. Ngoài ra, chúng tôi đang triển khai bán hàng trên các kênh thương mại điện tử, nền tảng xã hội, hệ thống website để quảng bá, tuyên truyền và tiếp cận tới người tiêu dùng”.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn thì việc tiếp cận, ứng dụng công nghệ tiên tiến càng trở nên quan trọng. Hợp tác xã nông nghiệp Tam Hưng, huyện Thanh Oai có diện tích lúa lớn nhất huyện với 684 ha, hằng năm cung cấp ra thị trường khoảng 4.000 tấn gạo các loại. Hợp tác xã này hiện có ba sản phẩm gạo OCOP 4 sao.
Ông Đỗ Văn Kiên, Giám đốc hợp tác xã cho biết: “Hợp tác xã sử dụng máy bay không người lái phun thuốc diệt trừ sâu bệnh, ứng dụng công nghệ sinh học để cây lúa phát triển theo tiêu chuẩn VietGAP. Chúng tôi cũng phối hợp đoàn thanh niên xã bán hàng livetream trên nền tảng mạng xã hội Facebook, TikTok, nhờ vậy mà sản lượng bán hàng của hợp tác xã đã tăng 20% so với trước đây”.
Để phát triển các sản phẩm OCOP theo hướng chuyển đổi số, huyện Thanh Oai đã hướng dẫn các xã đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, sử dụng công nghệ blockchain hoặc mã QR để giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hợp tác và liên kết chuỗi cung ứng trong chuyển đổi số giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, gia tăng hiệu quả đầu ra và giảm chi phí đầu vào.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong phát triển và cạnh tranh các sản phẩm OCOP là hướng đi mà nhiều cơ sở kinh doanh chú trọng trong thời gian tới. Anh Mai Hồng Bàng, chủ hộ kinh doanh cá thể Mailands, huyện Thanh Oai cho biết: “Chúng tôi có ba sản phẩm đông trùng hạ thảo được công nhận OCOP 3 sao. Tất cả sản phẩm OCOP của đơn vị được nuôi trồng đều sử dụng phần mềm theo dõi nhiệt độ, độ ẩm phòng nuôi, truy xuất nguồn gốc bằng mã QR. Thời gian tới, chúng tôi sẽ ứng dụng mạnh mẽ hơn các nền tảng bán hàng số, công nghệ AI trong phân tích nhu cầu khách hàng và chuẩn hóa dữ liệu sản xuất để từng bước chuyên nghiệp hóa các khâu sản xuất”.
Bên cạnh sự chủ động của chủ thể sản xuất, các cơ quan chức năng cũng cần quan tâm, hỗ trợ về việc xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; kết nối khách hàng thông qua đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ.
Theo thông tin từ Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội, một trong những nội dung và nhiệm vụ quan trọng nhất của Chương trình OCOP là tăng cường chuyển đổi số, bao gồm các hoạt động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong truyền thông; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm thông qua các sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream) nhằm tối ưu hóa ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, thương mại sản phẩm.
Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương Ngô Trường Sơn cho biết, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm OCOP. Việc hỗ trợ phát triển sản phẩm mới, quảng bá và xúc tiến thương mại sẽ được đẩy mạnh hơn nữa, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các chủ thể OCOP cũng như vai trò quản lý nhà nước đối với chương trình này.
Khoa học, công nghệ không chỉ góp phần tăng năng suất, chất lượng mà còn nâng cao giá trị và đưa sản phẩm OCOP đến gần với khách hàng hơn. Việc triển khai, ứng dụng đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất phải đầu tư bài bản vào hạ tầng cơ sở và đào tạo nguồn nhân lực; đồng thời cần có sự vào cuộc, hỗ trợ hiệu quả từ Nhà nước. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng khoa học và công nghệ vẫn được xem là chìa khóa quan trọng giúp các sản phẩm OCOP của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng bứt phá trong kỷ nguyên chuyển đổi số.
(Còn nữa)